Tổng công ty 36 và lộ trình CPH: Tiên phong để phát triển
Quyết định dũng cảm
Khác với nhiều lãnh đạo DNNN sợ phải minh bạch, công khai; sợ lộ ra nhiều khuyết điểm; sợ mất chiếc ghế quyền lợi… khi cổ phần hóa (CPH), Đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) lại mạnh dạn chủ động báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để Tổng công ty 36 trở thành DN quân đội tiên phong CPH công ty mẹ.
Tổng công ty 36 quyết tâm CPH thành công
Khi CPH bắt đầu được Việt Nam thử nghiệm trong các năm 1990-1991 và được đẩy mạnh từ năm 1996, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp mới từ vị trí của một cán bộ vật tư nhập cuộc thương trường bằng các sản phẩm mua bán lẻ, rồi từng bước qua các vị trí đòi hỏi trách nhiệm và cống hiến nhiều hơn của một đội trưởng, phó giám đốc một xí nghiệp nhỏ bé của Binh đoàn 11.
Năm 2003, Công ty Đầu tư xây lắp và thương mại 36 mới được thành lập. Dưới sự chèo lái của người “thuyền trưởng” Nguyễn Đăng Giáp, Công ty 36 sinh sau đẻ muộn nhưng đã biết đi tắt đón đầu, chọn những luồng lạch khả thi để chiếm lĩnh được những “miền đất hứa”. Cứ hai năm làm nên một sự kiện, chỉ trong 10 năm, Anh hùng Nguyễn Đăng Giáp đã “làm nên lịch sử”, từ một người lính làm công vụ tầm thường nơi quân cảng Cam Ranh trở thành một CEO tầm cỡ của khối DNNN.
Công ty trở thành Tổng công ty xây dựng hàng đầu của quân đội và của đất nước, thương hiệu 36, con số vô danh ngày nào bỗng chốc lừng lững sánh ngang cùng những “ông lớn” trong ngành xây dựng đã ra đời trước nhiều thập kỷ như Sông Đà, Trường Sơn, Thành An, Thăng Long, Bạch Đằng…
Đi từ không đến có, trải qua không ít vật lộn, tranh đấu để sinh tồn với không ít cú “nốc ao” của cả đối tượng và đối tác, đường tới thành công của anh hùng Nguyễn Đăng Giáp và Tổng công ty 36 chưa bao giờ trải sẵn hoa hồng. Thế cho nên, việc Đại tá Nguyễn Đăng Giáp chủ động đề xuất và được Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đồng ý càng thể hiện ông Giáp là người mong muốn minh bạch hoá tất cả.
Bởi lẽ, CPH không có đất cho những giả dối, cho những đặc quyền đặc lợi, tâm lý giữ ghế… Bởi chỉ có niềm tin của các cổ đông mới quyết định vị trí người đứng đầu. Có thể nói, ông Giáp đã có một quyết định dũng cảm.
Vai trò người đứng đầu
Đi sau cả nghìn DNNN trong lộ trình CPH, con đường phía trước của Tổng công ty 36 không ít thách thức. Không đâu xa, trong khối DN quân đội, từng có những công ty tiếng tăm của quân đội sau khi CPH rơi vào cảnh “tan tác chim muông”, chìm dần trong sóng gió thương trường. Nhưng cũng có rất nhiều những công ty sau CPH mạnh hơn, lớn hơn, có một sự “thay máu thực sự”.
Nhìn vào Vietcombank với tư cách là ngân hàng duy nhất của Việt Nam 2 năm liên tiếp có mặt trong Top 500 ngân hàng hàng đầu thế giới; hay Vinamilk vừa bán được cổ phần lần đầu thu về cho Nhà nước trên 2 nghìn tỷ đồng, lại nâng giá trị vốn Nhà nước tại DN lên hơn 2 tỷ USD, nhiều bài học được rút ra.
Đó là lựa chọn người đứng đầu đủ phẩm chất; chọn ngành chiến lược và có nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường; công khai minh bạch thông tin, niêm yết sớm; tập trung toàn lực cho phát triển giá trị cốt lõi của DN; và thực hiện chiến lược kinh doanh phát triển bền vững.
Từ những bài học như vậy, với Tổng công ty 36, yếu tố số một để CPH thành công vẫn nằm ở vai trò người đứng đầu. Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Giáp vẫn là “tổng công trình sư”, người thiết kế, lập trình mọi đồ thị phát triển cho DN từ ngày còn phôi thai cho tới hôm nay. Xét ở một góc độ nào đó, tài năng, uy tín và thực tiễn điều hành thành công của ông Giáp cũng chính là một thứ thương hiệu vô giá cho Tổng công ty 36.
Không phải ngẫu nhiên mà cách đây hơn 5 năm, trên trang Bách khoa thư mở do người Mỹ thực hiện, người ta đã đúc kết một nhận định “Nguyễn Đăng Giáp là người có tiếng nói còn mạnh hơn cả tư lệnh binh đoàn”. Nếu nhìn nhận ở góc độ giá trị thương hiệu tạo nên giá trị gia tăng thì chính thương hiệu Nguyễn Đăng Giáp là nòng cốt của thương hiệu Tổng công ty 36, tạo ra niềm tin của đối tác, khách hàng và cả các chủ đầu tư.
Bởi theo chuyên gia kinh tế - tài chính quốc tế Nguyễn Trần Bạt, người có nhiều hiến kế cho các nguyên thủ quốc gia, kinh nghiệm của thế giới cho thấy hiệu quả kinh doanh phụ thuộc trước hết vào năng lực, phẩm chất của đội ngũ CEO. Vì thế, những người có khả năng tổng công trình sư trong kinh doanh như Nguyễn Đăng Giáp là rất cần cho việc xốc lại hay kiến tạo một con tàu lớn như 36.
Sắc đỏ hoá… xanh
Dũng cảm tiên phong CPH, song như bất kỳ DNNN nào khác, người đứng đầu như ông Giáp phải đối mặt với những khó khăn trong việc xử lý tài chính và đất đai. Trong khi đó, quyết tâm công khai, minh bạch đặt DN vào vị trí phải quyết liệt và gấp rút thực hiện. Nhiệm vụ đặt ra, trước hết phải công bố công khai, minh bạch những thông tin về DN.
Để người có ý định mua cổ phần có thể yên tâm khi biết DN mình định mua trên thực tế đang thuộc về những ai; DN có những khoản “nợ đồng lần” nào, ở đâu, có khả năng gỡ ra không; trong tương lai theo cơ cấu vốn mới ai sẽ nắm quyền chi phối cao nhất và liệu mình có thể tin tưởng họ...
Ở góc độ này, dưới sự điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Giáp, Tổng công ty 36 đã và đang gấp rút tiến hành các bước định giá DN theo những quy chuẩn nghiêm ngặt… Ông Giáp nhìn nhận: Dù CPH thì chiến tranh xảy ra DN vẫn là nơi giữ gìn tiềm lực quốc phòng, chứ không thể biến thành nơi chia phần hoá, bán giá thấp, lại là cơ hội cho tham nhũng.
Phải có chuyển tiếp từ đơn sở hữu thành đa sở hữu. Ta bán cổ phần và huy động các nguồn lực khác. Huy động các nguồn lực của xã hội, các nhà đầu tư chiến lược, tạo ra một sân chơi bình đẳng và có quyền tự quyết.
“DN quân đội có thế mạnh rất lớn là bản chất bộ đội Cụ Hồ, có kỷ cương, kỷ luật, tại sao chúng ta không biết khơi dậy cái này cộng với cơ chế quản lý CPH? Chúng ta phải xác định vị trí pháp lý của từng cá nhân. Nó điều chỉnh cho mô hình DNNN rất hay, trách nhiệm của người lao động sẽ được gắn với tập thể, với đồng tiền bát gạo, sát sườn...”, ông Giáp tâm sự.
Rất mừng là từ những bài học kinh nghiệm cũ, trên cơ sở đề xuất của Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Giáp và lãnh đạo Tổng công ty 36, mới đây, những kiến nghị chính trong CPH đã được Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng chấp thuận, nhất là những vấn đề liên quan đến việc giữ nguyên bộ khung cán bộ, sĩ quan trong vòng 5 năm, số xe máy mang biển đỏ…
Một vấn đề hết sức quan trọng khác là lộ trình Nhà nước nắm giữ cổ phần và thoái vốn. Cũng như nhiều DN lớn khác đã CPH thành công, các chuyên gia cho rằng, nếu thoái vốn nhanh, ồ ạt có thể dẫn đến vỡ trận, hụt hẫng, Nhà nước mất “cả chì lẫn chài”. Mô hình thường thấy theo lộ trình trước mắt Nhà nước nên giữ 51%, sau DN mạnh lên thì Nhà nước thoái dần vốn.
Nếu không có lộ trình, rút hết vốn thì sập ngay, kéo theo nợ nần, thương hiệu, kéo theo hàng chục nghìn người lao động “ra đường” ngay lập tức là hết sức nguy hiểm.
Trước thềm CPH, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp tự tin cho hay đã xốc lại đội hình “khoẻ, sạch”. Minh chứng là nếu không “khoẻ, sạch”, không thể có chuyện hàng loạt ngân hàng lớn đều xếp hàng xin được làm đối tác, xin được gia tăng hạn mức cho vay.
Nếu không “khoẻ, sạch”, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành xây lắp “mười cây chết sáu” thế này, hiếm mà đạt được con số doanh thu hơn 3.000 tỷ năm 2013 và năm 2014 tiếp tục đặt chỉ tiêu 3.400 tỷ đồng, một con số thực sự tầm cỡ của ngành xây lắp.
Hy vọng rằng với tầm nhìn và bước đi linh hoạt của CPH, thương hiệu 36 sẽ từ chỗ “chói ngời sắc đỏ” trên công trường trở nên “xanh tươi niềm hy vọng” trên sàn giao dịch chứng khoán. Lúc đó, màu xanh của cổ phiếu blue chip sẽ là cách tốt nhất củng cố, phát triển thương hiệu 36 bền vững với thời gian.
“Trong thời kỳ đổi mới, chúng ta rất cần những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Nguyễn Đăng Giáp...” - Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. “Tổng công ty 36 mạnh vì nó có vốn, có thiết bị hiện đại và đặc biệt có Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Giáp là người dám nghĩ, dám làm, dám quyết” - Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. “Người ta không ai tin ông Giáp có thể làm được công trình Trung tâm truyền hình tầm cỡ quốc tế, riêng tôi tin chỉ ông làm được” - Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh. |
Nguyễn Văn Minh