TP.HCM đẩy nhanh thanh toán phi tiền mặt dịch vụ công
Thanh toán không dùng tiền mặt: Khi tương lai được kéo lại gần | |
Công nghệ “quét và chạm”: Trải nghiệm tuyệt vời cho phương thức thanh toán mới | |
Thanh toán di động không còn của riêng ai |
TP.HCM đang xây dựng đô thị thông minh theo hướng cung ứng nhiều dịch vụ công cho người dân, trong đó có dịch vụ thanh toán phi tiền mặt.
Thời gian qua các ngân hàng đã phát triển rất nhiều các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt gắn với nền tảng công nghệ ngân hàng hiện đại. Nhiều dịch vụ thanh toán hiện đại ngày càng trở nên phổ biến đối với người dân đô thị, nhất là giới trẻ với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng, như dịch vụ thẻ, chuyển tiền điện tử, internet banking, mobilebanking. Cùng với đó các ngân hàng cũng đang mở rộng cung ứng thanh toán các dịch vụ công như y tế, giáo dục…
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 10/2018 toàn thành phố có 584 cơ sở giáo dục đã lắp đặt 836 máy cà thẻ (POS) với doanh số thanh toán thẻ qua POS tăng bình quân 20% mỗi quý. Để có được kết quả này, NHNN TP.HCM đã có những cách triển khai hết sức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng như đối với các trường phổ thông công lập, NHNN TP.HCM phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo triển khai Đề án thẻ học đường. Trong lĩnh vực y tế hệ thống ngân hàng thành phố cũng đã triển khai lắp đặt 733 máy POS tại 490 cơ sở y tế như các bệnh viện, nhà thuốc, phòng khám…
Các nhà lãnh đạo TP.HCM khẳng định, thanh toán phi tiền mặt góp phần nâng cao hiệu quản quản lý và sử dụng ngân sách công trên địa bàn thành phố. Nhất là đối với những khoản thu, chi theo quy định, đặc biệt là các khoản thanh toán lương, điện, nước, điện thoại, chi phí công tác, thù lao… đã sử dụng 100% hình thức thanh toán phi tiền mặt. Đặc biệt đối với tiền điện, tiền nước, việc thanh toán phi tiền mặt không chỉ dừng ở khu vực công và các đơn vị hành chính sự nghiệp mà được mở rộng ra toàn thành phố. Điều này thể hiện rõ nhất là đã có 16/16 công ty điện lực của TP.HCM đến nay không còn thu tiền điện tại nhà, do đó tỷ lệ thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán đạt tỷ lệ đến 97,98%.
Số liệu của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đến cuối tháng 8/2018 đã có 85% khách hàng thanh toán qua các hình thức điện tử và phấn đấu đến năm 2020 sẽ hạn chế thấp nhất việc thanh toán bằng tiền mặt. Bên cạnh đó thanh toán tiền nước phi tiền mặt cũng có tốc độ tăng trưởng đến 63%/năm về số lượng giao dịch. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đang phối hợp thu thuế, phí, đến tận quận, huyện thanh toán phi tiền mặt. Trong đó nộp thuế, phí qua máy POS tại Kho bạc Nhà nước đã có 23/24 kho bạc nhà nước quận, huyện sẵn sàng chấp nhận thanh toán thuế, phí qua hình thức cà thẻ. Song song, đó việc nộp thuế điện tử năm 2017 đã đạt 163.450 DN, chiếm 83,5% tổng số DN đang hoạt động, tương đương với số tiền 85.000 tỷ đồng. Thông tin từ cơ quan thuế có 100% DN mới thành lập đều đăng ký kê khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử và thu bảo hiểm qua ngân hàng cũng chiếm khoảng 80% tổng số tiền thu.
Các khoản thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc được quy định chặt chẽ trong việc mở tài khoản chuyển thu tiền bảo hiểu, trường hợp tài khoản phát sinh trên 150 triệu đồng trong ngày hoặc đến cuối ngày sẽ tự động trích chuyển về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chỉ để số dư duy trì dưới 1 triệu đồng. Trong khi đó, 80% các khoản chi hưu trí, trợ cấp, bảo hiểm thất nghiệp là không dùng tiền mặt mà được chi qua bưu điện sau đó Bưu điện TP.HCM chi trả qua máy ATM; chi đau ốm, thai sản cũng được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả qua tài khoản ngân hàng trực tiếp đến người thụ hưởng hoặc chi qua đơn vị sử dụng lao động.
Hiện nay, VietinBank đang phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM xây dựng nâng cao khả năng thanh toán phi tiền mặt đối với các dịch vụ nhà đất, đăng ký kinh doanh, các dịch vụ cấp phép trong lĩnh vực y tế. Theo ông Tô Duy Lâm - Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, từ những kết quả thanh toán phi tiền mặt thời gian qua trên địa bàn cần phải nhân rộng ra các dịch vụ vận tải công cộng, thông tin, văn hóa xã hội… Theo đó đòi hỏi các ngân hàng phải liên tục cải tiến để cung ứng các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao khả năng kết nối và đảm bảo liên kết an toàn cho người dân.