TPP - “giấc mơ dang dở” của Tổng thống Obama?
Vẫn kỳ vọng Quốc hội Mỹ phê chuẩn
Mới đây, Tổng thống Mỹ Obama cho biết ông sẽ không từ bỏ việc hối thúc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP – trọng tâm của chương trình nghị sự kinh tế trong nhiệm kỳ thứ hai của ông – cho dù ông cũng nhận thấy những khó khăn chính trị rất lớn đang cản đường việc thông qua được thỏa thuận thương mại này.
“Đến thời điểm này, tôi là Tổng thống, tôi ủng hộ TPP và tôi đã có những luận cứ tốt hơn” – ông Obama nói ngày 2/8 tại cuộc họp báo của Nhà Trắng với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, người hiện đang có chuyến thăm Mỹ mà một trong những nội dung mấu chốt cũng là nhằm thể hiện sự ủng hộ và kỳ vọng TPP sẽ được phê chuẩn.
Ít có khả năng Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong kỳ họp mãn nhiệm sắp tới |
Obama nói với các phóng viên rằng, một số thỏa thuận thương mại của Mỹ trong quá khứ không mang lại tất cả những lợi ích đã hứa nhưng liệu có phải vì thế mà nước Mỹ nói không với toàn cầu hóa? “Câu trả lời là, chúng ta cần làm thế nào để đảm bảo rằng toàn cầu hóa, hay công nghệ, hay tự động hóa… sẽ phải phục vụ chúng ta chứ không phải chống lại chúng ta. Và TPP chính là hiệp định được thiết lập để hóa giải các vấn đề đó", vị Tổng thống Mỹ lập luận.
Ông Obama tin rằng, TPP vẫn còn cơ hội được thông qua tại phiên họp Quốc hội “vịt què” (lame-duck Session – là phiên họp của các nghị sỹ sắp mãn nhiệm của khóa cũ được tổ chức trước khi những nghị sỹ khóa mới bắt đầu phiên họp chính thức đầu tiên) và đây là cánh cửa sổ cuối cùng trước khi ông rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2017.
“"Hy vọng rằng, sau khi cuộc bầu cử này kết thúc thì sẽ có một sự quan tâm nhiều hơn đến các lợi ích thực tế mà TPP mang lại và lúc đó nó sẽ không còn mang tính biểu tượng chính trị hay một quả bóng chính trị nữa", ông Obama nói.
Trong một nỗ lực kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm phê chuẩn TPP, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 1/8 vừa qua tại thủ đô Washington của Mỹ phát biểu đại ý rằng, không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế mà TPP còn là phép thử mức độ thực chất trong cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ông Lý Hiển Long, để ký kết được TPP, mỗi nước tham gia đều đã phải hy sinh nhất định để đi đến một kết quả có lợi cho tất cả các bên. Dù biết việc thông qua TPP tại Quốc hội Mỹ là một quy trình không hề dễ dàng nhưng nếu “đầu tàu” Mỹ không phê chuẩn thì chắc chắn chưa thể nói về ngày có hiệu lực của TPP.
Nhưng cánh cửa cũng đóng dần
Đến nay, TPP đã được 12 quốc gia thành viên ký kết, nhưng phần lớn các nước chưa thông qua hiệp định. Mối quan ngại lớn nhất chính là Mỹ - thành viên quan trọng nhất trong hiệp định này. Nhiều nhà lập pháp nghi ngại về khả năng TPP có thể được bỏ phiếu thông qua tại phiên họp Quốc hội “vịt què” sắp tới.
Đảng Cộng hòa vào tháng trước đã thông qua một bản cương lĩnh trong đó tỏ rõ thái độ phản đối TPP, cho rằng với các hiệp định thương mại quan trọng thì “không nên vội vã hoặc được tiến hành thông qua ở một phiên họp Quốc hội “vịt què”.
Tại Hội nghị toàn quốc gia của đảng Cộng hòa cách đây hơn một tuần, ứng cử viên Tổng thống của đảng này là ông Donald Trump cũng đã nhắc lại sự phản đối với TPP, cho rằng TPP sẽ "tiêu diệt" ngành sản xuất tại Mỹ.
Một số nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa có ảnh hưởng như lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Orrin Hatch cũng bày tỏ lo ngại của mình về các bất lợi cho Mỹ trong các quy định đối với thuốc lá, dược phẩm và tổ chức tài chính trong TPP.
Ngay cả ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton, người từng lên tiếng ủng hộ TPP khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ, sau này cũng lên tiếng phản đối hiệp định này vì cho rằng nó chưa đáp ứng được yêu cầu tạo ra những công việc tốt cho người dân Mỹ, cũng như vấn đề tăng lương và tăng cường an ninh quốc gia.
John Podesta, Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho biết vào tuần trước rằng, nếu trở thành Tổng thống, bà Clinton sẽ không tìm cách đơn giản là tinh chỉnh ngôn ngữ để thông qua TPP. “Chúng ta cần một cách tiếp cận mới đối với vấn đề thương mại. Chúng ta sẽ không đàm phán lại. Chúng ta không quan tâm đến điều đó. Cái mà chúng ta quan tâm là cần một cách tiếp cận mới” - Podesta nói.
Sau khi được ký kết, TPP hiện đang trải qua khoảng thời gian 2 năm chờ phê chuẩn của Quốc hội các nước. Trong đó, phải có ít nhất 6 quốc gia và chiếm 85% tổng sản phẩm GDP của khối này thông quan thì TPP mới chính thức có hiệu lực.