Trái phiếu doanh nghiệp - Cơ chế vốn nhiều tiềm năng
Như vậy, bản chất của trái phiếu là một khoản vay, do vậy doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải thực hiện theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Đây là cơ chế mở cho doanh nghiệp chủ động về nguồn vốn và cũng là điểm mới của Nghị định.
Ông Cao Hoài Thanh (ngoài cùng bên trái) nhận giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh |
Ngoài việc phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động, doanh nghiệp còn được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Việc sử dụng vốn huy động được từ phát hành trái phiếu phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Theo ông Cao Hoài Thanh, Tổng Giám đốc Lotus Capital, các doanh nghiệp có dự án về bảo vệ môi trường được phát hành trái phiếu phục vụ dự án nhưng phải theo dõi và hạch toán riêng, và phải giải ngân cho các dự án bảo vệ môi trường theo phương án phát hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị định 163/2018/NĐ-CP còn tạo nhiều cơ chế mở hơn so với Nghị định 90/2011/NĐ-CP. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 90 thì doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ trái phiếu phải có kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành có lãi, nhưng tại Nghị định 163 vừa ban hành, doanh nghiệp chỉ cần có báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định mà không yêu cầu phải có kết quả kinh doanh có lãi.
“Tuy nhiên, quy định “tổ chức kiểm toán đủ điều kiện” cần có Thông tư hướng dẫn chi tiết hơn, bởi hiện nay với hơn 1.500 doanh nghiệp niêm yết mà chỉ có gần 30 công ty kiểm toán được chấp thuận, dẫn đến tình trạng quá tải đối với các đơn vị kiểm toán. Cũng tại Nghị định 163, có một cơ chế mở nữa là doanh nghiệp phát hành được mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu để giảm nợ hoặc cơ cấu lại nợ, chỉ cần tổ chức phát hành công bố thông tin rõ ràng tại bản cáo bạch khi phát hành”, ông Thanh chia sẻ.
Ngoài những cơ chế mở như trên, tại Nghị định 163 cũng có những yêu cầu chặt chẽ hơn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đó là doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ trái phiếu phải có lịch sử thanh toán gốc và lãi trái phiếu đã phát hành trong 3 năm liên tiếp trước đó đầy đủ, trong khi ở Nghị định 90 không quy định nội dung này.
Về việc công bố thông tin, Nghị định mới yêu cầu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trái phiếu phải chấp hành quy định về công bố thông tin trước và sau phát hành, trước khi chuyển đổi, hoặc mua lại trước hạn.
Đánh giá chung của các chuyên gia thì Nghị định này khi có hiệu lực sẽ tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp thu hút vốn thông qua cơ chế phát hành trái phiếu.
Hiện nay, tỷ lệ trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 24% GDP, trong khi tỷ lệ này ở Singapore là 83% và ở Thái Lan là 75%.