Trợ lực cho “phái yếu” trong cuộc cách mạng công nghệ
Cán bộ nữ Vụ Tài chính – Kế toán: Hành trình vừa hồng vừa chuyên | |
NHNN Chi nhánh Bắc Kạn: Trợ lực cán bộ nữ phát huy năng lực giới | |
Nâng cao hình ảnh cá nhân cho cán bộ nữ |
Bà Nguyễn Thị Hồng |
Ngày 3/3/2017, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (BVSTBPN) ngành NH tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Nữ lãnh đạo trong lĩnh vực NH và Công nghệ tài chính - Women in Banking and Fintech”. Đây không chỉ là một trong những nội dung triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020 mà còn là dịp giúp các nữ lãnh đạo trong Ngành nắm bắt các xu hướng mới cũng như thử thách, cơ hội của thế giới, khu vực và quốc gia trong lĩnh vực công nghệ tài chính, ngân hàng số, thanh toán điện tử, thương mại điện tử...
Trước thềm hội thảo, phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc phỏng vấn Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Trưởng BVSTBPN ngành NH xung quanh nội dung này.
Thưa Phó Thống đốc, vì sao lại có ý tưởng tổ chức Hội thảo “Nữ lãnh đạo trong lĩnh vực NH và Công nghệ tài chính” vào thời điểm này?
So với nhiều năm trước đây, ngành NH đang ngày càng chịu rất nhiều áp lực trước công việc và cuộc sống… Là phụ nữ công tác trong ngành NH, áp lực đó lại càng nhiều hơn so với nam giới. Bởi, không chỉ phải làm tốt công tác chuyên môn nơi công sở, mà các chị em còn phải làm tốt thiên chức riêng của mình là sinh con, chăm sóc gia đình, con cái. Với các phụ nữ làm lãnh đạo, việc cân bằng giữa công việc – gia đình lại càng là thách thức, áp lực.
Nhất là trong bối cảnh phát triển mới của công nghệ số, ngành Ngân hàng - Tài chính là ngành huyết mạch của nền kinh tế đòi hỏi ứng dụng công nghệ với quy mô rất lớn và tính sáng tạo, đổi mới liên tục. Xu hướng này đang phát triển với tốc độ chóng mặt và khó lường, đòi hỏi nhiều hơn ở các nữ lãnh đạo khả năng nắm bắt, đón đầu các kiến thức và thông tin mới, chủ động ra quyết định chiến lược để tạo ra các hiệu quả kinh doanh cần thiết và chất lượng quản lý tốt.
Tôi nghĩ rằng, dù không phải là người trực tiếp làm công việc liên quan tới công nghệ, nhưng đứng trước xu hướng phát triển và dòng chảy của công nghệ thông tin... nhất là với vai trò và vị trí lãnh đạo nên trực tiếp tiếp cận, trải nghiệm thực tế để có những chỉ đạo phù hợp trong điều hành, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử…
Chính vì vậy, được sự đồng ý của Thống đốc và Ban Lãnh đạo NHNN, BVSTBPN tổ chức hội thảo này để chị em nữ lãnh đạo ngành NH nắm bắt xu thế công nghệ mới, cũng như tiềm năng và cơ hội đóng góp của phụ nữ thế giới, soi chiếu vào Việt Nam. Qua đó, khuyến khích phụ nữ ngành NH tự tin hơn, mạnh mẽ hơn để sáng tạo và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Ngành, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính.
Được biết, hội thảo có sự tham gia của các diễn giả nước ngoài phải không, thưa bà?
Đúng vậy, hội thảo lần này Ban Tổ chức đã mời một số diễn giả là nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực công nghệ tài chính như ông Douglas Jackson - chuyên gia tư vấn cao cấp Tập đoàn tư vấn Boston Vietnam, bà Janet Young - Giám đốc điều hành NH UOB Singapore; ông Kristy Duncan - Sáng lập viên Tổ chức Phụ nữ trong thanh toán; bà Natasha Shell - Tổng giám đốc Citibank Việt Nam… để giúp chị em phụ nữ ngành NH vừa tiếp thu được kiến thức, kinh nghiệm từ quốc tế cũng như nắm bắt vai trò tiên phong, tầm quan trọng của phụ nữ nói chung, nữ lãnh đạo nói riêng trong lĩnh vực tài chính công nghệ ra sao. Đây là bước khởi đầu tích cực giúp chị em thể hiện, phát huy hết khả năng của mình trong xu thế mới.
Nữ lãnh đạo ngành Ngân hàng nắm bắt xu thế công nghệ mới sẽ đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của Ngành |
Vậy chúng ta sẽ có những giải pháp gì để nữ lãnh đạo NH cập nhập và tiến kịp cùng xu thế này?
Với tính chất là ngành dịch vụ, lực lượng cán bộ nữ chiếm hơn 50% hệ thống đã và đang là một tiềm năng đóng góp lớn cho hoạt động của Ngành. Bởi họ có các tính cách thiên phú về sự tỉ mỉ, trau chuốt, tinh tế, đồng thời cũng không kém phần năng động và sáng tạo trong việc xây dựng các chính sách, sản phẩm, mô hình dịch vụ hướng tới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, của thị trường. Những thiên phú về giới của họ cũng đã góp phần hình thành nên nhiều nữ lãnh đạo làm nên bức tranh rạng rỡ của Ngành trong suốt hành trình phát triển.
Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN cũng như BVSTBPN cũng đã đánh giá toàn diện về những ưu và nhược điểm của giới. Từ đó luôn tạo điều kiện cho chị em phụ nữ trong Ngành có thể bố trí được thời gian phù hợp thực hiện các trách nhiệm công việc của mình, tiếp cận với kiến thức, thông tin, công nghệ mới, có điều kiện tham gia và sáng tạo nhiều hơn.
Đây cũng là một trong những trọng tâm rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển nguồn lực cán bộ nhân viên của Ngành trong giai đoạn 2016 - 2020. Điều này có thể thấy từ các chính sách quan tâm đặc biệt đến đội ngũ cán bộ nữ, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đến lựa chọn, bố trí, sắp xếp lao động nữ thời gian qua.
Tới đây, chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN triển khai lồng ghép các vấn đề đào tạo công nghệ trong các chương trình thực hiện vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, để mọi chị em có cơ hội tìm hiểu, tham gia sâu hơn trong lĩnh vực này và tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình trong sáng tạo ứng dụng công nghệ như những lãnh đạo nữ đã và đang làm việc trong hệ thống NH hiện nay.
Đặc biệt để tiếp nối hội thảo lần này cũng như tâm nguyện của phái nữ trong Ngành, thời gian tới BVSTBPN sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể Ngành tiếp tục tạo điều kiện cho chị em tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về công nghệ để nắm bắt các kiến thức, hiểu biết xu thế công nghệ đưa vào trong hoạt động của đơn vị mình, chứ không chỉ là hỗ trợ riêng với các lãnh đạo nữ.
Tại Hội nghị APEC 2017 vừa qua, có đại biểu cho rằng để thúc đẩy tài chính toàn diện, cần hết sức chú trọng tới vai trò của phụ nữ. Bà có thể chia sẻ trước ý kiến này?
Tại cuộc họp APEC vừa qua, các nhà lãnh đạo APEC đã đánh giá tiềm năng dồi dào của phụ nữ trong việc đóng góp vào nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và khẳng định, một trong những đặc điểm của phát triển nền kinh tế hiện đại là sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong kinh doanh và các ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là một xu thế đang diễn ra ở hầu như tất cả các nền kinh tế APEC, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Như bạn biết, phụ nữ là những người giữ “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Do đó, nếu được tiếp cận học hỏi, hiểu và sử dụng nhiều hơn các dịch vụ tài chính thì trước hết sẽ tốt cho bản thân họ trong quản lý tài chính, chi tiêu của chính gia đình mình. Với khả năng thuyết phục, tư vấn thì họ cũng có thể hỗ trợ công tác giáo dục về tài chính toàn diện cho những người thân trong gia đình và cộng đồng xung quanh trong sử dụng các dịch vụ về tài chính. Qua đó, giúp tăng độ bao phủ về tài chính toàn diện nhìn từ phía cầu nhanh hơn.
Còn xét về phía cung (những người tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính), phụ nữ cũng chính là những người có nhiều kỹ năng, tỉ mỉ và khả năng thương thuyết tốt, cũng lại rất phù hợp với triển khai các dịch vụ tài chính vi mô ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Thực tế, như Ngân hàng Chính sách xã hội hay các tổ chức tài chính vi mô hiện nay, phụ nữ đang tham gia trong vai trò rất tích cực và chủ yếu vào việc cho vay hay huy động từ các hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Chính vì vai trò của phụ nữ rất quan trọng như vậy nên trong quá trình xây dựng đề án tổng thể triển khai chủ trương của Chính phủ về tài chính toàn diện của Việt Nam, cần đặc biệt quan tâm và đưa đối tượng nữ vào trong triển khai chủ trương này cũng như có các khuyến nghị, giải pháp để có sự gắn kết, vào cuộc của các cơ quan đoàn thể như Hội Phụ nữ. Tôi hy vọng đội ngũ lãnh đạo nắm bắt kịp thời xu hướng mới, có tư duy tổ chức triển khai hoạt động NH nói chung, và hoạt động tài chính toàn diện nói riêng.
Tôi nghĩ rằng, phụ nữ Việt Nam hiện đại trong thời kỳ mới nếu được sự hỗ trợ tích cực từ phía lãnh đạo các cấp, cùng với những nỗ lực của bản thân sẽ có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội, tạo vị thế cho bản thân.