Trung Quốc giảm lãi suất cho vay lần đầu tiên kể từ năm 2016
Hiệp định RCEP: Trung Quốc tham gia, Ấn Độ rút khỏi | |
Liệu có thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ - Trung? | |
Trung Quốc cho biết đã đạt được sự đồng thuận về nguyên tắc với Mỹ |
Xoa dịu thị trường trái phiếu
Theo đó, PBoC cho biết đã hạ lãi suất MLF 5 điểm cơ bản xuống 3,25% từ 3,30% trước đó. Động thái này có thể mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) mới của Trung Quốc trong một vài tuần tới, bởi LPR được thiết kế có tính liên kết chặt chẽ với lãi suất MLF và được công bố vào ngày 20 hàng tháng.
Hao Zhou - chuyên gia kinh tế cao cấp về thị trường mới nổi của Commerzbank tại Singapore cho biết, mặc dù việc cắt giảm lãi suất MLF “thực sự rất nhỏ”, song nó phát đi thông điệp rằng PBoC không muốn thị trường nghi ngờ ý chí hỗ trợ tăng trưởng của các nhà hoạch định chính sách. “Họ đã cố gắng xoay xở trong một không gian hạn hẹp... Nó không làm thay đổi bức tranh tổng thể là sẽ không có chuyện kích thích khủng hoảng tiền tệ. Mặc dù vậy ở cấp độ vi mô, vẫn có một số hỗ trợ có mục tiêu từ các nhà hoạch định chính sách”, ông nói.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – PboC |
Các nhà kinh tế của ING cũng cho biết trong một lưu ý phát hành vào thứ Ba, động thái này sẽ báo hiệu cho các thị trường việc tạm dừng nới lỏng tiền tệ kể từ tháng 9 đã kết thúc.
Trước đó trái phiếu Trung Quốc đã bị bán tháo trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận thương mại, cộng thêm nỗi lo ngại NHTW Trung Quốc sẽ không dám nới lỏng thêm tiền tệ trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh, đã tăng lên mức cao gần 6 năm do giá thịt lợn tăng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 30 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 9.
Julian Evans - Pritchard - Chuyên gia kinh tế Trung Quốc cao cấp của Capital Economics lưu ý rằng, đây là lần cắt giảm lãi suất MLF đầu tiên của PBoC trong hơn 3 năm qua. “Nó sẽ kéo giảm chi phí tài trợ cho các ngân hàng và do đó các ngân hàng có thể sẵn sàng giảm lãi suất cho vay”. Nhưng ông nói rằng, việc cắt giảm 5 điểm cơ bản là không đủ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vốn đã bắt đầu chậm lại gần đây. “Chúng tôi dự kiến lãi suất MLF sẽ giảm thêm 70 điểm cơ bản vào giữa năm tới”, ông nói trong một lưu ý cho khách hàng.
Dư địa hạn hẹp
Dư địa chính sách của Trung Quốc để ứng phó với sự chậm lại của nền kinh tế hiện nay là hạn hẹp hơn nhiều so với trước đây, khi nó đã bị chỉ trích gay gắt về việc giảm mạnh lãi suất và khuyến khích hoạt động cho vay của các ngân hàng tạo ra một núi nợ khổng lồ trong nền kinh tế.
Cho đến nay, Bắc Kinh chủ yếu chọn cách đẩy mạnh chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế để hỗ trợ hoạt động kinh tế, đồng thời thừa nhận sẽ mất một thời gian để những biện pháp hỗ trợ này phát huy hiệu quả. Với chính sách tiền tệ, PBoC cũng đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 7 lần kể từ đầu năm 2018 để giải phóng thêm thanh khoản cho các ngân hàng để cho vay và thị trường đang kỳ vọng PBoC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm một lần nữa vào cuối năm nay.
Thế nhưng, sự nghi ngờ của nhà đầu tư đối với các kế hoạch chính sách của PBoC đã tăng cao trong những tuần gần đây trong bối cảnh lạm phát tại nước này tăng vọt. Hệ quả là lãi suất repo tăng và trái phiếu bị bán tháo.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, sự tăng giá gần đây của đồng nhân dân tệ có thể đã giúp PBoC tự tin hơn để đưa ra quyết định giảm lãi suất. Theo đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng lên cao nhất 2,5 tháng so với đồng USD trong tuần này nhờ kỳ vọng Washington và Bắc Kinh có thể ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Đồng thời, một loạt các dữ liệu kinh tế kém lạc quan cũng cho thấy cần sớm có nhiều kích thích hơn. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý 3 của Trung Quốc chậm hơn dự kiến, chỉ ở mức 6,0% - mức đáy mục tiêu của chính phủ là 6-6,5% cho cả năm. Nomura tin rằng tăng trưởng sẽ giảm xuống 5,8% trong quý cuối năm và chậm hơn vào năm tới.
Thế nhưng PBoC đã gây ngạc nhiên cho thị trường khi không phát hành các khoản vay trung hạn mục tiêu vào tháng 10. Cơ quan này cũng bất ngờ giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản mới trong tháng 10 sau khi đã cắt giảm vào tháng 8 và tháng 9. Các nhà phân tích tin rằng các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng tiết kiệm dư địa chính sách hạn hẹp hiện nay để chờ kết quả của các cuộc đàm phán thương mại mới nhất.
Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại một phần chỉ có thể làm giảm một số áp lực đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục nguội lạnh trong năm tới, tạo áp lực lớn cho các nhà xuất khẩu. Trong khi các cuộc khảo sát cho thấy sự yếu kém kéo dài trong sản xuất đang lan sang lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc, khu vực đang chiếm hơn một nửa nền kinh tế. Điều đó cũng có nghĩa, áp lực vẫn đang đè nặng lên cách nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc phải hành động nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế.