Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam: Chủ động trong cung cấp thông tin
CIC tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ | |
Trung tâm TTTD Quốc gia Việt Nam: Góp phần khơi nguồn tín dụng |
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có Phó thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cùng đại diện một số vụ, cục, các ngân hàng thương mại.
Báo cáo tại hội nghị ông Đỗ Hoàng Phong, Giám đốc CIC cho biết, thời gian qua CIC đã làm tốt việc cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Lãnh đạo NHNN và trực tiếp là Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng trong việc triển khai Thông tư 02 và 09 của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
CIC là công cụ rất quan trọng đối với an toàn hệ thống |
Ngoài ra, CIC còn cung cấp một khối lượng lớn, có chất lượng các sản phẩm, báo cáo về thông tin tín dụng cho các TCTD, các tổ chức khác và khách hàng vay nhằm phục vụ cho mục đích quản trị rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. CIC cũng đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng kho dữ liệu và chất lượng dịch vụ của CIC để đáp ứng nhu cầu của các đơn vị khai thác, sử dụng.
Từ chỗ thông tin chủ yếu thu thập từ các TCTD lớn, nay CIC đã chủ động mở rộng tới tất cả các Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và gần đây CIC tiếp tục tiếp cận với các nguồn thông tin ngoài ngành, dữ liệu lớn để từng bước theo kịp với xu hướng hội nhập và phát triển của ngành báo cáo tín dụng Việt Nam.
CIC cũng đã thể hiện tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, mạnh dạn xây dựng và triển khai nhiều đề án, dự án về công nghệ, đổi mới quy trình nghiệp vụ như gói thầu hiện đại hóa hệ thống thông tin tín dụng thuộc dự án FSMIMS do WB tài trợ, Đề án phát triển CIC, Đề án chấm điểm tín dụng thể nhân, xếp hạng tín dụng DN... để nâng cao năng lực, từng bước đưa thông tin tín dụng trở thành trụ cột quan trọng trong cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam.
Tuy nhiên, trước yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng của NHNN và yêu cầu hội nhập quốc tế, đòi hỏi CIC phải tiếp tục đổi mới để khắc phục những mặt tồn tại; triển khai có hiệu quả Đề án phát triển CIC giai đoạn 2 từ nay tới năm 2020.
Qua đó, CIC có thể thực hiện đầy đủ chức năng, nghiệp vụ của một cơ quan đăng ký tín dụng công, phù hợp với điều kiện và đặc điểm phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao không chỉ của NHNN, các TCTD, DN, khách hàng vay mà còn của xã hội.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị Phó thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, CIC đã không ngừng đổi mới, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. CIC cũng là công cụ rất quan trọng đối với an toàn hệ thống. Vì vậy CIC cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các TCTD cũng như công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Từ đó để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, DN.
Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu hoá cũng yêu cầu CIC phải cập nhật nhiều thông tin với nguồn tin đa dạng hơn cả trong và ngoài nước có như thế CIC mới đáp ứng được yêu cầu của hội nhập.
Ông cũng lưu ý CIC cần khai thác triệt để công năng sử dụng và hiệu quả hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin, nghiệp vụ mới trong khuôn khổ dự án FSMIMS.
Tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực và nhận chuyển giao toàn bộ hệ thống từ nhà thầu để chủ động trong việc duy trì và phát triển các ứng dụng mới theo xu thế phát triển mới. Bởi Dự án FSMIMS mới chỉ đặt nền móng ban đầu, quan trọng cho việc hiện đại hóa hoạt động thông tin tín dụng theo thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực và tự động hóa các quy trình nghiệp vụ xử lý dữ liệu, cung cấp thông tin cho các tổ chức và cá nhân.
Đồng thời, CIC cần tiếp tục mở rộng các dịch vụ, tiện ích mới; giải quyết dứt điểm các tồn tại về hệ thống và tiến tới cung cấp thông tin tự động 100%, theo thời gian thực cho các đơn vị sử dụng.
Phó thống đốc cũng đề nghị CIC tiếp tục đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, phương thức cung cấp thông tin. Hiện tại, CIC đã làm tốt việc cung cấp thông tin tín dụng qua kênh truyền thống (qua cổng thông tin điện tử của CIC), đáp ứng được phần lớn yêu cầu của các đơn vị sử dụng.
Tuy nhiên, CIC cần tiếp tục tìm tòi để phát triển các kênh cung cấp thông tin mới như kết nối trực tiếp giữa hệ thống CIC với hệ thống của các TCTD, qua đó giảm tải tác động của yếu tố con người vào quá trình tạo lập, cung cấp và tiếp nhận thông tin. Thông qua kênh cung cấp thông tin này, các TCTD có thể truy vấn thông tin tức thời, thông tin tiếp nhận được chuyển thẳng tới hệ thống đánh giá tín dụng của đơn vị sử dụng.
Ngoài ra, CIC cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nghiên cứu, phát triển các giải pháp về tập trung dữ liệu thông tin tại CIC để cung cấp thông tin dữ liệu cho NHNN, các NHTM thực hiện triển khai Basel II.