Trung tâm TTTD Quốc gia Việt Nam: Góp phần khơi nguồn tín dụng
Trung tâm TTTD quốc gia Việt Nam (CIC): Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN | |
Cải thiện chỉ số thông tin tín dụng |
Một năm nhìn lại
Năm 2016 là năm đầu tiên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thực hiện giai đoạn 2 của “Đề án phát triển Trung tâm thông tin tín dụng (TTTD) Quốc gia Việt Nam đến 2015 và hướng tới 2020” theo Quyết định số 1033/QĐ-NHNN ngày 26/5/2014 của Thống đốc NHNN.
Thực hiện đề án này, năm qua, CIC đã triển khai nghiêm túc các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD Quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu; phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ đa dạng; cải tiến các quy trình nghiệp vụ, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó trong khuôn khổ tiểu đề án “Đăng ký và cung cấp TTTD cho khách hàng vay thể nhân” CIC đã xây dựng thành công cổng thông tin điện tử kết nối khách hàng vay và hiện đang tiếp tục phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện đăng ký online.
CIC sẽ tiếp tục cải tiến, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm dịch vụ để phục vụ tốt nhất yêu cầu của các đơn vị |
Kết quả đến nay, đã có 1.199 khách hàng đăng ký mã giao dịch thành công. CIC cũng tiếp tục triển khai thực hiện chấm điểm tín dụng thể nhân định kỳ hàng tháng theo mô hình và phương pháp mới, tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế đã được hoàn thành năm 2015. Kết quả chấm điểm tín dụng thể nhân vẫn thể hiện mức độ tin cậy cao thông qua các chỉ số phân tích thống kê.
Song song với đó, CIC cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng phương pháp xếp hạng tín dụng mới, phù hợp với tinh thần của Chỉ thị 05/CT-NHNN về triển khai Kế hoạch hành động của NHNN góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển DN năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Đây là cơ sở để CIC có thêm sản phẩm dịch vụ chất lượng hỗ trợ cho các TCTD trong việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II theo lộ trình.
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC chia sẻ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của CIC là xây dựng kho dữ liệu TTTD quốc gia. Đây là nhiệm vụ có tính chất quyết định đến các hoạt động cung cấp thông tin của CIC.
Kết quả đến nay, có 118 đầu mối TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.054 quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô gửi file báo cáo thông tin về cho CIC theo quy định. Tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu TTTD quốc gia là trên 29,2 triệu khách hàng vay.
Việc thu thập, xử lý, chỉnh sửa thông tin đều được thực hiện theo đúng quy trình, được giám sát chặt chẽ theo quy định về xử lý và bảo mật thông tin. Các loại thông tin về hồ sơ pháp lý, hợp đồng tín dụng, thẻ tín dụng, tài chính DN, TSBĐ... đang từng bước được rà soát và nâng cao chất lượng theo các chỉ tiêu thông tin, đặc biệt là những chỉ tiêu thông tin phụ chưa được quan tâm thu thập trong những năm trước đây.
Ngoài ra, CIC cũng đã phối hợp và thu thập thông tin từ Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), tiếp tục duy trì và vận hành cổng thông tin vay và trả nợ nước ngoài của Vụ Quản lý ngoại hối, hỗ trợ nhập và xử lý dữ liệu trên 3.000 DN vay và trả nợ nước ngoài; thu thập thông tin từ trên 31 tổ chức tự nguyện ngoài ngành.
Bên cạnh đó, CIC cũng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để thu thập thêm thông tin từ các nguồn ngoài ngành. Hiện tại, CIC đã thu thập được thông tin đăng ký kinh doanh của 100% các DN từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, CIC cùng Công ty cổ phần hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú (Mobivi) đã ký kết thoả thuận hợp tác trao đổi thông tin nhằm góp phần cập nhật và nâng cao chất lượng TTTD, theo đó CIC sẽ tích hợp và cập nhật thông tin về khoảng 2 triệu khách hàng được hỗ trợ dịch vụ tài chính từ Mobivi.
Trong năm 2016, CIC đã cung cấp báo cáo định kỳ hàng tháng cho Ban lãnh đạo NHNN về tình hình tín dụng, biến động nợ xấu của các TCTD; cung cấp hàng trăm lượt báo cáo cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Tín dụng chuyên ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo Thống kê... CIC còn tiếp tục tổ chức thu nhận, tổng hợp, xử lý thông tin về kết quả phân loại nợ của các TCTD, cung cấp miễn phí 2 sản phẩm (Danh sách khách hàng có mức độ rủi ro cao nhất và Danh sách khách hàng có nhóm nợ cao nhất nhưng có biến động hoặc đã tất toán) cho các TCTD để thực hiện điều chỉnh nhóm nợ theo quy định.
Đồng thời, CIC cũng cung cấp đầy đủ sản phẩm này cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng để phục vụ công tác đôn đốc, giám sát hoạt động phân loại nợ của các TCTD. Kết quả thực hiện của CIC đã đóng góp tích cực vào công tác chỉ đạo, điều hành xử lý nợ xấu tại các TCTD của NHNN.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc tăng chất lượng dịch vụ và giảm giá dịch vụ để hỗ trợ phát triển hoạt động tín dụng của toàn hệ thống, đảm bảo cho hoạt động của các TCTD an toàn, hiệu quả. Tất cả các sản phẩm dịch vụ của CIC đều đã được miễn hoặc giảm giá từ 30-40%, có sản phẩm giảm 60-70%. Cùng với đó, CIC đã thiết kế thêm 4 sản phẩm mới, chỉnh sửa các sản phẩm cũ với mục tiêu tăng hàm lượng và chất lượng thông tin.
Do vậy, kết quả cung cấp thông tin của CIC vẫn duy trì độ tăng trưởng cao. Trong năm 2016, CIC đã cung cấp trên 8,9 triệu báo cáo các loại, tăng trưởng trên 27% so với năm 2015 và vượt 6% so với kế hoạch năm. Tính cả các sản phẩm theo lô, CIC đã cung cấp thông tin trên 10 triệu khách hàng cho các đơn vị sử dụng. Ngoài báo cáo tín dụng truyền thống, CIC còn cung cấp thông tin, dữ liệu cho các TCTD phục vụ hoạt động quản trị rủi ro, quản lý danh mục và phục vụ hoạt động phân loại nợ theo quy định của NHNN.
Ngoài ra, CIC cũng đã cung cấp trên trên 3.000 báo cáo về các DN Việt Nam cho đối tác; cung cấp 283 bản báo cáo thông tin về các DN nước ngoài cho các đơn vị sử dụng. CIC cũng đã cung cấp TTTD cho 137 khách hàng vay pháp nhân và 796 thể nhân theo quy định, góp phần nâng cao tính minh bạch, khách quan của TTTD và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay.
Ngoài báo cáo tín dụng truyền thống, CIC còn cung cấp thông tin, dữ liệu cho 117 TCTD phục vụ hoạt động quản trị rủi ro, quản lý danh mục và phục vụ hoạt động phân loại nợ theo quy định của Thông tư 02/2014/TT-NHNN của NHNN. CIC đã ký mới gần 300 hợp đồng với các TCTD, nâng tổng số người sử dụng trên toàn quốc lên trên 35.000 người.
Nhiều hoạt động phong trào của CIC dành cho CBCNV |
Hướng tới năm 2017 phát triển bền vững
Khó khăn lớn nhất hiện nay của CIC vẫn là hệ thống phần mềm mới đang trong giai đoạn bảo trì, chưa ổn định, trong khi đó vẫn có TCTD báo cáo dữ liệu chưa chính xác, chưa đúng quy định về thời gian, chất lượng dữ liệu của các Quỹ tín dụng còn kém. CIC cũng đã quyết liệt tìm kiếm các giải pháp phù hợp trong việc thu thập thông tin từ các đơn vị ngoài ngành Ngân hàng để phấn đấu nâng điểm tối đa cho chỉ số chiều sâu TTTD.
Tuy nhiên nhiều bộ, ngành không có thông tin phản hồi để cung cấp thông tin. Các DN còn quan ngại về tính pháp lý khi cung cấp thông tin khách hàng cho CIC mặc dù pháp luật đã cho phép CIC thu thập thông tin từ các tổ chức tự nguyện. Một vướng mắc khác đó là một số luật chuyên ngành yêu cầu các DN phải bảo đảm bí mật thông tin về khách hàng (Luật Viễn thông, Luật Điện lực). Khiến cho việc cung cấp thông tin gặp khó...
Theo ông Đỗ Hoàng Phong, trong năm 2017 sắp tới CIC sẽ triển khai cổng kết nối với khách hàng vay trực tuyến trên toàn quốc, thực hiện hoạt động đăng ký tín dụng và cung cấp TTTD cho khách hàng vay. Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống TTTD mới trong khuôn khổ dự án FSMIMS của NHNN. Nâng cấp hệ thống dự phòng, đảm bảo đủ năng lực sao lưu dữ liệu, dự phòng hoạt động của CIC.
Bên cạnh đó, CIC sẽ tiếp tục cải tiến, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm, đặc biệt tích hợp các thông tin ngoài ngành vào sản phẩm, dịch vụ để phục vụ tốt nhất yêu cầu của các đơn vị NHNN và hoạt động kinh doanh của các TCTD. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, cơ quan TTTD quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và có thêm nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động TTTD.