Trước hết phải quy trách nhiệm xử lý nợ xấu cho DN
LS. Trương Thanh Đức |
Trước hết phải quy trách nhiệm xử lý nợ xấu cho DN nợ. DN phải chịu trách nhiệm chính về việc không trả được nợ vay, tức về tình trạng nợ xấu của ngân hàng. Vì xã hội và các cơ quan chức năng cứ nghiêng nhầm theo hướng rằng, nợ xấu là của NH, nên đẩy hết cho ngân hàng phải tự chịu, tự lo và tự “xử”, vì vậy dẫn đến việc xử lý nợ xấu thực chất bị rơi vào tình trạng rất khó, rất chậm và rất xấu.
Xử lý nợ xấu không chỉ là việc giúp cho hệ thống ngân hàng, mà là cứu giúp cả nền kinh tế, vì thực chất của việc xử lý nợ xấu, là “cấp cứu, điều trị và dưỡng bệnh” cho DN, cũng như cho cả nền kinh tế.
Tiếp đó là bảo vệ quyền của chủ nợ. Mặc dù, cả hai bên trong quan hệ tín dụng là ngân hàng và khách hàng vay, đều cần được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, quyền sở hữu tài sản là tiền cho vay cần phải được bảo vệ hơn quyền sở hữu là tài sản bảo đảm tiền vay.
Không phải vô cớ mà Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), đã quy định: Thời hiệu để khởi kiện đòi tiền bồi thường trong các vụ việc tranh chấp hợp đồng chỉ có 2 năm, nhưng thời hiệu khởi kiện để chủ nợ đòi lại tiền cho vay được kéo dài vĩnh viễn.
Theo đuổi nền kinh tế thị trường, bên cạnh “cuộc chiến” chống “giặc tín dụng đen” bất hợp pháp bóc lột người đi vay và căn bản hơn là phải bảo vệ được quyền sở hữu tiền bạc của người cho vay hợp pháp.
Khi khoản vay còn là nợ tốt thì khách hàng là “Thượng đế”, nhưng khi đã biến thành nợ xấu thì “Thượng đế” đã trở thành “tội đồ”, vì không còn mang lại lợi nhuận, lợi ích mà mang lại rủi ro, nguy hiểm cho ngân hàng cũng như cho nền kinh tế. Khi đó, con nợ không thể cùng vị thế với chủ nợ.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không những chưa khẳng định rõ vị thế của chủ nợ, không ưu tiên bảo vệ quyền của chủ nợ, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp bị xâm phạm, mà lại coi chủ nợ cũng như con nợ, thậm chí còn nghiêng về phía bảo vệ con nợ.
Điều này được thể hiện ngay từ cách gọi người có quyền đòi nợ là chủ nợ, nhưng lại không gọi người có nghĩa vụ trả nợ là con nợ, mà chỉ gọi là người nợ, người mắc nợ và thậm chí “tôn” lên thành “khách nợ”, tức vẫn giữ ngôi “Thượng đế” (có 14 Nghị định và khoảng trên 50 thông tư, quyết định sử dụng từ “khách nợ”).