TT Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam: Tiếp tục nâng cao chất và lượng
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết, CIC đã hoàn thành sơ kết giai đoạn 1 “Đề án phát triển CIC đến 2015 và hướng tới 2020” theo Quyết định số 1033/QĐ-NHNN ngày 26/5/2014 của Thống đốc NHNN, và tổ chức triển khai giai đoạn 2.
Trong đó tập trung vào các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu; phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ đa dạng; cải tiến các quy trình nghiệp vụ, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin... Về cơ bản, các giải pháp triển khai giai đoạn 1 được CIC tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản, kết quả đạt được đáp ứng yêu cầu.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh trao cờ thi đua cho CIC |
CIC đã triển khai thí điểm hoạt động “Đăng ký và cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay thể nhân” tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nhằm phát triển dịch vụ đăng ký tín dụng và cung cấp thông tin tín dụng, điểm tín dụng cho khách hàng vay cá nhân, đồng thời hỗ trợ các TCTD tìm kiếm khách hàng vay tiềm năng.
Đến nay, CIC đã đăng ký thành công tài khoản và cung cấp thông tin cho 445 khách hàng vay thể nhân, nâng tổng số khách hàng vay đăng ký trong hệ thống lên 833 khách hàng, ông Phong cho biết thêm.
Tiếp nối thành công của mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân, trong quý II/2016, CIC cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng phương pháp xếp hạng tín dụng mới, phù hợp với tinh thần của Chỉ thị 05/CT-NHNN về triển khai Kế hoạch hành động của NHNN góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển DN năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Đây là cơ sở để trung tâm có thêm sản phẩm dịch vụ chất lượng hỗ trợ cho các TCTD trong việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II theo lộ trình. Dự kiến, CIC sẽ hoàn thành dự án này trong quý III/2016.
Nhiệm vụ có tính chất quyết định đến các hoạt động cung cấp thông tin của CIC chính là xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Kết quả đến nay, có 119/119 đầu mối TCTD và chi nhánh NH nước ngoài, 1.015 quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô gửi file báo cáo thông tin về cho CIC theo quy định. Tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia là trên 27,5 triệu khách hàng vay.
Việc thu thập, xử lý, chỉnh sửa thông tin đều được thực hiện theo đúng quy trình, được giám sát chặt chẽ theo quy định về xử lý và bảo mật thông tin. Các loại thông tin về hồ sơ pháp lý, hợp đồng tín dụng, thẻ tín dụng, tài chính DN, tài sản bảo đảm... đang từng bước được rà soát và nâng cao chất lượng theo các chỉ tiêu thông tin, đặc biệt là những chỉ tiêu thông tin phụ chưa được quan tâm thu thập trong những năm trước đây.
Ngoài ra, CIC cũng đã phối hợp và thu thập thông tin từ Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hoàn thành xây dựng cổng thông tin vay và trả nợ nước ngoài của Vụ Quản lý ngoại hối, hỗ trợ nhập và xử lý dữ liệu gần 3.000 DN vay và trả nợ nước ngoài; thu thập thông tin từ trên 20 tổ chức tự nguyện ngoài ngành...
Về cung cấp thông tin cho TCTD, tổ chức khác và khách hàng vay, tháng 3/2016, CIC đã ban hành Quyết định về giá chỉ tiêu thông tin tín dụng nhằm thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc tăng chất lượng dịch vụ và giảm giá dịch vụ để hỗ trợ phát triển hoạt động tín dụng của toàn hệ thống, đảm bảo cho hoạt động của các TCTD an toàn, hiệu quả.
Theo đó, tất cả các sản phẩm dịch vụ của CIC đều đã được miễn hoặc giảm giá từ 30-40%; đồng thời, CIC đã thiết kế thêm 4 sản phẩm mới với hàm lượng và chất lượng thông tin cao hơn, cải tiến một số sản phẩm cũ. Do vậy, kết quả cung cấp thông tin của CIC vẫn duy trì độ tăng trưởng cao và ổn định.
Đặc biệt, tác động áp dụng chính sách giá và mẫu sản phẩm mới đã phát huy hiệu quả. Kể từ khi áp dụng từ tháng 3/2016 cho thấy, đơn giá bình quân khách hàng thể nhân đã giảm 42% từ 52.000 đồng xuống 30.000 đồng; khách hàng pháp nhân giảm 33% từ 78.000 đồng xuống 52.000 đồng. Mức giảm giá này phù hợp với mục tiêu và mức dự kiến của CIC khi xây dựng chính sách giá mới.
Đồng thời, số lượng cung cấp thông tin từ tháng 3/2016 tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước và duy trì ổn định trong 3 tháng gần đây. Tổng thu của CIC từ tháng 3/2016 đến nay giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên CIC vẫn đảm bảo được tình hình tài chính ổn định vì xu hướng TCTD phát triển tín dụng mạnh vào các tháng cuối năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, CIC đã cung cấp gần 2.000 báo cáo về các DN Việt Nam cho đối tác, đạt 34% kế hoạch năm; cung cấp 123 bản báo cáo thông tin về các DN nước ngoài, đạt 41% kế hoạch năm.
Trung tâm đã cung cấp thông tin tín dụng cho 518 khách hàng vay pháp nhân và thể nhân theo quy định, gần bằng số cung cấp thông tin cho khách hàng vay trong cả năm 2015.
Với nhưng kết quả đã đạt được, trong 6 tháng cuối năm 2016, CIC sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án phát triển CIC đến 2015 và hướng tới 2020, trong đó mục tiêu hàng đầu là tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở thông tin tín dụng quốc gia cả chiều rộng và chiều sâu; Tiếp tục triển khai Chỉ thị và Kế hoạch hành động của NHNN thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển DN và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng;
Phối hợp với các đơn vị liên quan của NHNN hoàn thiện các cơ chế, quy chế tổ chức, hoạt động và tài chính của CIC theo Nghị định 16 về hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo khuyến khích và nâng cao hiệu quả công việc phù hợp với các quy định của pháp luật; Tiếp nhận và vận hành toàn bộ hệ thống công nghệ mới trong khuôn khổ dự án FSMIMS của NHNN;
Đảm bảo việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống diễn ra an toàn, không gián đoạn hoạt động cung cấp thông tin cho các đơn vị của NHNN và các đơn vị sử dụng khác; Chính thức triển khai hoạt động đăng ký và cung cấp thông tin tín dụng, điểm tín dụng cho cả khách hàng vay thể nhân và pháp nhân trên toàn quốc; Hoàn thành xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng DN mới;
Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, làm tốt công tác hỗ trợ khách hàng để phục vụ tốt nhất yêu cầu của các đơn vị sử dụng; Đặc biệt là tiếp tục làm tốt việc thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN; Tăng cường phối hợp với các đơn vị NHNN, nhất là Cơ quan Thanh tra, giám sát NH để đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động thông tin tín dụng.
Năm 2016 là thời điểm CIC triển khai thực hiện giai đoạn 2 Đề án phát triển và đưa vào vận hành hệ thống CNTT mới, bên cạnh đó, NHNN cũng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho CIC để góp phần hỗ trợ khách hàng DN, người vay trong tiếp cận tín dụng. CIC nhận thức được nhiệm vụ nặng nề phía trước.
Kết quả đạt được trong 6 tháng mới là bước đầu, là tiền đề thuận lợi để CIC tiếp tục triển khai, đẩy mạnh hoạt động trong những tháng còn lại của năm 2016 để đạt được thành tích cao nhất, góp phần vào sự phát triển chung của ngành NH, ông Phong kết luận.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh đánh giá cao những kết quả mà CIC đã đạt được tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của CIC. Cụ thể, CIC đã làm tốt việc cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Lãnh đạo NHNN và trực tiếp là Cơ quan Thanh tra, giám sát NH trong việc triển khai Thông tư 02 và 09 của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Qua đó, NHNN đã có những giải pháp kịp thời để xử lý nợ xấu và đưa nợ xấu về dưới 3% như chúng ta đã thấy. Hoạt động thông tin tín dụng ngày càng minh bạch và là nguồn thông tin không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh tín dụng của hệ thống NH Việt Nam, góp phần quan trọng ổn định thị trường tiền tệ và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch cho hệ thống NH. 100% các TCTD khai thác sử dụng sản phẩm, dịch vụ của CIC với số lượng ngày càng tăng. Điều đó chứng tỏ chất lượng kho dữ liệu và chất lượng dịch vụ của CIC ngày càng cải thiện. Đồng thời, CIC rất chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, mạnh dạn xây dựng và triển khai nhiều đề án, dự án về công nghệ, đổi mới quy trình nghiệp vụ để nâng cao năng lực và từng bước phát triển để có thể trở thành trụ cột quan trọng trong cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam. Trong đó có thể nhấn mạnh đó là Đề án phát triển CIC, đề án chấm điểm tín dụng thể nhân và tới đây là xếp hạng tín dụng DN... |