Từ câu chuyện giải cứu
Các TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay... cho ngành chăn nuôi lợn | |
NHNN hướng dẫn các TCTD giãn nợ, miễn giảm lãi vay chăn nuôi lợn | |
Giãn nợ vốn vay chăn nuôi chỉ là tình thế |
Những ngày qua, câu chuyện giá thịt lợn giảm xuống thấp nhất trong lịch sử là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận. Thịt lợn rớt giá không những ảnh hưởng tới công sức chăm sóc của người nông dân, của các DN và trang trại chăn nuôi, mà còn ảnh hưởng tới nhiều ngành khác, trong đó có ngành NH. Bởi chăn nuôi là một trong những hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn chủ đạo, thuộc lĩnh vực ưu tiên cho vay, nên nguồn vốn cho lĩnh vực này bấy lâu nay cũng được nhiều NH chú ý đầu tư.
Ảnh minh họa |
Thực ra, lĩnh vực cho vay nông nghiệp nói chung, trong đó có chăn nuôi, bấy lâu nay chỉ chịu rủi ro khi gặp dịch bệnh với đàn gia súc, gia cầm mà không kiểm soát được. Bên cạnh đó, rủi ro giá cả thị trường thì chúng ta cũng “chịu trận” nhiều lần rồi, nhưng đó là chỉ bị giảm giá khiến lợi nhuận của người chăn nuôi xuống thấp. Riêng lần này thì giá bán đang đẩy nhiều hộ chăn nuôi, DN trang trại đi đến thua lỗ nặng.
Trước sự sụt giảm mạnh về giá thịt lợn thời gian qua, nhiều hành động và hoạt động, mà như nhiều người nói là “giải cứu” chăn nuôi lợn, đã diễn ra. Đồng hành cùng cả nước, ngành NH cũng kịp thời vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ sự việc lần này. Theo số liệu thống kê của NHNN, dư nợ toàn Ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ đồng, chiếm 43%; cho vay dài hạn là 16.679 tỷ đồng, chiếm 57%. Số lượng hộ nông dân và DN kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn dư nợ.
Luôn thể hiện sự chủ động và tích cực để hỗ trợ người dân của ngành NH, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngay từ khi các DN và hộ nông dân nuôi lợn không bảo đảm được thời hạn trả nợ, NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát, tập trung ở một số tỉnh có số chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Cho đến nay, số tiền đã xử lý ngay cho những hộ gia đình và DN để thực hiện tái cơ cấu lại khoản nợ, tức là giãn nợ, đạt 364,7 tỷ đồng.
Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cũng đã chỉ đạo các NHTM tạm hoãn, giãn thời hạn trả nợ, không chuyển nợ nhóm (giữ nguyên nhóm 1) với thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm với bà con chăn nuôi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các NHTM quan tâm và đặc biệt xem xét từng trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn, giảm lãi vay, kể cả lãi suất nợ quá hạn để hỗ trợ bà con.
Để giải bài toán “được mùa mất giá” hay dư thừa nguồn cung với chăn nuôi, NHNN từng triển khai chương trình cho vay theo chuỗi liên kết để cho vay cả đầu vào (cơ sở sản xuất, chăn nuôi) và đầu ra (các DN thu mua sản phẩm) nhằm tạo sự liên kết xuyên suốt từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.
Tuy nhiên, rõ ràng để hiệu quả thực sự thì vấn đề này cần phải có sự chung tay hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương. Hơn ai hết, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các địa phương cần nắm rõ hơn về tình hình sản xuất chăn nuôi, có những nghiên cứu để từ đó đưa ra cảnh báo, xây dựng phương án can thiệp, điều chỉnh kịp thời, phù hợp.
Về phần mình, mới đây ngành NH lại tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đưa ra gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM. Một mặt chính sách này hướng tới việc hỗ trợ nông dân, nhưng đồng thời ngành NH cũng có giải pháp để giảm thiểu rủi ro cho họ.
Theo đó, khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017) được các NH thẩm định phương án, dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả nợ sẽ được tiếp cận vốn để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh.
Như phân tích của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đúng là dòng vốn hướng vào lĩnh vực ưu tiên nhưng vấn đề phải có các dự án đủ điều kiện thì NH mới cho vay, để tránh những rủi ro cho NH và cho chính khách hàng. Bởi nguồn vốn cho vay do các NH cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường, chứ không phải nguồn vốn ngân sách, vốn tài trợ.