Từ sự lấn sân của hàng Thái
Đã gần chục năm ưa thích và sử dụng các mặt hàng mỹ phẩm, gia dụng Thái Lan, gần đây chị Đặng Thùy Linh (Thành Công, Hà Nội) cảm thấy phiền lòng vì chất lượng sản phẩm không còn tốt như ngày trước. Do đó, bà nội trợ này đã chuyển sang sản phẩm cao cấp hơn có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản. “Một số sản phẩm như quần áo thì hàng Việt Nam hiện nay còn hơn đứt hàng Thái”, chị Linh cho biết.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, tại các đô thị lớn, từ lâu người tiêu dùng Việt có thể dễ dàng mua các sản phẩm như dầu gội đầu, kem đánh răng… vốn rất đặc trưng của Thái mà không cần phải chờ có người quen đi du lịch nhờ xách tay về. Tuy nhiên, cùng với sự đổ bộ ồ ạt của hàng hóa Thái thì chất lượng sản phẩm lại ngày càng kém đi, khiến nhiều người tiêu dùng phải cân nhắc lại.
Một nguyên nhân khác khiến người mua dè chừng hàng Thái là hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều, giá bán sản phẩm giữa các cửa hàng chênh lệch nhau khá lớn. Đơn cử như một cặp dầu gội, dầu xả cùng nhãn hiệu và dung tích tại các cửa hàng khác nhau trên phố Thái Hà, Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ… có giá chênh lệch từ 50 - 120 nghìn đồng.
Nhưng, những biểu hiện cho thấy người tiêu dùng Việt đang có xu hướng cân nhắc hơn khi mua hàng Thái Lan khiến ý kiến cho rằng hàng Thái sẽ ồ ạt tràn sang và đè bẹp sản xuất trong nước thực tế không quá đáng lo. Ngay cả khi chuỗi siêu thị Metro vào tay người Thái, nhưng kênh phân phối hiện đại kiểu này mới chỉ chiếm khoảng 20% thị phần bán lẻ của Việt Nam. Và Metro cũng chỉ là một phần rất nhỏ của kênh này. Vì vậy, nếu chỉ nhìn vào việc người Thái mua đứt Metro để tiến vào Việt Nam mà lo ngại hàng Thái Lan sẽ tràn ngập và đánh bật hàng sản xuất trong nước là chưa có cơ sở chắc chắn.
Tuy nhiên, sự đổ bộ của cả sản xuất và phân phối từ quốc gia này sang Việt Nam không phải là ngẫu nhiên và dường như nằm trong một tính toán khá chiến lược. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội phân tích, thị trường gần 70 triệu dân của Thái Lan đã bão hòa, vì vậy họ phải tìm đường sang thị trường 90 triệu dân của Việt Nam. Về lâu dài, từ Việt Nam các DN Thái Lan còn bắc cầu sang Lào, Campuchia, khiến DN Việt Nam cũng sẽ khó xâm nhập vào cả 2 thị trường này khi chỉ là người đến sau…
Chính vì vậy, cũng theo ông Phú, cần nhìn tổng thể là cả khâu sản xuất của quốc gia này cũng bắt đầu lớn mạnh tại Việt Nam. Điển hình như CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam, một DN con của Tập đoàn CP Thái Lan đã chiếm lĩnh khoảng 12% thị phần thức ăn chăn nuôi, hơn 20% thị phần gà công nghiệp… tại nước ta. Đây đều là những mảng sản phẩm quan trọng của ngành nông nghiệp.
Từ đó, các DN sản xuất và bán lẻ trong nước cũng không thể “bình chân như vại” mà cần khẩn trương chiếm lĩnh lại thị trường và mở đường cho hàng Việt thông qua các kênh phân phối khác nhau. Chẳng hạn, chợ Đồng Xuân hiện vẫn là một trong những chợ đầu mối truyền thống lớn nhất cả nước. Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc CTCP Đồng Xuân, mỗi sạp hàng trong chợ có diện tích chỉ vài mét vuông song đều là những kênh phân phối hàng xuống nhiều địa phương trên cả nước. Do đó, không cần đi đâu xa, DN sản xuất hàng trong nước chỉ cần hợp tác tốt với bà con tiểu thương trong chợ đã là thiết lập được một kênh tiêu thụ hàng hóa hiệu quả.
Ngọc Khanh