Tương lai đồng Nhân dân tệ thả nổi hơn
Yếu tố thị trường sẽ quyết định nhiều hơn
Tuy nhiên, dường như có một xu hướng ngày càng tăng trong giới phân tích và các NĐT nhìn nhận rằng, triển vọng đồng NDT được thả nổi tự do - tỷ giá sẽ hoàn toàn được xác định bởi các yếu tố thị trường - không còn là một khả năng quá xa vời. Những rủi ro của việc “tháo cùm” đối với đồng NDT là khó có thể bỏ qua, nhất là có thể khiến dòng vốn rút ra mạnh hơn. Nhưng các lợi ích dài hạn của hành động này có thể vượt qua những tác hại trước mắt.
Một sự chuyển nhanh sang cho phép tỷ giá hối đoái được quyết định bởi thị trường sẽ cho phép Trung Quốc bảo vệ được lượng dự trữ ngoại hối (DTNH) của mình, tái khẳng định việc kiểm soát CSTT trong nước và giúp chống lại những chỉ trích từ phía Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ cho rằng Trung Quốc đang thao túng tiền tệ.
Đồng NDT đối mặt với áp lực giảm giá mạnh hơn |
“Cuối cùng thì những gì bạn phải chấp nhận là giá trị thực của đồng tiền chứ như hiện nay là không thích hợp” - Luke Spajic, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư các nền kinh tế châu Á mới nổi tại Pimco nêu quan điểm và kêu gọi rằng, đồng NDT cần được phá giá 5% trở lên trong năm tới.
Theo các quy định hiện hành, đồng NDT có thể biến động tối đa +-2% so với tỷ giá tham chiếu theo ngày mà NHTW Trung Quốc (PBoC) ấn định và thực tế từ khi áp dụng quy định này kể từ tháng 8/2015, tỷ giá giao ngay ít khi nào chạm đến trần giới hạn biên độ trên. Có những đồn đoán rộng rãi về việc chính phủ nước này đã can thiệp đến tỷ giá. Một sự sụt giảm khoảng 833 tỷ USD trong DTNH trong 2 năm vừa qua chính là biểu hiện cho thấy nhà chức trách đã nỗ lực vực dậy đồng NDT thông qua bán USD ra.
Cách tiếp cận hiện nay với tỷ giá cho phép các nhà hoạch định chính sách quản lý được tốc độ mất giá của đồng NDT, ngăn chặn các biến động đột ngột của thị trường mà có thể gây mất ổn định hệ thống tài chính. Với việc cần tập trung vào ổn định kinh tế trước thềm Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (dự kiến vào cuối năm 2017), có thể dễ dàng thấy được lý do vì sao Trung Quốc muốn duy trì một hệ thống tỷ giá hối đoái mà ở đó các nhà quản lý vẫn có dư địa để kiểm soát.
Nhưng can thiệp vào thị trường ngoại hối cũng có những tác động tiêu cực của nó. Như việc tuần trước, lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng khiến các nhà đầu cơ tại Hồng Kông chùn tay.
Các nhà đầu cơ thường có xu hướng đặt cược vào sự giảm giá của đồng NDT, trên cơ sở đó vay đồng NDT tại Hồng Kông, hoán đổi với đồng USD và sau đó lại đổi lại với một mức tỷ giá hấp dẫn hơn. Nhưng khi lãi suất đi vay đồng NDT tăng lên, giao dịch kiểu này sẽ trở nên đắt đỏ và rủi ro hơn, buộc nhà đầu cơ phải hủy bỏ cược bằng cách mua vào đồng NDT.
Song bên cạnh đó, việc NHTW tập trung vào việc quản lý tỷ giá hối đoái và cố gắng ngăn chặn dòng vốn chảy ra cũng khiến họ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn để điều chỉnh chi phí đi vay trong nước cho phù hợp.
“Nếu không giải phóng cho áp lực mất giá thì CSTT của Trung Quốc sẽ ở vào một vị trí khó khăn. Cho phép NDT mất giá vừa có thể giúp giảm thiểu rủi ro trong nước, vừa ngắt đoạn được việc truyền dẫn các rủi ro toàn cầu” - Zhu Baoliang, kinh tế trưởng tại Trung tâm Thông tin Quốc gia nhận định.
Trước mắt có thể nới biên độ giao dịch
Trong khi đó theo chuyên gia kinh tế Shen Jianguang của Mizuho Securities Asia Ltd., xét trong bối cảnh hệ thống chưa hoàn thiện của Trung Quốc hiện nay thì thời điểm hiện tại không phải là thích hợp để tự do hoá tỷ giá hối đoái. Với dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất trong năm nay, việc thả nổi đồng NDT có thể khiến đồng tiền này tiếp tục sụt giảm mạnh so với đồng USD và kích thích dòng vốn ra mạnh mẽ hơn. Mà khi đó, thay vì hoan nghênh việc Trung Quốc cho phép tỷ giá dựa trên thị trường hơn, thì có thể chính quyền của ông Trump lại chế nhạo động thái này là có hại cho lợi ích của Mỹ.
“Nếu họ đi đến tự do hóa tỷ giá hối đoái, chỉ có một con đường sẽ đến là đồng NDT sẽ giảm giá. Và thị trường sẽ hoảng sợ như chúng ta đã từng chứng kiến trong năm 2015” - chuyên gia này quả quyết.
Các phân tích và dự báo của giới quan sát cũng cho thấy, ít có khả năng sẽ có thay đổi lớn nào trong CSTT tới đây của Trung Quốc. Một cuộc khảo sát mới đây của Bloomberg cho thấy, phần đa dự báo đồng NDT sẽ chỉ mất giá khoảng 3% vào thời điểm cuối năm nay.
Trong khi đó, ông Yu Yongding, cựu thành viên của Ủy ban CSTT của PBoC cũng cho rằng, tốt hơn là để cho đồng NDT giảm về tới mức tự nhiên của nó thay vì phải tung DTNH để cản đà mất giá này. Cả ông Yu và Zhu đều lập luận rằng, Trung Quốc không cần phải lo lắng về sự sụt giảm mạnh của đồng NDT vì DTNH và thặng dư thương mại của Trung Quốc vẫn rất lớn, trong bối cảnh lạm phát cũng ở mức thấp. “Can thiệp có thể giới hạn mức độ biến động nhưng không thể làm thay đổi xu hướng và cuối cùng thì vẫn phải từ bỏ (can thiệp)” – ông Yu nói.
Đây cũng là quan điểm được các chuyên gia khác đồng thuận. Theo Paola Subacchi, Giám đốc nghiên cứu kinh tế quốc tế của Viện Chatham House có trụ sở tại London, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chưa để cho đồng NDT tự do chuyển đổi thì họ cũng có thể mở rộng biên độ giao dịch để phát đi tín hiệu về một vai trò lớn hơn của các lực lượng thị trường.
Còn chuyên gia Colin Harte của BNP Paribas Investment Partners thì cho rằng, sẽ là rất chính đáng nếu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nói rằng: “Nếu bạn phàn nàn rằng chúng tôi đang thao túng tỷ giá, thì chúng tôi sẽ mở rộng biên độ giao dịch và để cho thị trường quyết định".