Tỷ giá chủ động đón sóng
Tỷ giá tăng: Chỉ là tác động “ngoại lai” | |
Phác thảo tỷ giá 2017 | |
Sức ép lên tỷ giá không quá lớn |
Thị trường bình thản đón tin…
Đúng như dự đoán, đêm 15/3, Fed công bố tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25%/năm. Đây cũng là lần tăng thứ hai trong vòng 3 tháng trở lại đây. Nhưng không như dự tính, thay vì tăng giá, USD lại quay đầu sụt giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác. Cụ thể, chỉ số Dollar Index – chỉ số đo giá trị đô la Mỹ so với 5 loại tiền tệ mạnh còn lại trong rổ tiền tệ giảm 0,7% so với ngày trước đó, đóng cửa ở mức thấp nhất 2 tuần qua…
Tỷ giá trung tâm của NHNN và giá USD tại các NHTM cũng bám sát diễn biến thị trường thế giới quay đầu giảm mạnh. Theo công bố của NHNN, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD áp dụng cho ngày 16/3/2017 là 22.252 đồng, giảm 10 đồng so với sáng 15/3. Giá USD tại các NHTM điều chỉnh giảm mạnh hơn. Cụ thể, Vietcombank và BIDV cùng giảm tới 55 đồng ở cả hai chiều so với hôm trước, xuống còn 22.730 - 22.800 đồng…
Cung – cầu ngoại tệ không có nhiều biến động |
Phản ứng trên của thị trường sau quyết định của Fed được Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải nhìn nhận, mức tăng lãi suất của Fed không như kỳ vọng và thị trường đã tính toán trước. TS. Võ Trí Thành cùng chung quan điểm khi cho rằng tỷ giá VND/USD đã lồng ghép tính tới yếu tố tăng lãi suất trong cả tuần qua nên đã không bật tăng sau quyết định của Fed.
Mặt khác, nếu để ý có thể thấy cơ quan điều hành là NHNN đã chủ động giữ ổn định tỷ giá trước tình huống Fed tăng lãi suất. Trong hầu hết các phiên đầu tháng 3/2017, lãi suất VND trên thị trường liên NH chủ yếu theo xu hướng tăng như ngày 14/3, lãi suất tất cả kỳ hạn đều vượt 5% sau khi giảm mạnh xuống hơn 2% từ giữa tháng 2/2017 trong khi lãi suất USD thị trường liên NH luôn trong xu thế giảm hoặc giữ giá.
Đóng cửa phiên ngày 14/3, lãi suất USD trên thị trường liên NH phổ biến ở mức 1,18% - 1,62% cho các kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tháng. Phân tích sâu hơn, ông Thành cho biết, nếu để lãi suất VND trên thị trường liên NH thấp quá sẽ kích thích các tổ chức cá nhân mua ngoại tệ (USD).
Còn đẩy lãi suất VND lên chắc chắn các NH, tổ chức bán ngoại tệ để giữ VND trong ngắn hạn vì tỷ lệ sinh lời cao hơn… “Có thể thấy, NHNN đang điều hành ngày càng chủ động, uyển chuyển hơn chính sách tỷ giá. Đơn cử như cách đây hơn 1 tháng khi tỷ giá giảm mạnh, NHNN đã chủ động nâng giá bán USD để tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu”, ông Thành dẫn chứng.
Áp lực còn ở phía trước
Sau quyết định của Fed và thông điệp của Chủ tịch Fed bà Janet Yellen sẽ nâng lãi suất “từ từ” và giữ nguyên dự báo tăng thêm 2 lần trong năm nay, ông Hải cho rằng sẽ còn có các lần tăng khác diễn ra tiếp sau. Điều đó cho thấy, áp lực lên tỷ giá từ động thái tăng lãi suất của Fed cũng được rải đều đến hết năm.
Theo giới phân tích, phản ứng của đồng USD giảm chỉ là tạm thời, còn trong trung, dài hạn giá đồng bạc xanh tiếp tục tăng. Khi đồng USD tăng, tỷ giá VND/USD phải tăng theo xu hướng chung của thế giới nếu không sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Không chỉ chịu tác động từ đồng USD tăng giá, theo TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá còn chịu áp lực từ lạm phát tăng khá lớn do chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi cả trong và ngoài nước. Cụ thể, xu hướng giá hàng hóa thế giới tăng trở lại. Trong nước, nhiều hàng hóa dịch vụ quan trọng trong lộ trình tăng giá: y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt...
Một số yếu tố khác đang khiến cho điều hành tỷ giá của NHNN khó khăn thêm như nhập siêu quay trở lại; kiều hối có dấu hiệu sụt giảm; dòng vốn đầu tư, ngoại tệ của Việt Nam có thể chịu tác động nhất định khi TPP không diễn ra…
Hóa giải những áp lực trên, theo nhận định của TS. Võ Trí Thành không hề dễ dàng, trách nhiệm của NHNN đang khá nặng. Vừa phải duy trì tỷ giá giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lại không làm giảm sút năng lực cạnh tranh của xuất khẩu… Trong khi các biến số tác động đến tỷ giá từ bên ngoài không thể kiểm soát được hết.
Không chỉ riêng chính sách tiền tệ, mà tỷ giá còn phụ thuộc vào nhiều chính sách vĩ mô khác là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu. Đơn cử, theo ông Hiếu, nếu không kiểm soát tốt để nợ công tăng lên so với kế hoạch, Chính phủ phải tăng mua ngoại tệ dĩ nhiên tác động đến cầu ngoại tệ…
“Về lâu dài, khi lãi suất USD tăng lên, nếu lãi suất tiền VND không tăng thì trong vài tháng tới chúng ta sẽ thấy tác động lên ngoại hối. Nếu Fed tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay (dự kiến tối thiểu 3 lần trong 2017), xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực trong 6 tháng đầu năm sẽ mất giá so với đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại.
Khi kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, chúng ta cần chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để đảm bảo Việt Nam không bị mất lợi thế cạnh tranh. Rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao, nhưng tác động âm thầm và dài hơi hơn là tác động trong xuất nhập khẩu là điều cần kiểm soát”, ông Hải đưa ra lưu ý về tác động từ việc đồng USD tăng giá trong thời gian tới.
Dù không dễ dàng, nhưng theo TS. Võ Trí Thành, nếu khéo léo trong điều hành, tỷ giá vẫn giữ được sự ổn định trong tầm kiểm soát của NHNN. Để làm được điều đó, TS. Thành đề xuất, NHNN cần có thông điệp chính sách ổn định, các công cụ chính sách tiền tệ sử dụng linh hoạt hơn không cố bằng mọi cách giữ tỷ giá ổn định quá mức mà vẫn đảm bảo năng lực cạnh tranh của xuất khẩu… “Tất cả điều này sẽ tạo niềm tin tốt cho tất cả các thành viên tham gia thị trường từ người dân, NH, đến NĐT...
Sự đồng lòng bao giờ cũng giúp cho nhà điều hành chính sách vượt khó dễ dàng hơn”, vị này nhấn mạnh và lấy ví dụ: giả sử nếu NH có tham gia trò chơi mang tính đầu cơ ngắn hạn nhưng nếu tin tưởng vào chính sách của nhà điều hành thì họ sẽ không có động thái “gây hấn” thị trường như vậy nữa.
TS. Cấn Văn Lực cũng trấn an thêm: khi đánh giá nguồn cung – cầu ngoại tệ (thường là yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá trong năm 2017) thì thấy sẽ không có biến động nhiều. Nguồn cung vẫn sẽ được duy trì từ kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài… Minh chứng trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục trở thành một trong những điểm sáng của khu vực về thu hút dòng vốn ngoại, khi NĐT nước ngoài đã mua ròng hơn 220 triệu USD trên thị trường chứng khoán, tăng 30% cùng kỳ.
Ngay cả năm 2016 (dù có nhiều lo ngại dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị rút ra) nhưng lượng mua ròng vẫn đạt hơn 1,2 tỷ USD. “Các NĐT vào Việt Nam đâu phải có TPP thì họ mới vào. Và không có TPP thì các NĐT sẽ không đầu tư vào Việt Nam bởi nước ta đã hội nhập sâu rộng với nhiều Hiệp định thương mại tự do khác…”, ông Lực viện dẫn cho nhận định của mình.