Tỷ giá tăng: Chỉ là tác động “ngoại lai”
Tỷ giá 2017: Có đủ dư địa chính sách để can thiệp | |
Phác thảo tỷ giá 2017 | |
Sức ép lên tỷ giá không quá lớn |
Thanh khoản thị trường vẫn dồi dào
Sau những ngày bình yên, tuần qua, tỷ giá USD/VND liên tục tăng đạt “đỉnh” 22.840 đồng/USD (bán ra) vào ngày 15/2 - mức giá cao nhất trong vòng một năm qua, tăng 184 đồng/USD so với đóng cửa cuối tuần trước. Độ căng thẳng còn thể hiện khi khoảng cách mua vào – bán ra của các NH thay vì 70-80 đồng/USD như mọi khi được nới rộng lên 120-130 đồng/USD.
Theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, NHNN hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát ổn định tỷ giá |
Đâu là nguồn cơn cho đợt biến động tỷ giá lần này. Theo nhận định TS. Nguyễn Trí Hiếu, tỷ giá tăng trong những ngày qua chủ yếu do tác động từ bên ngoài nhiều hơn từ nội tại nền kinh tế. Yếu tố thấy rõ nhất là thông tin về khả năng FED có thể tăng lãi suất, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ tăng trên 20.600 điểm; Rồi kế hoạch kinh tế của ông Trump với hàng loạt biện pháp mạnh tay nhằm đem nước Mỹ quay trở lại thịnh vượng...
Tất cả những yếu tố đó đẩy giá trị đồng USD tăng lên khiến cho giới tài chính trên thế giới tin tưởng đồng USD ngày càng mạnh tạo áp lực lên tỷ giá. “Chính kỳ vọng của giới đầu tư cũng đã góp phần tác động tỷ giá tăng lên”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Một biến số thường được coi là nguyên nhân chính tác động lên tỷ giá đó là cung – cầu ngoại tệ. Nhưng trao đổi với phóng viên, Phó tổng giám đốc một NHTM cho biết cung – cầu ngoại tệ vẫn ổn định. Cũng có nhu cầu cao hơn về ngoại tệ từ các DN nhập khẩu thanh toán ngay và có những hợp đồng USD đến kỳ hạn phải trả, tuy nhiên, nhu cầu này không phổ biến tại nhiều NH mà chỉ diễn ra cục bộ. Nên cung cầu trên thị trường vẫn bình thường, thanh khoản ngoại tệ của các NH dồi dào. “Mọi nhu cầu vay ngoại tệ hợp pháp đều được NH đáp ứng đầy đủ”, vị này khẳng định.
Lấy thêm dẫn chứng cho tình hình cung – cầu ngoại tệ không có biến động, một chuyên gia cho hay, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước giảm 18,2% với tháng 12/2016. Trong đó, nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu. Ngoài ra, cả nước vẫn xuất siêu 1,15 tỷ USD. Xuất siêu, thanh khoản ngoại tệ dồi dào cho thấy, không có áp lực lên cung - cầu ngoại tệ.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, không loại trừ khả năng các NH cân đối tài sản USD và VND và chính NHNN “chủ động” điều chỉnh tỷ giá. Trong biến số điều hành luôn có biến số chính sách. Cho nên theo dự cảm của ông Thành có thể thời điểm này NHNN không muốn đồng VND lên giá nhiều nên điều chỉnh tỷ giá tăng một chút để thích hợp với diễn biến thị trường. Thực tế từ đầu năm đến nay nhiều đồng tiền trong rổ 8 loại ngoại tệ có tác động đến tỷ giá trung tâm không biến động nhiều.
Nhiệm vụ của nhà điều hành khó khăn hơn
Nhìn lại diễn biến tỷ giá từ đầu năm đến nay, ngoại trừ mấy phiên tăng gần đây thì hơn một tháng đầu năm 2017, tỷ giá USD giảm khá mạnh so với cuối năm 2016. Trong nửa cuối tháng 1/2017, NHNN đã phải tăng mạnh giá mua USD để chặn đà rơi của tỷ giá, giúp thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, đồng thời giúp xuất khẩu của Việt Nam tránh rơi vào thế bất lợi trong bối cảnh nhiều đối thủ xuất khẩu của nước ta phá giá đồng nội tệ.
Ở Việt Nam, theo TS. Võ Trí Thành, điều hành tỷ giá không hề đơn giản nếu không nói là rất phức tạp bởi liên quan đến nhiều vấn đề như cân đối vĩ mô, giữa lãi suất đồng USD và VND, chưa nói đến thanh khoản ngoại tệ. Cho nên đòi hỏi nhà điều hành phải rất khéo léo với nguyên tắc phải đảm bảo giữ đồng VND luôn có lợi.
Và phản ứng của NHNN trong đợt tăng tỷ giá lần này, TS. Thành đánh giá: sự nhuần nhuyễn trong điều hành chính sách tỷ giá của NHNN tốt hơn rất nhiều. Bên cạnh hút tiền về qua công cụ tín phiếu, NHNN tiếp tục hút ròng lớn trên kênh cầm cố để đảm bảo tiền đồng không quá dư thừa.
Động thái chính sách trên đã tác động ngay đến lãi suất liên NH. Sau khi rơi rất nhanh và sâu, từ trên 5%/năm xuống dưới 2%/năm, lãi suất qua đêm VND trên thị trường này đã bật mạnh trở lại từ phiên 13/2, đến ngày 15/2 đã vọt trên 4%/năm. Với can thiệp chính sách lãi suất của NHNN tỷ giá USD/VND sau biến động mạnh, ngày 14 và đặc biệt trong ngày 15/2 đã cân bằng và ổn định trong ngày 16/2. “Đợt sóng tỷ giá lần này diễn ra ngắn cho thấy một phần NHNN đã khá chủ động và linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết thị trường”, TS. Võ Trí Thành nhận định thêm.
Có rất nhiều yếu tố khiến tỷ giá năm nay khó đoán định nhất là chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ, sự tăng giá của đồng USD với khả năng tăng lãi suất 3 lần trong năm của FED, dòng vốn đầu tư toàn cầu có thể thay đổi, xu hướng đảo ngược từ nới lỏng sang thắt chặt lãi suất ở một số nước nhằm kiềm chế lạm phát… Tất cả có thể kéo theo sự mất giá của tiền đồng.
Nhìn nhận tỷ giá là một trong những nhân tố gây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng với khả năng sử dụng các công cụ chính sách ngày càng nhuần nhuyễn với thông tin thị trường kịp thời, dự báo tốt hơn đặc biệt các công cụ mang tính thị trường vận hành tốt hơn, theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, NHNN hoàn toàn chủ động kiểm soát ổn định tỷ giá. Đó cũng là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Ông Hiếu cho rằng với hai công cụ điều hành cơ chế tỷ giá trung tâm và dự trữ ngoại hối dồi dào việc giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm của NHNN không khó. Vấn đề đặt ra đối với nhà điều hành là linh hoạt điều chỉnh chính sách. Nếu trong trường hợp xuất khẩu gặp khó khăn, đồng VND giữ ở mức cao sẽ giảm tính cạnh tranh hàng hóa Việt Nam, gây thiệt hại cho xuất khẩu, mà nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu, thì lúc này, nhiệm vụ của nhà điều hành sẽ khó khăn hơn dù có đủ các công cụ để ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, ổn định mức nào hợp lý để có lợi nhất cho nền kinh tế không phải là câu chuyện dễ dàng đối với bất kỳ NHTW nào. Ở trường hợp Việt Nam, NHNN đứng trước lựa chọn có nên đánh đổi ổn định để tránh thiệt hại tăng trưởng kinh tế. Và ngược lại chấp nhận thiệt hại để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. “Thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào nghệ thuật điều hành và kỷ luật thị trường”, vị chuyên gia này bình luận.
Ở Việt Nam, theo TS. Võ Trí Thành, điều hành tỷ giá không hề đơn giản nếu không nói là rất phức tạp bởi liên quan đến nhiều vấn đề như cân đối vĩ mô, giữa lãi suất đồng USD và VND, chưa nói đến thanh khoản ngoại tệ. Cho nên đòi hỏi nhà điều hành phải rất khéo léo với nguyên tắc phải đảm bảo giữ đồng VND luôn có lợi |