Vấn đề đặt ra cho chính sách tiền tệ năm 2017
Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định | |
Giữ thị trường bằng thông điệp “hành động” | |
Chủ động trước các biến động |
Năm 2016 là thời gian có không ít thách thức đặt ra cho việc thực thi chính sách tiền tệ (CSTT). Tuy nhiên, tính đến thời điểm này có thể thấy, chúng ta đã vượt qua và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trước hết, là việc kiểm soát được lạm phát, biểu thị ở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến 30/11/2016 theo thông báo của Tổng cục Thống kê ở mức 4,5% so với cuối năm 2015, so với cùng kỳ là 4,52%. Lạm phát cơ bản ở mức 1,87%, cho thấy NHNN đã điều tiết lượng tiền tệ một cách hợp lý để kiểm soát được mức lạm phát theo mục tiêu đặt ra cho năm 2016.
Ảnh minh họa |
Điều này thể hiện rõ nét tính linh hoạt cao trong điều hành, kịp thời có những giải pháp ứng phó trước những biến động khó lường và tháo gỡ những khó khăn cho DN. Từ đó, tạo điều kiện quan trọng để hệ thống ngân hàng mở rộng đầu tư tín dụng vào những lĩnh vực hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết vấn đề vốn cho tăng trưởng kinh tế. Để tiếp tục đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%, lạm phát bình quân 4% (đến tháng 11/2016 lạm phát bình quân là 2,47%) vấn đề gì đặt ra cho CSTT năm 2017?
Năm 2017, với tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, vẫn sẽ là những thách thức trong điều hành CSTT của NHNN để đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối, lãi suất và kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói chung, của hệ thống ngân hàng nói riêng, cũng sẽ tiếp tục gây áp lực không nhỏ cho việc thực thi CSTT.
Điển hình như đáp ứng nhu cầu về vốn cho tăng trưởng kinh tế, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bước vào một giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn về quy mô vốn, tài sản, chất lượng hoạt động đạt chuẩn quốc tế về năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, về sản phẩm dịch vụ để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng nói riêng và quốc gia nói chung.
Trước tình hình như vậy, cần tiếp tục phương thức điều hành chủ động, linh hoạt, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế để có những biện pháp tiền tệ, tín dụng mang tính thị trường kịp thời, đón đầu nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi của yếu tố bên ngoài. Theo đó, để nâng cao hơn nữa lòng tin thị trường vào các biện pháp, chính sách của NHNN, thì cần tập trung xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu hiện nay.
Trong thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo quyết liệt việc xử lý nợ xấu của các NHTM và đã giải quyết được phần nào, song nợ xấu thực tế vẫn còn cao. Tuy nhiên, vấn đề này không hoàn toàn chỉ là việc của NHNN, mà đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý cho hoạt động của VAMC, thúc đẩy thị trường mua, bán nợ, và quan trọng nhất là khẩn trương xây dựng khuôn khổ pháp lý để giải chấp cho các TCTD.