Vì sao phải cấp bách xử lý nợ xấu?
Quốc hội thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu và Luật các TCTD sửa đổi | |
Xử lý nợ xấu là vấn đề cấp bách | |
Cần nhanh chóng tháo gỡ "nút thắt" trong việc xử lý nợ xấu |
Vấn đề xử lý nợ xấu (XLNX) đang trở thành chủ đề khá “nóng” không chỉ trong giới nghiên cứu kinh tế, NH mà còn rất được các đại biểu quan tâm tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Đặc biệt xung quanh vấn đề đang rất vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank - ông Nghiêm Xuân Thành chia sẻ câu chuyện khó khăn khi đi đòi nợ: Trong quá trình XLNX, với khoản nợ có tài sản đảm bảo, nhưng để thu hồi được phải mất trên 7 năm, ngay cả sau khi có quyết định của tòa án thì thời gian thi hành án cũng khá lâu. Ví dụ một công ty ở Bình Dương phải mất 4 năm nay chưa thực hiện thi hành án. Có trường hợp khách hàng ở Nha Trang vay hơn 1.000 tỷ đồng và giữ tài sản đảm bảo để cho thuê mỗi năm thu từ 70 – 100 tỷ đồng nhưng vẫn chây ì, không chịu trả lại cho NH. Trong khi NH nộp đơn lên toà và phải đợi 18 tháng mới có phiên hoà giải đầu tiên.
Ảnh minh họa |
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khẳng định nợ xấu rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tín dụng là chuyện không thể nào tránh khỏi, luôn tồn tại song hành. Song để nợ xấu quá lớn mà thiếu hoặc không có các giải pháp xử lý thích đáng thì phí tổn phải trả là vô cùng lớn. Mà một khi phí tổn và tốc độ xử lý nợ xấu, nếu xử lý càng chậm, phí tổn cho cả nền kinh tế càng lớn.
Số liệu của NHNN công bố cho thấy, tính đến thời điểm tháng 1/2017, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%). Nhờ đó, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu của TCTD qua Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC), lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số nợ xấu hiện vẫn đang nằm trong bảng cân đối của các TCTD và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được đang chiếm một tỷ lệ khá cao là 5,8%/tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đối với nền kinh tế của các TCTD. Nếu tính cả số nợ có khả năng chuyển thành nợ xấu trong thời gian tới thì tỷ lệ này đương nhiên cao hơn.
Từ những phân tích và con số nợ xấu trên, không ít đại biểu cho rằng, XLNX đang trở thành vấn đề cấp bách hiện nay và nó thể hiện rất rõ trong hành động của Chính phủ và Quốc hội. Bởi lúc đầu chúng ta định xây dựng một luật riêng về XLNX nhưng nếu xây dựng luật thì phải ít nhất qua 2 kỳ họp Quốc hội mới có thể thông qua và có thể luật “đi vào cuộc sống” chậm hơn.
Theo tiết lộ của TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì qua gần 4 tháng trao đổi, thuyết phục và báo cáo các cấp có thẩm quyền, cuối cùng đã thống nhất được phương thức triển khai xử lý vấn đề trên gồm 2 phần: một là có Nghị quyết để xử lý các vấn đề cấp bách, đảm bảo an ninh tiền tệ và hệ thống các TCTD Việt Nam; hai là sửa Luật Các TCTD để đảm bảo tính ổn định lâu dài cho toàn bộ hệ thống.
Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết về XLNX là nhằm thực hiện thí điểm một số điều sửa đổi luật để đưa nhanh luật vào cuộc sống, xử lý các vấn đề cấp bách xảy ra và xem xét có phù hợp với quy luật của nền kinh tế hay không, trong lúc chúng ta chưa có điều kiện sửa toàn bộ những luật liên quan.
Sự cấp bách còn thể hiện ở chỗ ngay sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình ra Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về XLNX của các TCTD và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Và sau đó 4 ngày - trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết và dự án Luật trên. Một đại biểu Quốc hội đã thật có lý khi cho rằng, chúng ta đã từng có những giải pháp để XLNX, trong đó có giải pháp thành lập VAMC mà chưa mang lại hiệu quả, chưa xử lý triệt để được nợ xấu thì việc phải tìm thêm giải pháp mới, như Nghị quyết XLNX là đương nhiên, có như vậy mới hỗ trợ cho nền kinh tế trở lại sự tăng trưởng ổn định, bền vững.