Vốn cho khởi nghiệp: Không nhất thiết phải tín dụng
Hỗ trợ 2 tỷ đồng cho dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo | |
Chính phủ đang nghĩ mới làm mới, cộng đồng DN cũng phải nâng cấp | |
Vốn cho khởi nghiệp: Quỹ đầu tư mạo hiểm-trợ thủ đắc lực |
Trong buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh với ngành NH thành phố đầu tuần này, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã đưa ra yêu cầu nghiên cứu, xây dựng một gói tín dụng đặc thù để cho vay đối với các DN, dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc hình thành một gói tín dụng dành riêng như vậy được các NHTM cho là khó khả thi.
Đụng vào hợp đồng là… vướng
Theo phân tích của ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB, nút thắt lớn nhất đối với hoạt động cho vay các dự án, DN khởi nghiệp là ở chỗ tài sản đảm bảo. Các DN khởi nghiệp đa số mới hình thành chỉ có ý tưởng kinh doanh là “tài sản vô hình” duy nhất, nhưng tài sản này không thể đem thế chấp để vay vốn từ các NH.
Nâng đỡ DN khởi nghiệp không cứ phải cho vay vốn |
Trên thực tế, các loại tài sản vô hình được pháp luật bảo hộ bao gồm các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như: quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng... Hay nói cách khác những ý tưởng của các nhà khởi nghiệp mặc dù được các cơ quan tác quyền công nhận nhưng lại chưa có giá trị thương quyền, nên không thể dùng làm tài sản đảm bảo nợ vay.
Đối với nhóm DN khởi nghiệp, nếu “miễn cưỡng” có thể coi tên thương mại của DN và bí mật kinh doanh của chủ DN là những tài sản vô hình, thuộc vào nhóm quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, việc đem tên DN đi thế chấp để vay vốn là một điều không tưởng, vì hầu hết các DN khởi nghiệp mới thành lập, tên thương mại hầu như không có giá trị tính được bằng tiền. NH không thể bán tên DN để thu lại vốn nếu xảy ra tình trạng nợ quá hạn và như vậy sẽ phải đối mặt với các quy định pháp luật hiện hành về cấp tín dụng.
Một khó khăn khác khi cho vay đối với các DN khởi nghiệp, theo bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Vietcombank, là tình trạng tài chính không minh bạch. Bà Nga cho rằng, hiện nay việc tìm cách lách hoặc né các nghĩa vụ nộp thuế của cộng đồng DN diễn ra khá phổ biến. Ngay cả các DN mới thành lập có ý tưởng kinh doanh tốt, đến gõ cửa NH để vay vốn cũng không tránh khỏi những sự mập mờ trong báo cáo tài chính.
“Cho vay các DN mới chủ yếu dựa vào lòng tin, mà ngay cả niềm tin lẫn nhau cũng không được chắc chắn thì rất khó để đặt bút ký hợp đồng”, bà Nga nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB chia sẻ thêm rằng các DN khởi nghiệp khi vay vốn NH thì chỉ nên coi là nguồn bổ trợ, sau khi đã huy động vốn tự có, vốn từ các cổ đông và các quỹ đầu tư mạo hiểm. NH sau khi nghiên cứu dự án, nếu thấy được tính khả thi sẽ tham gia cung ứng các dịch vụ thanh toán, sử dụng các hình thức quản lý dòng tiền để cho vay giải ngân theo từng giai đoạn đầu tư với mức lãi suất thỏa thuận.
Nắn dòng vốn vào quỹ đầu tư
Mặc dù cho rằng khó có thể hình thành những gói tín dụng đặc thù cho dự án, DN khởi nghiệp, nhưng ông Võ Tấn Hoàng Văn khẳng định các NHTM hoàn toàn có thể tham gia thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp bằng cách đầu tư vào các quỹ tài chính.
Thực tế, thời điểm giữa năm 2016 vừa qua, 3 NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là SHB, OCB và HDBank đã đầu tư vốn vào Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (HSIF) với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng.
Ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (đơn vị quản lý quỹ HSIF) cho hay trong năm 2017, đơn vị đặt mục tiêu huy động vốn cho Quỹ đạt khoảng 50 tỷ đồng, đến năm 2020 tổng nguồn vốn của HSIF sẽ đạt khoảng 100 tỷ đồng và sau đó tăng trưởng khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.
“Trước mắt, Quỹ sẽ ưu tiên xem xét đầu tư vào các DN hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ điện tử trên internet, mobile, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Như vậy nguồn vốn mặc dù vẫn đến chủ yếu từ các NHTM nhưng theo cách đầu tư mạo hiểm chứ không phải là cho vay”, ông Quốc nói.
Theo ông Đinh Quang Đức, Phó Tổng Giám đốc OCB, việc rót vốn đầu tư vào Quỹ HSIF cũng gần tương tự như hoạt động đầu tư chứng khoán. Các chủ đầu tư có kinh nghiệm như các DN lớn, các NHTM sẽ tìm hiểu, đánh giá DN khởi nghiệp kỹ lưỡng trước khi quyết định rót vốn. Vì quỹ đầu tư trực tiếp chứ không phải cho vay nên mức độ rủi ro có thể lớn, nhưng bù lại nếu phát triển thành công một số mô hình DN khởi nghiệp có sức lan tỏa mạnh thì lợi nhuận thu về cũng không nhỏ.
Một khía cạnh khác khi các NHTM tham gia đầu tư ngày càng nhiều vào các quỹ mạo hiểm sẽ giúp thị trường vốn có cơ sở hình thành sàn giao dịch chứng khoán dành riêng cho DN khởi nghiệp. Thị trường đăng ký giao dịch (UPCoM) theo đó sẽ có khả năng chuyển dịch trở thành kênh gọi vốn tốt hơn cho nhóm DN mới hình thành với các ý tưởng kinh doanh hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận.
Hiện nay, hoạt động cho vay của các NHTM đang được thực hiện dưới khuôn khổ pháp lý là cho vay phải có tài sản đảm bảo được cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản đảm bảo nợ vay. Theo đó, những NHTM nào cho vay không có tài sản đảm bảo rất có thể sẽ bị cơ quan thanh tra giám sát NH “sờ gáy” và yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản đảm bảo nợ vay. |