Vốn ngân hàng ở nơi giao thương lớn nhất miền Tây Bắc
Trợ lực cho kinh tế xanh phát triển bền vững | |
Thanh toán biên mậu: Đòn bẩy cho kinh tế cửa khẩu | |
Đồng hành cùng nông thôn mới |
Không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh đẹp, lễ hội đặc sắc, nền văn hoá đa dạng… du lịch Lào Cai những năm gần đây còn thu hút du khách nhờ sản phẩm du lịch độc đáo là chợ Cốc Lếu. Du khách tìm đến đây đương nhiên không phải để nghỉ dưỡng, tham quan, vãn cảnh mà hoàn toàn là du lịch mua sắm.
Hầu như ai tới Lào Cai cũng muốn mua những món quà độc đáo cho người thân, và trong khi các sản phẩm hàng hóa, đồ lưu niệm tại một số điểm du lịch còn chưa đáp ứng được thì chợ Cốc Lếu nằm ở trung tâm TP. Lào Cai đã được chọn là điểm dừng chân không thể thiếu.
Từ hộ kinh doanh đến trung tâm biên mậu
Đến chợ Cốc Lếu và chứng kiến sự nhộn nhịp của một địa điểm giao thương hàng hóa vào hàng lớn nhất miền Tây Bắc, càng hiểu vì sao Lào Cai được coi là cầu nối quan trọng trong phát triển kinh tế biên mậu. Chúng tôi có phần ngạc nhiên vì giữa một thành phố nằm ở khu vực miền núi phía Bắc lại có một khu vực buôn bán tấp nập với nhiều cửa hàng, cửa hiệu khang trang không thua kém nhiều đô thị phát triển trên cả nước. Ở đây có đủ những mặt hàng từ sản xuất nội địa, cho tới xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, các nước EU…
Agribank Cốc Lếu luôn được coi là người bạn đồng hành cùng các hộ kinh doanh |
Theo sát những bước đường khởi sắc của kinh tế Lào Cai trong vài năm trở lại đây, để thấy hoạt động thương mại của TP. Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó có đóng góp rất quan trọng của khu vực trung tâm thương mại Cốc Lếu, một trong những khu vực sầm uất bậc nhất tỉnh. Tại đây, các hộ kinh doanh nhiều mặt hàng phong phú mà dám chắc ở thành phố cũng “hiếm có khó tìm”. Dĩ nhiên, đã kinh doanh thì cũng đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Hệ thống Ngân hàng, đặc biệt là Agribank đã không để lỡ cơ hội này.
Nắm bắt được nhu cầu kinh doanh của các tiểu thương, cũng là tìm kênh rót vốn hiệu quả, Agribank Cốc Lếu đã sớm tìm đến các hộ kinh doanh và tạo điều kiện tiếp cận vốn vay nhanh và dễ dàng nhất. Từ đây, hàng nghìn hộ kinh doanh với đồng vốn NH đã tập hợp lại thành trung tâm giao thương hàng hoá biên mậu quy mô bậc nhất của cả tỉnh Lào Cai, thậm chí là vùng ven biên giới cả nước.
Chị Nguyễn Thị Oanh, phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai là một trong những khách hàng quen thuộc của Agribank Cốc Lếu. Cách đây 10 năm, chị vay 200 triệu đồng của NH để mở cửa hàng tạp hóa tại khu vực chợ Cốc Lếu. Là người chăm chỉ, lại sử dụng vốn linh hoạt nên cửa hàng tạp hóa của chị Oanh lúc nào cũng đông khách.
Nhận thấy tiềm năng từ mặt hàng điện tử, chị Oanh lại tiếp tục tìm đến NH vay vốn chuyển sang mua một quầy kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh trong chợ Cốc Lếu. Đầu tư vào mặt hàng này cần số vốn lớn, song không để khách hàng phải chờ lâu, sau thời gian thẩm định nhanh chóng, Agribank đã giải ngân cho chị vay hơn 1 tỷ đồng.
Chị Oanh cho biết, thủ tục giải ngân của Agribank Cốc Lếu tương đối nhanh gọn, nhân viên thẩm định nhiệt tình và chuyên nghiệp, vì vậy từ khi đề xuất vay đến khi nhận tiền chỉ mất thời gian rất ngắn. Từ nguồn vốn giải ngân kịp thời của NH, chị Oanh đã mở rộng cửa hàng và tới nay kiếm được lời khá lớn từ mặt hàng điện tử, điện lạnh.
Với anh Trần Văn Hùng, chủ một hộ trên phố Cốc Lếu, cơ ngơi khang trang hiện nay cũng có phần góp sức không nhỏ từ món vay 800 triệu đồng của Agribank để kinh doanh mặt hàng chăn, ga, gối, đệm. Đến nay, cửa hàng của anh liên tục được mở rộng, công việc thuận lợi, lại tạo được việc làm cho nhiều người. Lợi nhuận thu được, anh tiếp tục mở các cửa hàng con, trả lãi và một phần gốc cho NH. Anh Hùng cho rằng đối với người kinh doanh như anh, vốn là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định thành công. Và rất may khi anh cần, Agribank đã có mặt kịp thời để đồng hành…
“Nằm vùng” với tiểu thương
Với đặc thù là khu vực chợ vùng biên, tập trung nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ngay từ khi thành lập, Agribank Cốc Lếu đã xác định phải “nằm vùng” ở vị trí trung tâm của chợ, làm sao để khi người dân cần vốn kinh doanh là NH xuất hiện. Bởi vậy, Agribank Cốc Lếu chọn vị trí đắc địa trên phố Cốc Lếu, gần với khu chợ Cốc Lếu và một số trung tâm thương mại nhộn nhịp để đặt trụ sở.
Hoạt động giao thương ở khu vực này luôn tấp nập, sầm uất với đủ loại hình kinh doanh từ lớn đến nhỏ. Nằm giữa khu vực trung tâm, từ khi thành lập, Agribank Cốc Lếu luôn được coi là người bạn đồng hành cùng các hộ kinh doanh. Bằng chứng là hiện có trên 60% số hộ dân ở xung quanh khu vực chợ Cốc Lếu có quan hệ vay vốn Agribank. Tổng dư nợ đến ngày 31/8/2016 của Agribank Cốc Lếu đạt 1.157,9 tỷ đồng, thì riêng dư nợ kinh tế hộ là 997,7 tỷ đồng, với 1.312 hộ có dư nợ.
Nguồn vốn vay của Agribank Cốc Lếu đã giúp các hộ trên địa bàn mở rộng quy mô kinh doanh, thúc đẩy kinh tế thương mại phát triển |
Quản lý cách nào để trên một địa bàn nhỏ mà có tới hơn 1.300 hộ vay vốn, trong khi tỷ lệ nợ xấu rất “đẹp”, chưa tới 0,15%? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Tín dụng Agribank Cốc Lếu tươi cười chia sẻ, tất cả phải trông vào cán bộ tín dụng.
Như chị Nguyễn Thị Bích Liên, cán bộ tín dụng Agribank Cốc Lếu hiện là “cán bộ tín dụng quản lý hộ đạt dư nợ cao nhất” không chỉ của chi nhánh mà còn của cả tỉnh. Đã có thời điểm tổng số tín dụng chị phụ trách cho vay lên tới 292 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm chị cho 150 - 155 hộ vay vốn với số tiền dao động từ 200 - 270 tỷ đồng. Mặc dù số lượng khách hàng và tín dụng cho vay lớn nhưng trong suốt 19 năm qua, khách hàng của chị luôn đảm bảo hoàn trả gốc và lãi đúng thời hạn, không có nợ xấu, nợ quá hạn.
Cùng chị Liên khảo sát một vòng qua từng hộ vay vốn, chúng tôi thấy đi đến đâu cán bộ NH cũng được tay bắt mặt mừng như người thân trong nhà. Nhiều hộ đã theo người nữ cán bộ này để thiết lập quan hệ với NH hơn chục năm nay và trở thành khách hàng thân thiết. Chị Liên chia sẻ, bí quyết của chị là luôn giữ mối quan hệ khăng khít với khách hàng để không chỉ động viên các hộ mở rộng kinh doanh theo các chủ trương chính sách của Nhà nước, mà còn kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích.
Có cán bộ nhiệt huyết và say sưa với nghề chưa đủ, ông Doãn Thế Cường, Giám đốc Agribank Cốc Lếu cho biết, cần có chính sách dẫn đường. Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Agribank cấp trên, NH đã chủ động áp dụng các chính sách linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay của các hộ kinh doanh.
Agribank Cốc Lếu thường xuyên ưu tiên nguồn vốn giải ngân, lãi suất hợp lý, thủ tục và thời gian cho vay được cải thiện theo hướng thuận lợi cho khách hàng. Ông Cường khẳng định, chính những điều hành chủ động, linh hoạt này đã tạo lập niềm tin giữa các hộ kinh doanh đối với NH, trở thành mối quan hệ mật thiết đôi bên cùng có lợi.
Nguồn vốn vay của Agribank Cốc Lếu đã giúp các hộ trên địa bàn hiện thực hóa giấc mơ mở rộng quy mô kinh doanh với lợi nhuận cao, thúc đẩy kinh tế thương mại phát triển, từ đó xuất hiện không ít những tỉ phú ở khu chợ vùng biên này.
Là NH của nhà nông, nhưng ở Cốc Lếu, Agribank không gắn nhiều với nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù vậy nguồn vốn vẫn phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo cả một khu vực thuộc tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Chúng tôi thêm hiểu rằng, điều quan trọng nhất là vốn Agribank nói riêng và NH nói chung luôn khai thác lợi thế địa phương để tìm kênh rót vốn hiệu quả, vừa phát triển kinh tế cho người dân, vừa đảm bảo đồng vốn NH được sinh sôi an toàn.