Vốn ngân hàng và sự hồi sinh của biển
Linh hoạt đổi nợ cho vay tàu cá | |
Khai thác thủy sản bền vững |
Những con thuyền lại giong buồm ra khơi. Vào thời vụ đánh bắt, tàu thuyền lại hoạt động tấp nập trên các bãi ngang, vùng lộng gần bờ của vùng biển huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), hay Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị…
Nhờ sự hỗ trợ từ Agribank, bà con ngư dân có thể chuyển đổi sang đánh bắt xa bờ với hiệu quả kinh tế cao hơn, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống lâu dài |
Đồng hành cùng ngư dân khắc phục thiệt hại
Nhớ lại sự cố môi trường biển cách đây 2 năm, thời điểm đó giá trị hải sản đánh bắt được chỉ bằng gần nửa so với trước, nhưng nhiều ngư dân vốn có nghề truyền thống đánh bắt xa bờ vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển, bởi đây là cái nghề đã gắn bó tự bao đời, chưa kể đó là việc mưu sinh thường nhật của họ. Nắm bắt được tâm tư của người dân, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, ngành Ngân hàng trên địa bàn 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã và đang nỗ lực đồng hành, sẻ chia hỗ trợ bà con ngư dân để họ sớm vượt qua những khó khăn.
Là TCTD bị ảnh hưởng lớn sau sự cố đó, nhưng Agribank vẫn luôn thể hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp luôn đặt lợi ích của người dân và đối tượng phục vụ của mình lên hàng đầu. Không chỉ vào cuộc cùng bà con ngư dân khắc phục thiệt hại ngay sau thời điểm đó, trong 2 năm qua, Agribank vẫn kiên định và tích cực hỗ trợ bà con ngư dân các vùng biển bị thiệt hại bằng nhiều chính sách hiệu quả.
Năm 2016, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 về việc phê duyệt đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế” và các Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 12/QĐ-TTg, Agribank đã ban hành Quyết định số 925/QĐ-NHNo-HSX ngày 31/5/2017 về quy định cho vay khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề và xử lý nợ theo Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 6 vừa qua, Agribank tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 925/QĐ-NHNo-HSX về quy định cho vay khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề và xử lý nợ theo Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài việc chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân trong thời điểm hoạn nạn, Agribank trên địa bàn các tỉnh bị thiệt hại đang tích cực hỗ trợ bà con chuyển đổi sinh kế, hướng đến việc khai thác đánh bắt thuỷ hải sản một cách bền vững… Bên cạnh những hỗ trợ từ phía ngân hàng, các tỉnh cũng đã hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng các mô hình gia trại, nông trại vùng cát, thành lập những tổ hợp tác, vay vốn ngân hàng đóng thuyền công suất lớn hơn vươn ra ngoài 20 hải lý đánh bắt. Đối với ngư dân, hộ gia đình không có điều kiện vươn khơi đánh bắt thì tập trung chuyển đổi qua phát triển trồng trọt và chăn nuôi…
Chuyển đổi sinh kế nhờ vốn ngân hàng
Quảng Trị hiện đang là địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ bà con ngư dân chuyển đổi sinh kế sau thảm họa môi trường. Sau sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã được Agribank hỗ trợ vay vốn chuyển đổi ngành nghề.
Ông Lê Viết Trị là một trong những ngư dân đầu tiên được Agribank Quảng Trị hỗ trợ khoản vay 700 triệu đồng để nâng cấp con tàu với công suất lên đến 430CV, chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang làm hậu cần nghề cá, chuyên thu mua thủy hải sản cho bà con ở khu vực. Ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt với tàu có công suất dưới 90CV, nếu muốn chuyển đổi đánh bắt xa bờ thì phải đầu tư tàu to, máy lớn với số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ. Do vậy, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân hàng, bà con rất khó có thể chuyển đổi sang đánh bắt xa bờ với hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tại Thừa Thiên - Huế, việc đánh bắt xa bờ cũng đã ổn định trở lại cả về hoạt động trên biển và thị trường tiêu thụ. Hiện nay, tình hình môi trường biển và đầm phá trên địa bàn đã ổn định, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đã dần được khôi phục, phát triển tốt. Trong đó, hoạt động khai thác hải sản trên biển ở vùng xa bờ của ngư dân trong tỉnh đã và đang tăng dần về sản lượng. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, tạo động lực giúp người dân vùng ven biển mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh, vượt qua những khó khăn trước mắt cũng như ổn định cuộc sống lâu dài.
Sau hơn 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, tình hình chất lượng nước biển, môi trường biển đã được khôi phục. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường biển, nhìn chung công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại cơ bản đã hoàn thành, công tác quản lý, giám sát môi trường được nâng cao.
Môi trường biển đã an toàn; hải sản đã đảm bảo an toàn thực phẩm. Hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy hải sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi. Hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường; người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản.
Các chính sách hỗ trợ người dân về bảo đảm an sinh xã hội, như: chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí, đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm đã được triển khai kịp thời và có hiệu quả cao. Qua đó góp phần giúp người dân 4 tỉnh miền Trung ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định.
Trong thời gian qua, hàng loạt chính sách hỗ trợ ngư dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp chịu thiệt hại và bị ảnh hưởng tại 4 tỉnh miền Trung từ thời điểm xảy ra sự cố đã nhanh chóng được Agribank triển khai đồng bộ và cho đến nay vẫn đang tích cực thực hiện. Đồng thời, ngân hàng chủ động tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được, từ đó rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện cho hiệu quả.
Tín hiệu vui đã tới khi nguồn lợi thủy sản được phục hồi, nghề biển đã hoạt động bình thường trở lại trên những vùng biển thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Giờ đây, những con tàu đánh cá đang được “tiếp sức” bởi Agribank lại lên đường rẽ sóng ra khơi, gửi gắm ước vọng về những mẻ cá đầy và cuộc sống đang thực sự hồi sinh từ trong mất mát của những người dân biển miền Trung.
Để giúp đỡ cho bà con ngư dân tiếp tục ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, trong thời gian tới, những địa phương chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển cần tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường cho các đối tượng còn tồn đọng; hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, chứng từ thanh toán, quyết toán các khoản đã chi trả; tiếp tục thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.
Đồng thời, triển khai thực hiện các dự án: đầu tư hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ sản xuất cho vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản; xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường.
Trong nhiều năm qua, với vai trò là NHTM Nhà nước chủ lực trong đầu tư vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đến nay, Agribank tiếp tục dẫn đầu các NHTM với tổng nguồn vốn huy động đạt gần 1.200.000 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay và đầu tư đạt 1.185.855 tỷ đồng. Trong đó: dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 73,4% (tính đến 31/7/2018). Agribank luôn tiên phong triển khai các chính sách, các chương trình tín dụng, cùng ngành Ngân hàng có nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Nguồn vốn của Agribank đã và đang góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tăng thu nhập cho khách hàng, ổn định các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam. |