Vươn ra biển lớn
NHTMCP Công thương Việt Nam: Cơ hội bứt phá từ chiến lược trung hạn | |
VietinBank chuyển đổi mô hình | |
VietinBank nhận Giải thưởng STP Award 2015 |
Đó chỉ là một trong những dấu ấn ghi nhận sự lớn mạnh không ngừng của một NHTM chủ lực, trụ cột của Ngành trong dặm dài phát triển. Đặc biệt, trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế như đại dương đầy sóng cả, con thuyền VietinBank không chỉ chở khát vọng, niềm tin chiến thắng của riêng mình hướng tới một định chế tài chính tầm khu vực vào năm 2017, mà còn ấp ủ hoài bão trở thành cầu nối cho các DN Việt Nam cùng vươn khơi.
Ảnh minh họa |
Bứt phá cùng mục tiêu hội nhập
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, hơn lúc nào hết VietinBank hiểu được tầm quan trọng của việc chủ động hội nhập thành công thị trường tài chính quốc tế. Không lâu sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), VietinBank đã lên kế hoạch cổ phần hoá và IPO thành công, mở đường cho chủ trương hội nhập xuyên suốt từ chiến lược tới kế hoạch hành động. Năm 2011, VietinBank ghi dấu ấn là NHTMCP Nhà nước đầu tiên có đối tác chiến lược nước ngoài, với việc bán 8,03% vốn điều lệ cho đối tác IFC.
Tiếp nối thành công đó, VietinBank đã ký kết thành công hợp đồng bán 19,73% cổ phần trị giá hơn 15 nghìn tỷ đồng cho nhà đầu tư chiến lược Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (BTMU) vào cuối năm 2012. Từ đó đến nay, VietinBank đã vươn lên trở thành NHTMCP có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam.
Đặc biệt, sự tham gia trong HĐQT và Ban Điều hành tại VietinBank của 2 đối tác chiến lược BTMU và IFC với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã củng cố và khẳng định nội lực của VietinBank, gia tăng vị thế và mở rộng tầm ảnh hưởng của ngân hàng ra thị trường quốc tế.
Sự kiện VietinBank là định chế tài chính đầu tiên của Việt Nam phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu quốc tế năm 2012 là một minh chứng sinh động cho những thành công ban đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế của VietinBank.
Sự chủ động hội nhập không chỉ giúp VietinBank tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại ngày càng gia tăng, mà còn là điểm tựa gia tăng năng lực cạnh tranh trước sự đổ bộ của các định chế tài chính nước ngoài vào thị trường nội địa. Theo đó, VietinBank đã có cuộc “lột xác” từ mô hình quản trị, điều hành, tăng cường năng lực tài chính cho tới công nghệ và nhân sự.
Bắt nhịp công nghệ số và sự thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, Ban Lãnh đạo VietinBank nhìn nhận, con đường duy nhất để phát triển, phục vụ tốt nhất nhu cầu nền kinh tế là đổi mới công nghệ mà thực chất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Định hướng phát triển thành ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực càng thôi thúc VietinBank đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược công nghệ thông tin giai đoạn 2010 - 2015, tạo đà cho tăng năng suất lao động ở các khối nghiệp vụ.
Đặc biệt, VietinBank trở thành ngân hàng đầu tiên quyết định thay mới hệ thống Core INCAS bằng Core SunShine cùng việc hình thành Dự án Kho dữ liệu DN. Đây là các dự án quy mô lớn, là nền tảng cho VietinBank phát triển lêntầm cao mới với những ưu thế cạnh tranh vượt trội như: khả năng bán chéo, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đồng nhất ở các kênh phân phối, thời gian phục vụ khách hàng liên tục 24/7…
Những nỗ lực hội nhập của VietinBank đã cộng hưởng vào quy mô và chất lượng tài sản của một ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Tính đến 31/12/2015, quy mô tổng tài sản của VietinBank đạt 779 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2014 và đạt 104,5% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông; lợi nhuận trước thuế đạt 7.345 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động tăng 19,6%, dư nợ tín dụng tăng 24,7% so với năm 2014; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế được giữ ở mức 0,73%.
Trợ lực DN, đẩy đà kinh tế
Ngày 1/4/2016, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings công bố giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của VietinBank ở mức B+ với triển vọng ổn định. Fitch cho rằng, VietinBank là ngân hàng lớn về quy mô tài sản và mạng lưới, có tầm quan trọng trong hệ thống tài chính - ngân hàng của Việt Nam.
Những lợi thế so sánh về huy động vốn này đang gia tăng sức mạnh cho VietinBank với chiến lược kinh doanh thế chân kiềng: ngân hàng bán buôn, hoạt động bán lẻ và hướng tới ngân hàng thanh toán. Xuyên suốt cho những bước chuyển mạnh này, không chỉ vì năng lực hội nhập của VietinBank mà chính là mong muốn cộng hưởng sức mạnh cùng DN vươn ra biển lớn cũng như tạo lực hút đầu tư vào phát triển kinh tế đất nước.
Quan trọng hơn, việc kịp thời ban hành cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất phù hợp với chỉ đạo định hướng của NHNN, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ đã đưa tín dụng của VietinBank chảy tràn trong các phân khúc.
Vai trò trụ cột của VietinBank trong thu xếp, tài trợ vốn cho nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia và các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngày càng rõ nét với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, dầu khí gắn với tên tuổi những tập đoàn chủ lực của nền kinh tế.
Không chỉ đóng góp nguồn lực tài chính dồi dào phát triển cộng đồng DN, VietinBank còn tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giữ vững vị thế ngân hàng chủ lực, trụ cột của Ngành, góp phần duy trì nền tài chính lành mạnh, an toàn để phát triển hiệu quả, bền vững.
Nhìn về trung hạn, hành trình hội nhập của VietinBank đang có thêm những lực đẩy mới với việc dần hoàn thành lộ trình sáp nhập PG Bank, cùng kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu thứ cấp, sử dụng thêm nguồn thặng dư vốn cổ phần hiện có. Nếu kế hoạch này thành công, VietinBank có quy mô vốn tương đương với các ngân hàng trung bình ở khu vực.