VietinBank chuyển đổi mô hình
Ảnh minh họa |
Năm 2015, tổng tài sản của VietinBank (CTG) đã tăng xấp xỉ 18%, chủ yếu nhờ tăng trưởng cho vay khách hàng và chứng khoán đầu tư. Hai khoản mục này chiếm lần lượt 68,4% và 15,4% cơ cấu tài sản và đã tăng trưởng lần lượt 22,5% và 28,5% trong năm 2015.
Một số chỉ tiêu về đảm bảo an toàn hoạt động cũng như chất lượng tài sản cũng được đảm bảo như CAR (theo công bố của ngân hàng) đạt hơn 10,3% và tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống và đạt khoảng 0,9%. Tỷ lệ LDR theo công bố của ngân hàng đạt 86%.
Đây là những con số tích cực đối với nhà đầu tư trên sàn. Thế nhưng, dường như tham vọng của CTG đã không dừng lại. Mới đây, ngân hàng này cho thấy đang đầu tư rất lớn vào công nghệ cũng như chuyển đổi mô hình hoạt động.
Trước hết, cơ cấu tín dụng đã có sự dịch chuyển tập trung vào bán lẻ. Theo đó, tăng trưởng cho vay khách hàng và tiền gửi từ khách hàng trong năm 2015 của VietinBank đạt lần lượt 22,3% và 16,2%, cao hơn mức trung bình của toàn hệ thống.
Đáng lưu ý, trong đó, tỷ trọng cũng như tăng trưởng tín dụng của nhóm khách hàng DN Nhà nước giảm dần từ năm 2013 đến nay. Thay vào đó, tín dụng của nhóm khách hàng cá nhân đang cho thấy có chuyển biến tích cực trong cùng giai đoạn. Tại thời điểm 31/12/2015, tín dụng khách hàng cá nhân tăng trưởng xấp xỉ 52% và chiếm hơn 20% cơ cấu nợ của ngân hàng.
Hiệu quả hoạt động giảm do sự cạnh tranh trong môi trường ngân hàng cũng như chi phí phát triển ngân hàng bán lẻ. CTG có thế mạnh là ngân hàng bán buôn và nguồn thu nhập chủ yếu vẫn phụ thuộc vào hoạt động cho vay. Bình quân trong giai đoạn 2012 – 2015, tỷ lệ thu nhập ròng từ lãi vẫn chiếm 84% trong tổng thu nhập của ngân hàng, và chỉ giảm nhẹ về mức 83% trong năm 2015.
Ước tính lợi suất từ tài sản sinh lãi cũng như chi phí trả lãi của ngân hàng cùng giảm trong năm 2015, nhưng lợi suất giảm với tốc độ nhanh hơn. Tỷ lệ NIM năm 2015 theo đó chỉ đạt khoảng 2,8%, thấp hơn mức trung bình 3% của năm 2014.
Cùng với đó, tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) đã liên tục tăng trong các năm vừa qua và trung bình ở mức 47,1% trong năm 2015. Việc tập trung chuyển đổi mô hình hoạt động theo chiều dọc, cũng như đầu tư hệ thống công nghệ, nhân lực để phát triển mảng ngân hàng bán lẻ là nguyên ngân khiến tỷ lệ CIR tăng cao trong các năm vừa qua.
Trong năm 2015, chi phí trích lập dự phòng đã tăng mạnh, chiếm xấp xỉ 39% lợi nhuận trước thuế và tăng gần 20% so với năm 2014. Do vậy, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5.698 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,5% so với năm 2014. Các chỉ tiêu ROA và ROE lần lượt giảm.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2016, CTG dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản ở mức 14%, tín dụng và huy động lần lượt tăng trưởng 18% và 14%. Với dư địa LDR vẫn thấp hơn mức trần 90%, CTG vẫn có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động như trên.
Trong các năm gần đây, ban lãnh đạo ngân hàng đã rất chủ động trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động cũng như đầu tư hạ tầng công nghệ nhằm phát triển lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, sẽ cần thêm vài năm nữa để CTG gặt hái được thành quả của những nỗ lực này…