Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc: Chiến thuật “núp bóng” đã lỗi thời?
Ảnh minh họa |
Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) cho biết tại Hội nghị phát triển thị trường xuất khẩu gạo diễn ra chiều tối ngày 22/2/2016, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lâu năm của Việt Nam, luôn cần lượng hàng lớn và dễ tính nhưng rủi ro cao. Thậm chí ngay cả những DN xuất khẩu gạo lớn, lâu năm có nhiều kinh nghiệm như Vinafood 1, Vinafood 2... cũng không ít lần gặp khó khăn tại thị trường này.
Khảo sát thực tế tại thị trường Trung Quốc, các thương nhân tại đây thường nhập gạo của Việt Nam theo từng chủng loại, phẩm cấp khác nhau nhưng sau đó đem về trộn với gạo của họ để hạ giá bán, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, đối với nhiều loại gạo mua gián tiếp hoặc trực tiếp từ Việt Nam không có nhãn mác, thương hiệu được thương nhân Trung Quốc nhập về với khối lượng lớn sau đó gia công, đóng gói bao bì, bán lại trên thị trường dưới tên tuổi, đơn vị sản xuất là DN Trung Quốc.
Như vậy, dù với hình thức nào thì hiện nay nhiều loại gạo “made in Việt Nam” vẫn đang hiện diện tại thị trường, đến với người tiêu dùng Trung Quốc dưới vỏ bọc, bao bì của nhà sản xuất Trung Quốc.
“Dù muốn hay không đây vẫn là một vấn đề thực tế mà không ít DN Việt phải chấp nhận “núp bóng” để bán được hàng sang thị trường này. Sau đó, dần dần mới có thể tính đến chuyện đường dài, xây dựng thương hiệu rõ ràng, cụ thể thông qua việc nâng cao chất lượng và giá trị, chứ trước mắt chưa thể có ngay được” – ông Năng nói.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, với nhu cầu lớn và ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2012, quốc gia này nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo từ Việt Nam, năm 2014 là 2,5 triệu tấn thì trong năm qua con số này đã tăng vọt lên 3,35 triệu tấn, tương đương mức tăng gần 30% (cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay).
Ngoài nhập khẩu chính ngạch bằng hình thức gia tăng theo hạn ngạch hàng năm, một lượng gạo không nhỏ từ Việt Nam cũng đã xuất qua thị trường này theo đường tiểu ngạch (1,6 triệu tấn).
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA cho rằng, đến nay gạo của Việt Nam vẫn được xuất chủ yếu sang Trung Quốc với 54% thị phần, song điều đáng nói trong hầu hết các siêu thị của Trung Quốc dường như vắng bóng thương hiệu gạo của Việt Nam. Nếu không “nhanh chân” xúc tiến, quan tâm đến vấn đề này thì các DN Việt có thể thua cả các DN xuất khẩu gạo của Campuchia.
Bàn về vấn đề này, nhiều DN xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cho rằng dù sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc nhiều và ngày càng gia tăng nhưng giá trị thu về chưa cao. Nhất là chính vì thị trường dễ tính nên nhiều DN xuất khẩu trong nước không chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu và nâng cao phẩm chất, chất lượng cho gạo hàng hóa, thương phẩm của Việt Nam xuất đi Trung Quốc.
Về lâu dài, vấn đề này dẫn đến hệ lụy khó lường vì thực tế hiện nay hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường không ít DN xuất khẩu gạo của Việt Nam quen cách làm dễ dãi, không đảm bảo tiêu chuẩn nên khi đem hàng xuất đi thị trường EU, một số nước Trung Đông, Hồi giáo thường bị trả lại vì không đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, một phần lớn xuất theo con đường tiểu ngạch khá bấp bênh, lên xuống theo nhu cầu thị trường lúc tăng nóng, khi giảm mạnh rồi bị ép giá khiến nhiều DN xuất khẩu gạo của Việt Nam mất tiền tỷ, thua thiệt đủ đường.
Theo ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại tại Trung Quốc phân tích, do thị trường Trung Quốc mang tính đặc thù cao, các vấn đề thương mại trong đó có đan xen nhiều yếu tố chính trị, đối ngoại giữa hai quốc gia đòi hỏi các DN phải luôn quan tâm, cập nhật tình hình để có những phương án sản xuất kinh doanh, ký kết hợp đồng phù hợp nhất với từng diễn biến cụ thể.
Đặc biệt, không vì thấy dễ trước mắt mà quên đi mục tiêu lâu dài xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho gạo Việt Nam không chỉ đối với thị trường Trung Quốc mà phải vươn ra thị trường nhiều nước khác trên thế giới để tránh phụ thuộc.