Xuất khẩu thủy sản: Tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc
Xuất khẩu “tỷ đô” thủy sản vẫn thiếu | |
Cơ hội xuất khẩu nông, thủy sản vào Úc |
Tín hiệu tích cực
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là các thị trường chính và chiếm 52,9% tổng kim ngạch XK thủy sản.
Dự báo XK thủy sản sang Trung Quốc sẽ tăng do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu của nước này |
Nhận định về tình hình XK thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, XK sẽ khả quan, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Theo đó, từ ngày 1/7/2018 Trung Quốc sẽ chính thức giảm thuế nhập khẩu từ 2%-10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); trong đó thuế nhập khẩu phi lê cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%, thuế nhập khẩu cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7%.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của người dân Trung Quốc ngày càng tăng, đặc biệt là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, dầu cá, mặt hàng cá khô, cá đóng hộp có gia vị… Đây là cơ hội để DN đẩy mạnh XK vào thị trường này.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, trong thời gian tới, nhiều dự báo XK thủy sản (tôm, cá tra) sang Trung Quốc sẽ tăng do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu của nước này.
Hiện, các DN sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản hai nước cũng đã đề nghị hải quan cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) cải tiến cách thức thông quan, tạo thuận lợi cho hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu; đồng thời tận dụng tốt kết cấu hạ tầng đã được hai nước đầu tư như: đường giao thông vành đai Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh và hệ thống chợ đầu mối.
Điều này góp phần cho hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nói chung và thủy sản nói riêng đến với thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam) được thuận lợi, không phải nhập qua hàng hóa của các cửa khẩu khác (Nam Ninh, Bằng Tường, Quảng Tây) dẫn đến đội giá nhập, giá bán cao.
Tăng cường kiểm soát chất lượng
Mặc dù được dự báo khả quan, nhưng theo các chuyên gia, Trung Quốc rất nhạy cảm về các vấn đề an toàn thực phẩm và hiện đang siết chặt hơn việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Nhu cầu của thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ người tiêu dùng được dự báo tiếp tục tăng. Dù vậy, việc tăng XK vào thị trường Trung Quốc vẫn là bài toán khó cho các DN ngành thủy sản Việt. Hơn lúc nào hết, DN ngành này cần định hướng, giúp đỡ để tránh phụ thuộc vào một thị trường, bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường Trung Quốc…
Để đảm bảo mục tiêu kim ngạch XK thủy sản năm 2018 đạt 10 tỷ USD, cũng như tận dụng được những cơ hội từ thị trường Trung Quốc, tại Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy XK do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Trương Đình Hòe – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, một trong những giải pháp là tập trung đẩy mạnh XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, kiểm soát xuất tiểu ngạch, đặc biệt đối với mặt hàng cá tra.
Bởi nếu không quản lý chặt chẽ chất lượng cá tra XK đi Trung Quốc đang được gia công chế biến tràn lan sẽ gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường XK khác trong khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh và chất lượng cá tra.
VASEP cũng kiến nghị Chính phủ xem xét và chỉ đạo việc thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế đối với mặt hàng thủy sản XK đi Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc cấp và kiểm tra bắt buộc chứng thư chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi XK. Đồng thời, có chương trình kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản XK cho thị trường Trung Quốc hiện nay nhằm bảo đảm chất lượng thủy sản XK.
Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra nói chung cũng như đẩy mạnh XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nói riêng, theo ông Nguyễn Quốc Toản, trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này.
Hiện Tổng cục Thủy sản đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chủ trì xây dựng thương hiệu tôm và cá tra theo đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế”. Chính phủ cũng giao Bộ Công thương chủ trì hỗ trợ DN trong hoạt động xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu tôm Việt Nam tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2018.