Xúc tiến thương mại qua hội chợ, triển lãm: Hiệu quả tới đâu?
Cần bỏ tư duy XTTM dàn trải | |
Khai mạc Triển lãm quốc tế Bất động sản Việt Nam 2016 |
Chỉ tính riêng tại SECC – Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, đơn vị có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam về tổ chức hội nghị, triển lãm, ngót nghét hơn 50 triển lãm chuyên ngành và tổng hợp đã và sẽ được tổ chức trong năm 2016.
Ngoài những ngành quen thuộc như làm đẹp, bao bì, ẩm thực, đồ gỗ… thì các ngành công nghiệp phụ trợ, chăn nuôi, trang sức, máy công cụ... cũng thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. VCCI, HAWA Corp, Vietbuild, VEAS… là những đơn vị tổ chức được nhiều sự kiện quy mô trong thời gian qua.
Hội chợ triển lãm đang thay đổi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt Nam, thế nhưng sự thay đổi đó vẫn chưa mang tính đồng bộ |
Chưa có một thống kê chính xác về tốc độ phát triển của thị trường hội chợ, triển lãm tại Việt Nam, song nhiều DN khi được hỏi đều cho rằng đây là kênh xúc tiến thương mại đem đến nhiều lợi nhuận và hiệu quả nhanh có thể nhìn thấy.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh – Giám đốc CTCP TCMN Gỗ Liên Minh, đơn vị tổ chức 2 triển lãm đồ gỗ cho thị trường nội địa và xuất khẩu của HAWA cho biết giao dịch bán hàng tại triển lãm VIFA HOME năm vừa rồi là 24 tỷ đồng trong 4 ngày diễn ra.
Còn theo tổng kết của 39/250 DN xuất khẩu tham gia triển lãm VIFA-EXPO, các hợp đồng và bản ghi nhớ được ký kết trong kỳ triển lãm đạt giá trị khoảng 12 triệu USD.
Giá trị xã hội mà ngành triển lãm đem lại cũng không nhỏ. Ông Nguyễn Đình Hùng, Tổng giám đốc Công ty Tổ chức triển lãm quốc tế xây dựng Vietbuild cho biết mỗi kỳ Vietbuild tổ chức tại TP.HCM thu hút khoảng 2.350 gian hàng của hơn 800 DN thuộc 30 quốc gia, lượng khách tham quan xấp xỉ 300.000 lượt. Từ đó lợi ích cho các ngành giao thông, lưu trú và du lịch cũng có thể đi theo.
Nền công nghiệp hội chợ triển lãm tuy chưa định hình rõ nét ở nước ta, thế nhưng lại là ngành hái ra tiền ở nhiều nước như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Đức… Theo Hiệp hội Công nghiệp hội chợ thương mại Đức, 12 tỷ euro/năm là số tiền mà các đơn vị triển lãm và khách tham dự chi tiêu cho các hội chợ, triển lãm hàng năm được tổ chức ở nước này. Hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp đôi, khoảng 23,5 tỷ euro.
Ở Việt Nam, các triển lãm trong nước và quốc tế đang được tổ chức nhiều hơn. Mỗi sự kiện được lên kế hoạch triển khai và thực hiện từ cả năm trước đó. Số tiền mà nhà đầu tư dành cho mỗi sự kiện khó ước tính chính xác. Nhưng theo chia sẻ của một số chuyên gia, tùy vào quy mô và kinh nghiệm của nhà tổ chức, tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu của mỗi triển lãm dao động từ 10-20%. Nhưng cũng không ít trường hợp nhà tổ chức gặp thua lỗ hoặc thậm chí phá sản vì một vài nguyên nhân.
Ở các tỉnh, thành phố lớn, nhiều quy định về hội chợ, triển lãm được thực hiện và kiểm soát khá chặt chẽ. Nhưng về đến vùng ngoại thành hoặc nông thôn, các đơn vị tổ chức khó kiểm soát được chất lượng hàng hóa và hoạt động của DN tham gia triển lãm.
Nhiều trường hợp hàng giả, hàng nhái, không có nguồn gốc xuất xứ được tuồn vào triển lãm, các DN tham gia không được chọn lọc đã làm cho các đối tác và khách tham quan tẩy chay triển lãm vì “con sâu làm rầu nồi canh”.
Trước triển lãm, việc quảng bá để tác động đúng đối tượng khách hàng mục tiêu tham gia triển lãm cũng khá quan trọng. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, bên cạnh các phương tiện truyền thống như TV, radio, billboard, email… để quảng bá sự kiện đến các DN nội địa, thì các triển lãm quốc tế cần nhiều phương pháp hiệu quả hơn.
Đăng thông tin trên các báo, tạp chí chuyên ngành, được bên thứ 3 uy tín gửi thư mời tham dự hội nghị… là những cách làm hiệu quả. 1 triệu đồng/người là số tiền trung bình cần bỏ ra cho quy trình quảng bá để thu hút được 1 khách quốc tế đến với các triển lãm quốc tế do HAWA tổ chức, ông Hạnh chia sẻ.
Tổ chức các triển lãm quy mô khu vực hoặc đưa những triển lãm đã có tên tuổi ra nước ngoài là mục tiêu mà một số đơn vị trong ngành đang hướng đến. Tuy vậy, đa phần các DN tổ chức triển lãm trong nước đã đưa ra những đề xuất để có được những biện pháp phòng hộ từ Nhà nước cho ngành kinh tế còn non trẻ trước các nhà tổ chức tầm cỡ đang nghiên cứu thị trường Việt Nam.
Thế nhưng bài toán nan giải nhất mà các DN trong lĩnh vực tổ chức hội chợ, triển lãm đang gặp phải là địa điểm tổ chức. SECC là trung tâm tổ chức triển lãm lớn nhất tại TP.HCM cũng chỉ có diện tích dưới 10.000 m2, sức chứa lớn nhất là 700-800 gian hàng và có khả năng diễn ra 1 sự kiện/tuần.
Trong khi năng lực tổ chức và nhu cầu thị trường lại gấp nhiều lần như thế. Các nhà thi đấu thể thao, trung tâm hội nghị… không thể thay thế công năng của những khu triển lãm chuyên nghiệp. Với triển lãm Vietbuild đang diễn ra, ban tổ chức phải thi công thêm ở khu vực đất trống ngoài nhà triển lãm số lượng gian hàng gấp 2-3 lần mới đủ sức chứa.
“Chúng tôi phải đầu tư gần như mọi thứ về hạ tầng, cơ sở, hệ thống điện, máy lạnh, dịch vụ… để đảm bảo tiện nghi đồng đều cho các khu vực triển lãm”, ông Nguyễn Đình Hùng cho biết. Đề xuất về một trung tâm triển lãm quy mô lớn hơn, trong thời gian nhàn rỗi có thể tổ chức các buổi meeting, hội nghị hoặc các sự kiện quốc gia là điều các nhà tổ chức triển lãm mong mỏi để nới rộng sân chơi của mình.
Là một kênh xúc tiến thương mại đem đến nhiều lợi ích giao thương, gặp gỡ đối tác, tìm hiểu thị trường, thì các hội chợ, triển lãm ngày càng được đầu tư bài bản hơn và thu hút hơn. Nhưng cần nhiều hơn sự nỗ lực từ các cấp quản lý, nhà tổ chức và DN tham gia để những sân chơi này trở thành công cụ hội nhập hiệu quả hơn ngay trên sân nhà.
Cách đây vài năm, khái niệm “hội chợ, triển lãm” được hình dung là những khu trưng bày hàng hóa tổng hợp, thiếu sự đầu tư và không có nhiều sức hút. Tuy nhiên, đến nay, thực tế này đã khác hẳn. Không khó nhận thấy hàng dài người xếp hàng để check-in trước mỗi triển lãm diễn ra, nhiều gian hàng của các DN được đầu tư hàng trăm triệu đến hơn cả tỷ đồng để xuất hiện ấn tượng chỉ trong vài ngày. Đó có phải mức đầu tư xứng đáng? Sân chơi đắt đỏ này đang được các DN tổ chức triển lãm vận hành ra sao? |