Yellen, Draghi đến với Jackson Hole với nỗi lo lạm phát yếu
Fed vẫn muốn tiếp tục tăng lãi suất do lo ngại bất ổn định tài chính | |
ECB cũng “chùng xuống” vì lạm phát yếu và đồng euro mạnh lên | |
Nhiều quan chức Fed lo lắng về lạm phát, kêu gọi ngừng tăng lãi suất |
Chủ tịch Fed Janet Yellen và Chủ tịch ECB Mario Draghi |
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi sẽ là hai trong số các quan chức sẽ nhấn mạnh vấn đề này tại Hội nghị do Fed Kansas tổ chức năm nay. Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại một khu nghỉ mát trên núi Jackson Hole được tổ chức trong bối cảnh các ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế phát triển đang tiến gần tới việc rút khỏi các chính sách sau nhiều năm nới lỏng tiền tệ chưa từng có, thậm chí ngay cả khi triển vọng này đang bị che mờ bởi lạm phát yếu ớt.
Giá cả tăng chậm chạp mặc dù tăng trưởng vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp giảm đang là một câu đố với các nhà hoạch định chính sách và câu đố đó sẽ xuất hiện khi Hội nghị bàn thảo về chủ ề năm nay “Củng cố động lực kinh tế toàn cầu”.
“Lạm phát đang là một dấu hỏi lớn, cả ở đây và ở nước ngoài”, Michelle Meyer – trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại Bank of America Corp. ở New York cho biết.
Theo chương trình, Chủ tịch Fed Yellen sẽ nói về sự ổn định tài chính vào lúc 8 giờ sáng theo giờ địa phương (10 giờ sáng ở New York) vào ngày 25/8. Draghi sẽ phát biểu vào lúc 1 giờ chiều, tập trung vào chủ đề của cuộc họp, một phát ngôn viên của ECB nói trước những suy đoán liệu người đứng đầu ECB có phát đi tín hiệu nào về chương trình mua trái phiếu của ECB.
Các nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt với nhiều thách thức chung, từ việc giá tài sản tăng đến việc toàn cầu hóa đã bị che mờ phần nào bởi chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, lạm phát có thể là vấn đề bức xúc nhất đối với các ngân hàng trung ương, vốn đang thất bại với việc đạt được mục tiêu lạm phát của mình.
Theo thước đo ưa thích của Fed, lạm phát ở Mỹ đã giảm xuống 1,4% vào tháng 6; trong khi giá tiêu dùng tại khu vực đồng euro - hiện ở mức 1,3% - chỉ biến động nhẹ kể từ đầu năm. Cả hai ngân hàng trung ương đều nhắm tới mục tiêu lạm phát là 2%, mặc dù mục tiêu lạm phát của ECB là gần mức đó.
Sự “đóng băng” giá cả thậm chí diễn ra ngay cả khi thất nghiệp giảm liên tục, giảm hơn một nửa ở Mỹ xuống còn 4,3% kể từ mức đỉnh cao sau thời kỳ suy thoái kinh tế và giảm xuống còn 9,1% từ mức cao 12,1% tại khu vực đồng euro. Lạm phát cũng rất yếu ớt ở Nhật Bản.
Mặc dù Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) chưa xác nhận kế hoạch của Thống đốc Haruhiko Kuroda, ông đã tham dự Hội nghị Jackson Hole hàng năm kể từ khi lãnh đạo BOJ vào năm 2013. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney dự định sẽ không thạm dự sự kiện này.
Sự tiến triển chậm của lạm phát cho thấy đường cong Phillips – phản ánh mối quan hệ khi mà tỷ lệ thất nghiệp thấp sẽ thúc đẩy giá cao hơn - có thể không còn đúng nữa. Nếu các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương tái khẳng định niềm tin của họ rằng nó sẽ bắt đầu hoạt động, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy sự tăng giá đang đến.
Hội nghị Jackson Hole thường chứa đứng nhiều thông tin quan trọng về mặt thị trường, và năm nay "tôi có thể đặt cược nó liên quan đến lạm phát”, Guy LeBas - Chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Janney Montgomery Scott ở Philadelphia cho hay. “Lạm phát là vấn đề lớn nhất - và cuộc thảo luận về đường cong Phillips là vấn đề kinh tế lớn thứ hai về mặt chính sách”.
Fed đã báo hiệu rằng có thể sẽ thông báo việc bắt đầu thu hẹp danh mục đầu tư trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp trị giá 4,5 nghìn tỷ USD trong tháng 9, và Yellen có thể củng cố quan điểm đó. Tuy nhiên, nếu chủ tịch Fed phát đi bất kỳ tín hiệu nào về sự không chắc chắn trong triển vọng lạm phát, nó có thể gây ra mối hoài nghi với dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.
Draghi, người sẽ nói chuyện tại Lindau (Đức) hôm thứ Tư trước khi tới Wyoming, cũng sẽ là tâm điểm chú ý đối với đến các nhà quan sát. ECB đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến nhằm khôi phục sự ổn định về giá của khu vực đồng euro. Chính tại Jackson Hole cách đây 3 năm Draghi đã đặt nền móng cho chương trình mua trái phiếu trị giá 2,3 nghìn tỷ euro (2,7 nghìn tỷ USD) của ECB.