3 chiến lược để ngân hàng truyền thống tham gia cuộc đua Digital Lending
Cho vay kỹ thuật số - một thị trường triển vọng chưa được khai thác triệt để
Cho vay kỹ thuật số (Digital Lending) là một phân khúc sôi động trên thị trường tài chính thế giới, nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để tại Việt Nam. Theo một báo cáo từ Boston Consulting Group, dịch vụ cho vay kỹ thuật số trong vòng 5 năm tới sẽ đạt tổng giá trị 1 nghìn tỷ USD chỉ tính trong mảng cho vay tiêu dùng.
Nhiều tiềm năng là vậy nhưng mảng này tại Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn khởi phát, chỉ được cung cấp nhỏ lẻ bởi các công ty fintech và còn lạ lẫm với nhóm nhà băng truyền thống. Trên thực tế, số ngân hàng chính thống cung cấp dịch vụ này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Theo các chuyên gia dự đoán, thị trường cho vay kỹ thuật số trong nước sắp tới sẽ trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, chủ yếu do 4 tác nhân sau đây.
Thứ nhất, người tiêu dùng ngày càng am hiểu và thông thạo công nghệ, đặc biệt là Gen Z, từ đó mà hành vi mua hàng cũng hoàn toàn thay đổi. Người tiêu dùng hiện nay muốn tất cả các dịch vụ tài chính và tương tác với ngân hàng phải được thực hiện thông qua thiết bị di động, thay vì tại các chi nhánh hay trụ sở.
Thứ hai, các phát kiến công nghệ tài chính gần đây như eKYC, Buy Now Pay Later (Mua trước trả sau) và cả cho vay kỹ thuật số đều được tiên phong bởi các công ty fintech, một thế lực đã, đang, và sẽ tiếp tục là đối trọng của nhóm ngân hàng truyền thống.
Thứ ba, chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra những chính sách mới đẩy mạnh cách mạng Ngân hàng số, gần đây nhất là quyết định 810/QĐ-NHNN.
Cuối cùng, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, mô hình kinh doanh “gạch vữa” (brick-and-mortar) với hàng dài khách hàng đợi đến lượt nộp đơn vay vốn hay giải ngân đã không còn khả thi. Các ngân hàng buộc phải số hóa các dịch vụ để không mất khách vào tay các startup fintech, đặc biệt là trong mảng cho vay - mảng kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho ngành ngân hàng.
Để đi tắt đón đầu xu thế cho vay kỹ thuật số, ông Lê Hữu Tấn Tài, Phó tổng giám đốc của KMS Solutions gợi ý ba chiến lược, ba mô hình đang rất phổ biến trên thế giới như sau.
1 - Xây dựng một sản phẩm cho vay hoàn toàn mới
Hiện nay trên thế giới, cho vay kỹ thuật số vẫn ở thế cân bằng giữa hai phía ngân hàng và nhóm fintech. Để cạnh tranh, nhiều ông lớn ngân hàng chọn cách đối đầu trực tiếp bằng một sản phẩm hay ứng dụng cho vay tự phát triển. Tiên phong trong mô hình này có thể kể đến Goldman Sachs. Năm 2017, tập đoàn này cho ra mắt Marcus, một nền tảng cho vay tiêu dùng tự động chỉ với một mục đích duy nhất: đó chính là tranh giành miếng bánh béo bở mang tên digital lending với các doanh nghiệp fintech. Năm 2018 đã đặt dấu mốc thành công đầu tiên cho Marcus khi nền tảng này tuyên bố đã giải ngân gần 2 tỉ đô cho hơn 350,000 khách hàng. Tỷ suất hoàn vốn của Marcus cũng đạt gấp 4 lần toàn bộ tập đoàn Goldman Sachs cộng lại.
Hay Hello Banks! được PNB Paribas thiết kế như một ngân hàng số hoạt động hoàn toàn trên thiết bị di động, cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính như cho vay, gửi tiền tiết kiệm, môi giới, hay bảo hiểm. Đến nay, nền tảng này đã tiếp cận gần 2.5 triệu người tiêu dùng.
Tuy vậy, ở Việt Nam phương án “cây nhà lá vườn” này chưa được áp dụng rộng rãi. Gần đây nhất chỉ có một công ty tài chính là FE Credit ra mắt nền tảng mang tên $nap.
Để xây dựng được một sản phẩm cho vay kỹ thuật số đòi hỏi rất nhiều nguồn lực từ ngân hàng. Đây cũng là lý do vì sao nhiều ngân hàng bên ta “ngại” cách tiếp cận này. Thông thường, các ngân hàng sẽ chọn cách thuê ngoài nhân sự (outsourcing) để phát triển sản phẩm.
“Trung bình thời gian để phát triển mới và đưa sản phẩm ra thị trường mất từ 12 tháng đến 18 tháng”, ông Tài chia sẻ.
Tuy tốn nhiều thời gian, nhân lực, và các khoản đầu tư khác, chiến lược này cho phép ngân hàng toàn quyền quyết định nền tảng cho vay của mình sẽ bao gồm những tính năng gì hay giao diện trông ra sao.
2 - Hợp tác với các công ty Fintech
Trong mô hình này, các startup có vai trò như một đơn vị trung gian, “môi giới” các dịch vụ cho vay của ngân hàng thông qua một nền tảng số. Ví dụ, Ngân hàng Quốc gia Úc (National Australia Bank) đã bắt tay với Xero, một công ty giải pháp kế toán, để cải thiện chất lượng dữ liệu trong quá trình thẩm định cho vay. Ở Việt Nam cũng đã có AVAY là đối tác của VIB Bank và VPBank. Đây là một ứng dụng giúp người dùng tìm kiếm các khoản vay có tỷ lệ giải ngân cao. Một ví dụ khác là Dragon Lend giúp kết nối các doanh nghiệp cần vốn với các ngân hàng và tổ chức tài chính phù hợp.
“Lợi thế quan trọng của mô hình này là Ngân hàng có thể nhanh chóng gia nhập xu hướng phổ biến nền tảng tài chính số. Chi phí đầu tư không đáng kể khi mô hình kinh doanh đã sẵn sàng từ phía đối tác Fintech. Vấn đề quan trọng duy nhất là ngân hàng cần phải làm là đánh giá rủi ro, tính tuân thủ của mô hình và ký thoả thuận hợp tác kinh doanh”, ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam, nhận định.
Tuy vậy, việc hợp tác với các công ty fintech cũng khiến phía ngân hàng bị phụ thuộc, bởi họ sẽ có rất ít quyền hoặc không thể can dự vào các hoạt động phát triển hay quản lý nền tảng bên đối tác.
3 - Ứng dụng một nền tảng cho vay được xây dựng sẵn
Đây có thể xem là mô hình hiệu quả nhất thời tại điểm hiện tại. Khi chọn cách này, các ngân hàng sẽ mua license của một nền tảng cho vay dưới dạng SaaS được cung cấp từ một bên thứ ba.
Là sự kết hợp của hai mô hình trên, việc ứng dụng nền tảng có sẵn được xem như một phương án “vẹn cả đôi đường”. Trong đó, ngân hàng vừa có thể tiết kiệm thời gian và nhân lực phát triển sản phẩm, vừa có thể tự do tùy chỉnh hoặc thêm tính năng mới vào nền tảng cho vay đã được xây dựng sẵn. Ngoài ra, việc bảo trì hay kiểm thử nền tảng cũng là trách nhiệm của bên đối tác, giúp ngân hàng tiết kiệm nhân lực IT vốn khan hiếm.
“Với các nền tảng kỹ thuật số được phát triển riêng cho lĩnh vực cho vay theo cách tiếp cận trực quan cho phép người dùng phải viết rất ít code (low-code) hay thậm chí không cần code (no-code), các công ty tài chính có thể rút ngắn thời gian phát triển phần mềm lên tới 50%, điều đó cho phép họ cho ra mắt sản phẩm mới một cách nhanh chóng”, theo ông Kausal Sharda, Giám đốc Điều hành tại Kuliza.
Các ngân hàng nước ta cũng dần quen mặt với các Finastra, Kuliza, Fiserv, hay Temenos là những nhà cung cấp các giải pháp chuyển đổi số ngân hàng nổi tiếng, trong đó có cả các nền tảng cho vay kỹ thuật số.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, vấn đề cốt lõi của chiến lược này là tìm được một đối tác có khả năng tư vấn, phát triển và triển khai ứng dụng thành thạo, đồng thời hiểu biết sâu sắc về ngành Tài chính, Ngân hàng và thị trường trong nước”, Kunal Goel, Phó chủ tịch cấp cao tại Kuliza cho biết thêm.
Ông Lê Hữu Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc của KMS Solutions cũng nhấn mạnh các ngân hàng không nhất thiết phải chỉ ứng dụng một trong ba mô hình trên.
“Đây không phải là ba con đường riêng lẻ, mà trong đó chúng ta chỉ có thể chọn một trong ba. Các ngân hàng có thể kết hợp công nghệ số và đào tạo đội ngũ nhân sự về các công nghệ này để cung cấp một trải nghiệm cho vay kỹ thuật số hoàn hảo cho khách hàng cá nhân cũng như khách hàng doanh nghiệp”, ông Tài nói.