Thị trường bảo hiểm vượt qua “sóng gió”
Ngành Bảo hiểm xã hội đạt kết quả vượt trội năm 2024 Bước cải tiến mới trong quy trình tư vấn bảo hiểm tại FWD TP. Hồ Chí Minh: Tổng thu ngân sách năm 2024 đạt 510 nghìn tỷ đồng |
Những dấu hiệu tích cực từ thị trường
Theo số liệu cập nhật gần nhất của Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), số tiền ước chi trả bồi thường lên tới 11.461 tỷ đồng, bao gồm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ; trong đó, có hơn 10.000 tỷ đồng thuộc lĩnh vực bảo hiểm tài sản và bảo hiểm các công trình trong quá trình xây dựng...
Tuy vậy, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, sau một số tháng tăng trưởng âm, đến cuối tháng 11, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã tăng trưởng dương trở lại, ước đạt 204.109 tỷ đồng, tăng 0,22%. Trong khi đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là chỉ tiêu tăng mạnh nhất, phần nào cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như vai trò của ngành bảo hiểm đối với nền kinh tế.
Đơn cử, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) có tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 đạt khoảng 5.100 tỷ đồng, tăng trưởng gần 10% so với năm trước. Doanh nghiệp chú trọng nâng cao hiệu quả của hệ thống quản trị, tăng cường kiểm soát rủi ro, quản lý tốt chi phí để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Mặt khác, BIC tập trung phát triển hệ thống bán lẻ và công nghệ thông tin, không ngừng nâng cao hiệu quả và năng suất lao động trong hệ thống theo định hướng phát triển bền vững, tạo dựng nguồn lực mới cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, để giữ đà tăng trưởng trong "sóng gió", đại diện Bảo hiểm VietinBank (VBI) cho biết, việc đề cao trải nghiệm khách hàng, đặt khách hàng vào trung tâm mọi hoạt động chính là động lực giúp doanh nghiệp vượt qua mọi sóng gió, thách thức. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 15.000 đối tác trong và ngoài nước nhằm nâng cao khả năng phục vụ và chất lượng dịch vụ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đánh giá, thị trường bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò trong việc góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của quốc gia. Tuy nhiên, năm 2025 sẽ là năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng, nhất là sau cuộc khủng hoảng niềm tin với thị trường bảo hiểm nhân thọ vừa qua.
Hướng đến mục tiêu mới
Để thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Điều này nhằm bao quát các rủi ro thị trường, thể hiện tính bền vững và cam kết lâu dài, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu đánh giá khả năng đáp ứng của doanh nghiệp đối với các yêu cầu về vốn khi chuyển sang áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro.
Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư nguồn lực để áp dụng công nghệ mới, tối ưu hóa quy trình hoạt động, cải thiện dịch vụ khách hàng và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm đang triển khai; chấn chỉnh công tác tư vấn và chăm sóc khách hàng, giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Ngoài ra, chủ động phát triển sản phẩm bảo hiểm theo hướng đa dạng, linh hoạt phù hợp với khả năng của khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Ngành bảo hiểm cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Riêng đối với công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm cần tiếp tục tập trung, đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng minh bạch, an toàn, hiệu quả; triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, hướng tới mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Với định hướng chiến lược và khung khổ pháp lý mới, Thứ trưởng Lê Tấn Cận khẳng định, sẽ tạo được “cú hích” cho thị trường bảo hiểm Việt Nam cả về quy mô lẫn chất lượng phát triển trong năm 2025 và các năm tiếp theo.