Hút vốn ngoại để hiện đại hóa nền kinh tế
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm tới thị trường Việt Nam Thúc đẩy nâng hạng để thu hút dòng vốn ngoại |
Không chỉ vậy, Việt Nam còn đang trở thành điểm hội tụ của những “ông lớn” công nghệ thế giới. Đơn cử như thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Chính phủ và NVIDIA - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới tại Việt Nam; Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang; Meta cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo tại Bắc Giang; LG Innotek cũng đầu tư khoảng 255 triệu USD để mở rộng chi nhánh sản xuất tại Hải Phòng.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, những dự án có vốn FDI lớn trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng và công nghệ cao đã được triển khai, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Mặc dù vậy, nhưng một chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam gần như không thu được nhiều kỹ năng quản trị và chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương từng đánh giá, những công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường được giới thiệu và đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư. Trong khi đó, công tác đánh giá, lựa chọn công nghệ của Việt Nam hiện nay còn rất yếu kém, những công nghệ được chuyển giao phần lớn không do các doanh nghiệp trong nước tự tìm kiếm hoặc nghiên cứu, tìm hiểu, do vậy chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Nếu không chủ động hơn trong việc lựa chọn công nghệ thì không thể đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, sự kết nối giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Do vậy, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, Việt Nam cần đổi mới chính sách thu hút FDI, chuyển từ thu hút FDI “theo chiều rộng” sang thu hút FDI “theo chiều sâu”. Theo đó, cần hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng ưu tiên thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các khu vực kinh tế trong nước, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, toàn cầu. Tiếp tục sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư và Nhà nước và đối xử công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài.
Các công nghệ chuyển giao vào Việt Nam qua các dự án FDI cần được tăng cường để đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nền kinh tế |
Trong bối cảnh mới đang thay đổi rất nhanh chóng và khó đoán định, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách nhanh và kịp thời để thu hút “đại bàng” công nghệ cao đến Việt Nam. Trước mắt, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam có chính sách rất đặc biệt cho vốn FDI vào ngành công nghệ cao, trong đó có bán dẫn. Đó là, những doanh nghiệp này khi đầu tư vào khu công nghiệp ở Việt Nam thì không cần xin giấy phép đầu tư, chỉ cần đăng ký đầu tư. Doanh nghiệp sẽ được cấp đăng ký đầu tư nhanh trong 15 ngày nếu đủ điều kiện. Sau khi được cấp giấy đăng ký đầu tư, các doanh nghiệp chỉ cần cam kết thực hiện các vấn đề liên quan đến xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy thì cho phép chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, tức là doanh nghiệp không cần xin phép mà cứ thế làm, sau này sẽ có các cơ quan kiểm tra.
Còn về lâu dài, PGS. TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần nhận diện rõ xu hướng và yêu cầu mới, đặc biệt là công nghệ, chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đặt ra và cần nghiên cứu các chính sách của các quốc gia trên thế giới về thu hút FDI công nghệ cao và phát triển các ngành công nghệ mới; có những cơ chế chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa trong tạo môi trường hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực công nghệ. Các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị để tham gia vào chuỗi cung ứng có liên quan đến các ngành công nghệ cao, tùy vào năng lực để tham gia ở mức độ phù hợp.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cũng đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu mới để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật-xã hội và đặc biệt là nguồn nhân lực nội địa chất lượng cao. Để làm được điều này, ông Tuấn đề xuất, các trường, tổ chức đào tạo, viện nghiên cứu nên liên kết với các doanh nghiệp lớn để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, giải phóng tiềm năng, đảm bảo sự minh bạch và thuận lợi của môi trường đầu tư. Điều này luôn luôn phải có khi thu hút FDI nói chung và FDI đi kèm công nghệ cao nói riêng.