Agribank - 35 năm vững bước cùng “tam nông”
Agribank dành 30 nghìn tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho khách hàng mua nhà ở xã hội | |
Đẩy mạnh chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn | |
Agribank: Khẳng định vị thế qua những kỷ lục |
Nhân chứng sống
Dọc theo dải đất hình chữ S, chúng tôi đến với Kon Tum vào những ngày cuối tháng 3. Những đổi thay đến ngỡ ngàng đang hiển hiện. Vùng chiến địa “đỏ lửa” vì mưa bom bão đạn trước đây nay đã hồi sinh diệu kỳ. Màu xanh no ấm, trù phú đang ngày càng trải rộng trên khắp các buôn làng. Trong ngôi nhà bề thế, khang trang, người lính Nguyễn Văn Thành (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) không khỏi bùi ngùi, xúc động khi nhắc đến “người bạn đồng hành” suốt 25 năm qua.
Khoản vay “vỏn vẹn” 10 triệu đồng để đào ao thả cá đã mở đầu cho “cơ duyên” giữa ông và Agribank vào năm 2004. Năm sau, ông vay thêm 30 triệu đồng để trồng cà phê và mở rộng đầu tư vào chăn nuôi. Ban đầu chỉ vài chục con, nay gia đình ông Thành đã sở hữu trại lợn hơn 120 con nái theo quy trình sản xuất chăn nuôi khép kín. Vay và trả, có thời điểm dư nợ của ông Thành lên tới 12-13 tỷ đồng, nay chỉ còn hơn 3 tỷ đồng. Agribank chi nhánh Kon Tum luôn kề vai sát cánh dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thuận lợi hay khó khăn - đó là điều mà ông Thành trân quý nhất. Nhớ lại thời điểm làm ăn “bết bát” bởi giá cà phê rớt mạnh, lợn gặp dịch… Agribank đã giúp gia đình ông “thoát cửa tử” khi kịp thời khoanh nợ gốc, miễn giảm lãi và tiếp thêm vốn mới. Nhờ vậy, đến nay, khoản thu nhập mỗi năm trên dưới 2 tỷ đồng của gia đình ông Thành là mơ ước của bao hộ gia đình nơi đây. “Chúng tôi phải cảm ơn Agribank nhiều lắm. Nhà cửa, xe cộ có được cũng từ đồng vốn ngân hàng”, ông Thành vui vẻ chia sẻ.
Người lính Nguyễn Văn Thành - xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bên vườn cà phê xanh tốt nhờ nguồn vốn Agribank |
Còn tại vùng tiền tiêu của Tổ quốc - nơi có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, được sự đồng hành và tiếp vốn có hiệu quả của Agribank, nhiều hộ nông dân nuôi trồng thủy sản đã đổi đời. “Trong mọi thời điểm, các cán bộ Agribank Lý Sơn đều tạo điều kiện, hỗ trợ làm thủ tục vay vốn nhanh gọn. Lãi suất vay tại Agribank thấp hơn nhiều các ngân hàng khác”, ông Huỳnh Ngọc Thảo (thôn Đông, An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho hay.
Hay đến huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng ngày nay, sẽ không còn bắt gặp hình ảnh người nông dân đổ ra đồng làm việc đồng áng bằng những công cụ thô sơ, mà thay vào đó là những chiếc máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp với năng suất cao.
Trong câu chuyện về việc vay vốn ưu đãi từ Agribank Thạnh Trị để mua máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh Lâm Minh Thống (ấp Phú Tân, thị trấn Phú Lộc), vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi được Agribank Thạnh Trị cho vay 300 triệu đồng để đầu tư máy xới và được hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất từ năm thứ 3. Với chiếc máy này, tôi cùng con trai đi xới thuê, có thu nhập ổn định nên gia đình không những vượt qua khó khăn mà còn vươn lên khấm khá”.
Nơi miền xuôi, câu chuyện thoát nghèo của ông Nguyễn Chí Vinh (Mai Sơn, Sơn La) là một “nhân chứng” điển hình. Sau nhiều năm gắn bó với mảnh vườn hơn 1,2ha, nhờ có sự hỗ trợ của Agribank, ông Vinh đã thành công trong chuyển đổi sang mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đầu ra thuận lợi, giá cả ổn định đã giúp cho thu nhập từ vườn cây hàng năm của gia đình lên 500 triệu đồng. Cơ ngơi khang trang cùng chiếc ô tô là những tài sản mà ông tích lũy được chính trên mảnh vườn của mình. Đó là sự thật mà cách đây chỉ vài năm thôi, những người nông dân như ông Vinh chỉ trong giấc mơ mới thấy.
Khởi sắc nhờ đồng vốn Agribank
Từ đồng vốn của Agribank, nông nghiệp và nông thôn khởi sắc nhờ phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu. Nguồn vốn cho vay của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa như vùng cây ăn quả ở Bắc Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… vùng lúa xuất khẩu ở đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, vùng cây cao su, cây điều, cây cà phê ở Tây Nguyên; xóa bỏ cơ bản tình trạng du canh, du cư, thay đổi tập quán sản xuất, từng bước chuyển từ nền sản xuất tự cung, tự cấp thành nền sản xuất hàng hóa.
Dọc theo dải đất hình chữ S, từ miền ngược cho tới miền xuôi, hải đảo hay vùng biên cương, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hàng hóa nông sản chất lượng cao dần được hình thành từ vốn vay của Agribank.
Có thể kể đến mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ); mô hình chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai, Bình Dương); kinh doanh máy móc thiết bị nông nghiệp (Tiền Giang, Long An); nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận); trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum); trồng mía (Khánh Hòa, Tuyên Quang); trồng ngô (Sơn La); hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên; thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP (Bình Thuận)… Các mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, góp phần hình thành “làn sóng” thu hút đầu tư lĩnh vực này.
Nông dân - những người bạn đồng hành của Agribank như ông Thành, ông Vinh hay ông Thảo ngày càng “trưởng thành”. Hiện nay, nhiều nông dân đã xúc tiến bán hàng qua biên giới, tăng giá trị "xuất ngoại" của nông sản Việt. Nông dân tỷ phú cũng không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam.
Cũng nhờ thế, bộ mặt của nhiều thôn xã, làng bản đổi thay từng ngày. Giờ đây, đi khắp mọi nẻo đường vùng nông thôn điều dễ thấy nhất là hệ thống điện - đường - trường - trạm đã được đầu tư nâng cấp, nhiều con đường rực rỡ sắc hoa. Đâu đâu cũng bắt gặp những gương mặt rạng ngời, thân thiện.
Những nỗ lực không ngừng vì “tam nông” của Agribank được lãnh đạo chính quyền các địa phương ghi nhận. “Hơn bao giờ hết, vai trò bà đỡ trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn của Agribank ngày càng quan trọng. Không ai có thể thay thế được Agribank đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kể cả trước đây - hiện tại hay tương lai” - lời của ông Dương Văn Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc là sự khẳng định về vai trò, vị thế đầu tầu của Agribank đối với “tam nông”.
Kiên định với mục tiêu “tam nông” gắn với sứ mệnh của ngân hàng ngay từ những ngày đầu thành lập, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, trong suốt hành trình 35 năm dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%/năm. Hiện, trên thị trường có rất nhiều TCTD tham gia đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng thực tế, đầu tư vốn vào nông nghiệp rất khó bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh… đòi hỏi phải có thời gian, sự gắn kết và cam kết rất lâu dài.
Suốt 35 năm qua, dòng vốn của Agribank đã bền bỉ đồng hành cùng 3,5 triệu hộ nông dân. Song, đề án chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, cùng các Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.