Agribank kích hoạt các giải pháp ứng phó Covid
Các kịch bản khác nhau cho nhiều tình huống
Trước tác động rất lớn của dịch bệnh đến mọi hoạt động, Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh trong hệ thống quán triệt việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, nhằm theo dõi chặt chẽ, kích hoạt các giải pháp ứng phó theo các kịch bản khác nhau theo các cấp độ nguy hiểm của từng địa phương.
Cùng với đó, Agribank liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu các chi nhánh trong hệ thống tập trung rà soát cơ sở vật chất, nhân lực, điều kiện, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, đảm bảo phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe CBCNV, người lao động, đặc biệt tại các phòng giao dịch đang trong tâm dịch.
Cụ thể, Agribank yêu cầu các chi nhánh chủ động rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống dịch, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống; sắp xếp, hình thức làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến, luân phiên, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tránh tình trạng lây nhiễm chéo ảnh hưởng đến kế hoạch dự phòng nhân sự, đảm bảo an toàn, thông suốt mọi hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện công việc, tăng cường các hình thức họp trực tuyến, giao việc, triển khai công việc; tập trung tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, người lao động thực hiện nghiêm yêu cầu 5K theo đúng quy định.
Đặc biệt là tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch. Theo đó, các chi nhánh Agribank trên toàn hệ thống đã triển khai ứng dụng QR Code, thiết lập Điểm kiểm soát dịch Covid-19, kết hợp cùng ứng dụng Bluezone và QR Code giúp cán bộ, nhân viên, khách hàng khai báo y tế, kiểm soát việc vào, ra cơ quan.
Cán bộ Agribank làm việc trong vùng tâm dịch |
Ngoài ra, mỗi chi nhánh phải có tổ covid, tổ chức ứng trực 24/7, chủ động liên lạc, báo cáo khẩn cấp khi có ca nhiễm để có biện pháp chỉ đạo xử lý. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo từ Agribank, các chi nhánh đã và đang triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái chủ động, kiểm soát tình hình.
Còn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ đang trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, các chi nhánh thực hiện việc khai báo, xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho cán bộ người lao động, chủ động rà soát, kiểm tra, đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tại nơi làm việc, chuẩn bị sẵn sàng các phương án huy động nhân sự thích hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch với khách hàng trong trường hợp diễn biến xấu.
Đơn cử, các chi nhánh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi đang có diễn biến dịch phức tạp nhất cả nước cũng sẵn sàng triển khai các giải pháp, quy trình ứng phó, thành lập và huấn luyện các đội phản ứng nhanh để thực hiện công tác khử trùng, dịch tễ, thay ca, tiếp tục duy trì các hoạt động ngân hàng. Nhiều chi nhánh đã xây dựng kế hoạch nhập/lưu trữ hàng hóa thực phẩm, chuẩn bị trang thiết bị sinh hoạt hàng ngày, thực hiện “3 tại chỗ” đối với những phòng giao dịch có F0 và nguy cơ F0.
Hay tại Bình Dương, sau khi số lượng ca nhiễm tăng ba chữ số mỗi ngày, Agribank Bình Dương và Agribank Sóng Thần đã nhanh chóng kích hoạt tình huống khẩn cấp phòng chống dịch, chủ động phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương, sẵn sàng tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ khi có trường hợp F0 nhằm sàng lọc nhân sự có ca nhiễm Covid-19. Cán bộ tại các chi nhánh này đều được theo dõi y tế hàng ngày, ghi nhật ký lịch trình, những người tiếp xúc để cùng theo dõi.
Có thể nói nguyên tắc “nhiều vòng, nhiều lớp” để có thể kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, hạn chế thấp nhất các nguy cơ là cách Agribank đang nỗ lực tập trung cho công tác “phòng” để giảm bớt hậu quả của giai đoạn “chống” như tình hình hiện nay.
Các phòng giao dịch đều bố trí giãn cách ghế ngồi nên mỗi lần chỉ có tối đa 3 khách hàng giao dịch. Trên bàn giao dịch được trang bị có kính chắn giọt bắn, các Agribanker đều được trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và quần áo bảo hộ...
Sự quyết tâm của cán bộ, người lao động
Dịch bệnh đã gây nhiều khó khăn thử thách cho nền kinh tế và đời sống xã hội. Nhưng không vì thế mà người Việt Nam chúng ta nản lòng, ngược lại, chính những khó khăn đó đã tạo động lực to lớn để cả xã hội thích ứng, chuyển động. Những cán bộ người lao động Agribank cũng không ngoại lệ. Với mục tiêu không để phòng giao dịch nào của Agribank bị đóng cửa bởi dịch bệnh, hưởng ứng lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” dù với vô vàn nguy hiểm, nỗi lo, nhưng cán bộ Agribank đang làm việc tại các chi nhánh trên cả nước nói chung và các chi nhánh đang trong tâm dịch nói riêng đã tự trang bị cho mình một tinh thần vững vàng trước mọi khó khăn và một lòng tin quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Từ tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, chị Thúy Phương, cán bộ Agribank Chi nhánh Thành Đô chia sẻ: khác với những ồn ào náo nhiệt, những ngày này, TP. Hồ Chí Minh khoác lên mình một không gian ảm đạm và buồn. Mọi người đều ở trong nhà để tự bảo vệ mình và cộng đồng. Chỉ có những cán bộ tuyến đầu đang làm nhiệm vụ và… cả những cán bộ ngân hàng vẫn phải ra ngoài đi làm theo phân công xã hội. “Chúng tôi luôn hiểu rõ do đặc thù công việc của ngân hàng khi mà hàng ngày vẫn cần đến giao dịch, để gửi hồ sơ vay vốn, trả lãi vay, gửi tiền tiết kiệm, mở tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ…”, chị Phương chia sẻ thêm.
Cũng như chị Thúy Phương, hàng vạn cán bộ Agribank vẫn giữ vững trận địa, ngay cả tại các địa bàn đang trong vòng xoáy tâm dịch. Ai cũng cảm thấy mình có một trách nhiệm lớn lao trong việc cùng cộng đồng chống dịch, đồng thời phải duy trì hoạt động ngân hàng nhằm cung cấp vốn và sản phẩm dịch vụ cho khách hàng để phát triển kinh tế - xã hội.
Chị Kim Thư - Agribank Chi nhánh Hóc Môn tâm sự, xác định tinh thần ai cũng có thể là F0-F1 nên chúng tôi không ai bảo ai luôn xác định mình làm công việc hôm nay ở phòng giao dịch này và có thể ngày mai lại đi luân chuyển thế chỗ ở một phòng giao dịch khác vì rất có thể đồng nghiệp mình đã là F0. Sự sẵn sàng nhận nhiệm vụ, duy trì hoạt động phục vụ khách hàng dù bất cứ nơi đâu hoàn cảnh nào đã như một thông điệp nội bộ truyền đến với tất cả chúng tôi.
Có chung cảm xúc, chị Huyền Trang - Agribank chi nhánh Bình Thạnh chia sẻ, chúng tôi có những đồng đội trách nhiệm và quả cảm được bố trí khoa học và linh hoạt sẽ chung vai tiếp quản công việc cùng chúng tôi khi chẳng may ai đó bị F0, F1 hay phòng giao dịch bị phong tỏa cách ly. Đấy là sức mạnh và cũng là nội lực để chúng tôi vững vàng hơn trong thời điểm tâm dịch đang nóng từng ngày này. Bên cạnh việc đảm bảo giao dịch tại các phòng giao dịch của chi nhánh, các Agribanker tại đây còn phối hợp với Bệnh viện Thủ Đức, trao tặng xe chuyên dùng chở bệnh nhân và phối hợp cung cấp các giải pháp thanh toán, thu hộ viện phí, tư vấn cho khách hàng đến thăm khám, chữa bệnh về các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế phòng ngừa dịch bệnh.
Có được sự gắn kết đồng lòng của cán bộ, người lao động Agribank trên mặt trận nóng này, theo anh Hoàng Huy - Agribank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đó là nhờ có sự vào cuộc sát sao cùng chung “chiến hào” của Ban Lãnh đạo Chi nhánh là động lực to lớn đối với họ. “Ban Lãnh đạo đã hỗ trợ rất nhiều cả vật chất lẫn tinh thần cho anh em cán bộ tại chi nhánh trong công việc cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như thuốc men, đồ ăn uống, động viên và bố trí chia ca cán bộ hợp lý để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cán bộ ngân hàng vẫn phục vụ được bà con thành phố”, anh Huy cho hay.
Agribank hỗ trợ lãi vay và phí cho khách hàng Thực hiện chỉ đạo của NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vượt qua đại dịch Covid-19, Agribank chủ động triển khai đồng loạt các chính sách, chương trình miễn, giảm các loại phí dịch vụ và lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, Agribank miễn phí 100% dịch vụ chuyển tiền trong nước đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán tại Agribank; miễn 100% phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa; giảm 5% phí rút tiền tại ATM của ngân hàng khác; giảm 10% lãi suất thẻ tín dụng. Đây là lần thứ 5 liên tiếp Agribank chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước đó, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/07/2021. Ước tính, trong năm 2021, Agribank đã và sẽ giảm hơn 7.000 tỷ đồng tiền phí và lãi vay cho các khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên khắp mọi miền tổ quốc. PT |