Bancassurance: “Gà đẻ trứng vàng”
Bancassurance hướng đến chất lượng dịch vụ cho khách hàng | |
Bancassurance vẫn là “gà đẻ trứng vàng” | |
Điểm sáng từ Bancassurance |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh |
Ông nhận định thế nào về sự hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm?
Sự bắt tay giữa ngân hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm đã trở nên phổ biến cả ở trên thế giới và Việt Nam. Bancassurance trở thành một kênh phân phối chính và đóng góp tỷ trọng ngày càng cao bên cạnh các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống khác. Nhiều nhà băng đã đẩy mạnh, xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả bán bảo hiểm. Có thể thấy, liên tục trong thời gian qua, nhiều thương vụ hợp tác độc quyền giữa các bên đã và đang được ký kết hứa hẹn hợp tác lâu dài, bền vững, kỳ vọng mang đến cho thị trường bancassurance những con số ấn tượng hơn nữa.
Thực tế, dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm ở Việt Nam còn rất lớn. Hiện tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ (được tính bằng tổng phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP của Việt Nam) ở mức dưới 2% - thấp hơn nhiều so với mức bình quân trên thế giới là 3,3%. Tỷ lệ này cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia 4%, Thái Lan 3,4%, Ấn Độ 3,2%...
Mặt khác, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, sự đa dạng các sản phẩm bảo hiểm với những khoản phúc lợi tốt đã khuyến khích người tham gia bảo hiểm nhân thọ nhiều hơn. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các ngân hàng tiếp tục có những cú bắt tay trong thời gian tới để phân phối sản phẩm tới tay khách hàng.
Đánh giá của ông về vai trò bancassurance trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng như của các doanh nghiệp bảo hiểm?
Có thể khẳng định rằng, bancassurance mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, cả doanh nghiệp, ngân hàng và khách hàng. Trước hết, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiết kiệm chi phí xây dựng mạng lưới riêng, có cơ hội tiếp cận với tệp khách hàng của các ngân hàng, nhanh chóng gia tăng thị phần, doanh thu…
Về phía các nhà băng, trong bối cảnh ngân hàng phải tăng thu từ hoạt động phi tín dụng, kinh doanh bảo hiểm đã và đang giúp các ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu để từ đó có thêm nguồn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn có thể khai thác thêm nhiều dịch vụ khác từ tệp khách hàng của bảo hiểm. Đây là nguồn thu bền vững và ít rủi ro hơn với việc thu từ hoạt động tín dụng. Còn với khách hàng, họ sẽ có cơ hội được tiếp cận sản phẩm với nhiều kênh phân phối hiện đại, tiện lợi, ưu đãi hơn khi có nhiều lựa chọn.
Vậy nên làm gì để thúc đẩy kênh bán hàng này ngày càng phát triển, thưa ông?
Dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng không thể phủ nhận rằng hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử như các sản phẩm bán qua kênh bancassurance hiện tại chưa có đặc thù riêng, chủ yếu mới chỉ là các sản phẩm đơn giản, có sẵn của doanh nghiệp bảo hiểm. Việc thiết kế sản phẩm bảo hiểm gắn với xu hướng cá thể hoá sản phẩm tài chính để làm sao phù hợp nhất với từng nhóm đối tượng khách hàng là rất quan trọng. Các nhà băng có thể cân nhắc tạo ra gói sản phẩm gồm dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng.
Cùng với xu thế số hoá đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng, hoạt động bancassurance cũng cần được đẩy mạnh trên môi trường điện tử, tăng cường khả năng giao tiếp đa kênh, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên tư vấn về các sản phẩm bảo hiểm, ngân hàng có thể phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng có đủ năng lực bao gồm kiến thức, thông tin và kinh nghiệm. Qua đó, các nhân viên có thể đưa ra những tư vấn tối ưu và phù hợp nhất với bức tranh tài chính của khách hàng… Nhờ đó nâng cao trải nghiệm của khách hàng khi tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm, từ khâu tiếp nhận thông tin sản phẩm, hoàn thiện thủ tục mua bán tới dịch vụ chăm sóc khách hàng…
Xin cảm ơn ông!