Bancassurance vẫn là “gà đẻ trứng vàng”
Điểm sáng từ Bancassurance | |
Bancassurance: Động lực cải thiện nguồn thu | |
Ngân hàng tăng nguồn thu từ bancassurance |
Trong những năm gần đây, bảo hiểm mang đến nguồn thu lớn cho các nhà băng và trở thành điểm sáng trong kinh doanh. Đặc biệt là trong khoảng thời gian 2019-2021, hàng loạt các thương vụ bancassurance được công bố. Cụ thể như VIB, Techcombank, VCB ký độc quyền với FWD, ACB ký độc quyền với Sun Life. MSB bắt tay với Prudential...
Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết, trong quý I/2022, lợi nhuận hợp nhất của ACB khoảng 4.200 tỷ đồng, thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 1.300 tỷ đồng trong đó có sự đóng góp tích cực của bancassurance. Khoản thu phí trả từ hợp đồng bancassurance với AIA là cấu phần quan trọng giúp cho VPBank duy trì vị thế trong top đầu ngân hàng có lợi nhuận tốt.
Ảnh minh họa |
Với LientVietPostBank, năm 2021 doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của ngân hàng này đã đạt tới trên 888 tỷ đồng, trong đó phí phát sinh mới đạt 620 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020, đưa ngân hàng đứng thứ 11 về doanh thu phí mới trên tổng số 34 ngân hàng đang triển khai ở mảng này. Bancassurance đang trở thành một mũi nhọn trong chiến lược bán lẻ của LienVietPostBank, góp phần thúc đẩy cho thành công ở trục hoạt động này. Qua đó cùng đóng góp cho sức tăng trưởng tới gần 40% ở chỉ tiêu thu thuần dịch vụ năm 2021 so với năm 2020, cũng như trong tốc độ tăng trưởng lên tới 50% của lợi nhuận trước thuế năm qua.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh 2 năm qua, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã giúp các ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu để từ đó có thêm nguồn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các mảng dịch vụ này cũng giúp các nhà băng tự tin hơn với kế hoạch kinh doanh năm 2022 cho dù khó khăn đối với nền kinh tế chưa phải đã hết. Nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch ký kết hợp tác độc quyền với bảo hiểm.
Điểm danh lại, HDBank là một trong số ít ngân hàng chưa ký hợp đồng độc quyền bảo hiểm. Tuy chưa chọn được đối tác “kết hôn” nhưng ngân hàng đã nằm trong top 5 về doanh số bán chéo bảo hiểm nhân thọ. Với vị thế hiện tại, lãnh đạo HDBank cho biết ngân hàng có thể thu về khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh cho biết. “HDBank sẽ cân nhắc thời điểm cần thiết và quan trọng để mang lại giá trị tốt nhất khi quyết định chọn đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền”. HDBank cũng đặt mục tiêu đạt doanh số phí bảo hiểm năm 2022 ở mức 1.600 tỷ đồng.
Dù miếng bánh thị phần bancassurance ngày càng bị chia nhỏ khi đã có 26 ngân hàng tại Việt Nam hợp tác phát triển bảo hiểm nhân thọ dẫn đến cạnh tranh gay gắt. Nhưng theo giới chuyên môn, thị trường bảo hiểm còn nhiều dư địa tăng trưởng bởi tỷ lệ người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam còn thấp. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từ khi dịch bệnh Covid bùng phát và sự đa dạng các sản phẩm bảo hiểm với những khoản phúc lợi tốt đã khuyến khích người tham gia bảo hiểm nhân thọ nhiều hơn trong thời gian qua và cả tới đây. Theo đó, bancassurance vẫn sẽ tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà băng.
Theo thống kê, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ được tính bằng tổng phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP của Việt Nam ở mức dưới 2% thấp hơn nhiều so với mức bình quân trên thế giới là 3,3%. Tỷ lệ này cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia 4%, Thái Lan 3,4%, Ấn Độ 3,2%...
Xét về nhiều yếu tố, bancassurance mang đến lợi ích cho tất cả các bên. Về phía ngân hàng, bancassurance giúp ngân hàng có thêm sản phẩm, thêm nguồn thu nhập từ hoa hồng và phí bảo hiểm. Không chỉ thu được phí từ bảo hiểm, các ngân hàng còn có thể khai thác thêm nhiều dịch vụ khác từ tệp khách hàng của bảo hiểm. Trong cuộc đua cạnh tranh sắp tới, theo nhận định của các chuyên gia, các ngân hàng lớn sẽ có lợi thế lớn. Bởi các hãng bảo hiểm thường mong muốn hợp tác với ngân hàng lớn với quy mô khách hàng lớn. Đặc biệt đối với ngân hàng có mạng lưới rộng có lợi thế lớn cho các hãng bảo hiểm. Lãnh đạo LienVietPostBank tự tin cho rằng, với mạng lưới phủ rộng cả nước qua hệ thống bưu điện, ngân hàng có lợi thế lớn trong đàm phán gói bancassurance mới.
Tuy nhiên để khai thác hiệu quả hơn bancassurance, một chuyên gia khuyến nghị, các ngân hàng nên phối hợp sâu sát và chặt chẽ với các đối tác bảo hiểm nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng có đủ năng lực bao gồm kiến thức, thông tin và kinh nghiệm. Qua đó, các nhân viên có thể đưa ra những tư vấn tối ưu và phù hợp nhất với bức tranh tài chính của khách hàng…