Bancassurance: Động lực cải thiện nguồn thu
Ngân hàng tăng nguồn thu từ bancassurance | |
Nhiều động lực Bancassurance tiếp tục tăng trưởng | |
Bancassurance: Sau những hợp tác hiệu quả, tồn tại nào cần giải quyết để bứt phá |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh |
Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi nhanh với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia tài chính.
Ông nhìn nhận thế nào về thị trường bancassurance gần đây?
Thẳng thắn mà nói, thu từ dịch vụ nhiều năm trở lại đây ngày càng cho thấy có sự dịch chuyển tích cực, có vị thế tương đối quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Như năm 2020, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trên tổng thu nhập của các NHTM đã ở mức 11,05%. Trên thực tế, việc các ngân hàng kết hợp với các công ty bảo hiểm thực thi hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng cũng là nhu cầu cần thiết, đây cũng là một trong những hình thức đang thu hút nhiều sự quan tâm của các NHTM. Bancassurance cũng là nguồn thu tương đối ổn định so với các loại hình dịch vụ khác, ít rủi ro hơn. Có thể lợi nhuận không thật sự là quá cao nhưng rủi ro lại thấp, bù trừ cho nhau là hợp lý. Bởi thế hoạt động bảo hiểm được các ngân hàng quan tâm tới nhiều hơn cũng có lý do của nó.
Mô hình hoạt động bancassurance ở Việt Nam tương đối đa dạng, trong đó có việc thoả thuận phân phối (độc quyền hoặc không độc quyền) đang là mô hình được các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai nhiều nhất do tính đơn giản, dễ hợp tác, dễ thực hiện. Thời gian gần đây, như chúng ta thấy, các thương vụ bancassurance độc quyền ngày một nhiều hơn, giá trị lớn hơn. Như thương vụ hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền giữa Vietcombank và FWD được ghi nhận là giao dịch có quy mô kỷ lục, với khoảng 400 triệu USD; hay ACB có hợp đồng với SunLife cũng lên tới 370 triệu USD…
Vậy có thể xem bancassurance là một trong những động lực để gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng?
Trong hoạt động ngân hàng, một trong những điểm cốt lõi cần lưu ý là việc đa dạng hoá các hàng hoá, dịch vụ ngân hàng, hay nói cách khác là đa dạng hoá nguồn thu. Không phủ nhận rằng bancassurance là hoạt động góp phần làm cho dịch vụ ngân hàng đa dạng hơn, từ đó dễ dàng đem lại lợi ích cho ngân hàng, và đương nhiên phía ngân hàng cũng nhìn thấy rõ những lợi ích mà bancassurance mang lại.
Ngân hàng khi liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm có thể nâng cao thu nhập mà không cần phân bổ nhiều vốn, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cũng nhờ thế mà có cơ hội có thể tăng rất nhanh. Thêm nữa, các doanh nghiệp bảo hiểm đang có chân rết tương đối vững, các ngân hàng tương đối yên tâm vì bản thân doanh nghiệp bảo hiểm có nghiệp vụ chuyên nghiệp.
Nhận định của ông về thị trường Bancassurance thời gian tới?
Tôi cho rằng hoạt động bảo hiểm nói chung và bancassurance nói riêng sẽ còn tiếp tục phát triển trong điều kiện nền kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày một nâng cao. Đây là điều chắc chắn vì bảo hiểm ở các quốc gia khác có sự phát triển một cách rất mạnh mẽ, đa dạng chứ không bó hẹp trong giới hạn nào cả. Bản thân các ngân hàng cũng nhìn thấy thị trường bảo hiểm còn quá rộng, tiềm năng còn rất lớn, nên chắc chắn sẽ còn nhiều thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm để triển khai dịch vụ bancassurance thời gian tới.
Thêm nữa, số hoá là đòi hỏi bắt buộc trong thời đại hiện nay với hoạt động kinh doanh ngân hàng. Đây là một trong những điểm thế mạnh để hoạt động kinh doanh ngân hàng có những bước phát triển thời gian tới. Với một thị trường gần như còn đang nhiều đất trống, rõ ràng ngành Ngân hàng hoàn toàn có nhiều cơ hội để tăng trưởng và phát triển nếu số hoá nhanh chóng, bài bản, từ đó đa dạng thêm sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên các kênh số.
Hiện nay, cùng với đà phát triển của xã hội, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tương đối đa dạng rồi nhưng nếu so với thế giới thì mới chỉ là một góc, chúng ta vẫn còn rất nhiều đất để khai thác. Xu hướng số hoá hoạt động bancassurance để tích hợp cùng kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn, và nền tảng công nghệ chắc chắn sẽ là đòn bẩy cho bancassurance có sự bứt phá nhanh và mạnh hơn.
Theo ông, các ngân hàng gặp thách thức gì khi triển khai bancassurance?
Thách thức thì có nhiều, song tôi chỉ muốn nói tới hai điểm. Thứ nhất, hiện nay các sản phẩm được bán qua kênh bancassurance chủ yếu mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm khá đơn giản, các sản phẩm có sẵn của doanh nghiệp bảo hiểm, chứ chưa có những sản phẩm riêng, đặc thù cho kênh bancassurance còn hạn chế. Thời gian tới theo tôi phải có sự đầu tư, sáng tạo, thiết kế thêm những sản phẩm kết nối thực sự, riêng biệt thì hoạt động này mới mang tính kết hợp đúng nghĩa.
Điểm thứ hai tôi muốn nói tới là vấn đề nhân lực. Chúng ta thấy rằng hầu hết ngân hàng đang tận dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp bảo hiểm và nguồn nhân lực mà mình sẵn có thông qua đào tạo một cách ngắn hạn cho hoạt động bảo hiểm này thôi. Rõ ràng nếu chỉ là đào tạo ngắn hạn thì nhiều nhân viên ngân hàng nắm không vững điều kiện, mục đích, yêu cầu để triển khai bancassurance. Đây là điểm yếu còn hạn chế. Người ta nghĩ rằng nhân viên ngân hàng chỉ cần học thêm khoá ngắn hạn có thể làm được hoạt động bảo hiểm này, nhưng không phải, các ngân hàng cần phải có đào tạo bài bản hơn, từ đó hoạt động bancassurance đi vào nề nếp và có tính hiệu quả cao hơn.
Xin cảm ơn ông!