Bảo vệ động vật hoang dã: Trách nhiệm của mỗi người
Theo Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam, hiện Việt Nam là một trong số 13 quốc gia còn hổ sinh sống ngoài tự nhiên, song số lượng đang ngày càng suy giảm.
Số liệu cập nhật năm 2016 của Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết, số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam có thể chỉ còn dưới 5 cá thể và được đánh giá là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Nhiều dự báo còn nhấn mạnh rằng, sau sự biến mất của con tê giác cuối cùng năm 2010, hổ sẽ là loài thú lớn tiếp theo của Việt Nam được đưa vào danh sách tuyệt chủng trong tự nhiên.
Ảnh minh họa |
Mới đây, tại Tọa đàm: “Số phận ông Ba Mươi và tình trạng bảo tồn các loài nguy cấp ở Việt Nam”, các chuyên gia đã cảnh báo về sự tuyệt chủng của loài hổ trong tự nhiên tại Việt Nam. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm bảo tồn loài này, nhưng do nguồn lực còn hạn chế, việc đầu tư chưa đủ khiến việc bảo tồn trên thực địa còn chưa thực chất. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật còn chưa đủ mạnh nhằm xóa bỏ nạn buôn bán động vật hoang dã, bao gồm hổ. Ngoài ra, sinh cảnh sống của hổ và các loài hoang dã hiện đang bị tàn phá, gây khó khăn cho công tác bảo tồn cũng như triển vọng tái thả hổ vào tự nhiên.
Đại tá Nguyễn Văn Sáu – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường lại nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, răn đe, giáo dục có tác động rất lớn đến bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã rất nghiêm túc, nỗ lực trong vấn đề này và thay đổi một số luật liên quan đến bảo vệ rừng như phạt lên đến 15 năm tù đối với một số tội buôn bán sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Lực lượng Cảnh sát Môi trường cũng đã triệt phá được rất nhiều vụ án buôn bán động vật hoang dã và chế biến, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Tại buổi tọa đàm, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng chính thức khởi động dự án mới hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã do Liên minh châu Âu tài trợ với tổng mức kinh phí 10 triệu Euro.
Cùng chung tay bảo tồn động vật hoang dã, Tổng cục Du lịch phối hợp với WWF tại Việt Nam và Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) tiếp tục tổ chức hội thảo “Bảo vệ động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm” nhằm chia sẻ, đóng góp sáng kiến tiến tới chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã thông qua hoạt động du lịch có trách nhiệm.
Du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên luôn được xác định là một trong những sản phẩm du lịch chính, được ưu tiên phát triển. Mỗi năm, hoạt động du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng đã thu hút hơn 2 triệu lượt du khách, với doanh thu trên 100 tỷ đồng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế địa phương và hỗ trợ hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, làm thế nào để sự phát triển này không gây ra tác động tiêu cực cho thiên nhiên, đặc biệt là sự suy giảm các loài động vật hoang dã của đất nước, thì vai trò của ngành du lịch vẫn còn mờ nhạt.
Làm sao để vừa bảo vệ được động vật hoang dã lại vừa phát triển mạnh du lịch đã được các doanh nghiệp du lịch, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, truyền thông chung tay hiến kế. Đó là phát triển du lịch có trách nhiệm, đem đến lợi ích cho chính chúng ta và các thế hệ tương lai, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp du lịch về cam kết thực hiện du lịch động vật hoang dã có trách nhiệm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân và khách du lịch không tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã, thúc đẩy hoạt động bảo tồn môi trường sống cho các giống loài hoang dã - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh.