Bảo vệ lao động xuất khẩu trước rủi ro
Cầu lao động xuất khẩu tiếp tục tăng | |
Xuất khẩu lao động trái phép: Đánh cược mạng sống | |
Bài học cho những ước mơ |
Ảnh minh họa |
Hoạt động xuất khẩu lao động được đẩy mạnh trong những năm gần đây đã đem lại nhiều lợi ích, không chỉ cho người dân mà cả nền kinh tế. Lao động xuất khẩu không chỉ tạo được thu nhập lớn hơn làm việc ở trong nước, mà còn tiếp cận được với môi trường làm việc hiện đại, rèn giũa tác phong làm việc công nghiệp, tuân thủ kỷ luật, đảm bảo năng suất…
Đồng thời, nguồn thu nhập của lao động xuất khẩu cũng được gửi về ngày càng nhiều, vừa giúp đỡ gia đình và đóng góp cho thặng dư cán cân thanh toán quốc tế của đất nước…
Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trung bình trong 9 năm trở lại đây, Việt Nam đưa khoảng 80- 90 nghìn lao động/năm đi làm việc và thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài theo hợp đồng. Ước tính, mỗi năm các lao động thực tập và làm việc ở nước ngoài này gửi về cho gia đình trên 2 tỷ USD…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực và đáng mừng đó, người lao động Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, rủi ro, đặc biệt là những lao động tay nghề thấp, người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ.
Ông Flip Graovac, Trưởng đại diện Quỹ châu Á cho biết, trong 4 năm ở Việt Nam, ông đã đọc khá nhiều bài báo về những trường hợp người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc bị nhốt, giữ giấy tờ tùy thân, sống trong điều kiện khó khăn… Tình hình đó, đòi hỏi các tổ chức, cơ quan liên quan cần có những hướng giải quyết nhằm đảm bảo cho người lao động Việt Nam tại nước ngoài.
Đáng mừng là mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Quỹ châu Á đã triển khai dự án “Tăng cường bảo vệ quyền cho người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc” nhằm hạn chế tối đa rủi ro, bất lợi cho người lao động.
Dự án này hướng tới 3 mục đích: Tăng cường bảo vệ quyền lao động cho những người chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường việc tiếp cận với các cơ hội việc làm cho những lao động trở về; vận động chính sách nhằm nâng cao nhận thức cho những nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các vấn đề mà người lao động gặp phải.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khẳng định để dự án đạt hiệu quả cao, việc triển khai phải được thực hiện khoa học, bài bản. Đặc biệt, công đoàn địa phương (xã, phường) phải trực tiếp hỗ trợ người lao động có được nguồn thông tin chính xác để trách rủi ro...