Cần có quỹ đầu tư để hỗ trợ các Fintech khởi nghiệp
Fintech góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện Fintech: "Trợ thủ" đắc lực cho ngân hàng chuyển đổi số Ngân hàng “bắt tay” Fintech: Gia tăng lợi ích cho khách hàng |
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam”. |
Chiều ngày 22/11, Trường Đại học Đại Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam”.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Đại Nam, đặt vấn đề: Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và số hóa nền kinh tế hiện nay, làm thế nào có thể phát triển Fintech tại Việt Nam?
Theo TS. Lê Đắc Sơn, Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các công ty Fintech, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp đã, đang và sẽ áp dụng các sản phẩm Fintech, từ đó đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho sự phát triển của Fintech tại Việt Nam. Đồng thời, triển khai nghiên cứu và phát triển các chương trình đào tạo Fintech tại các trường đại học, trong đó Trường Đại học Đại Nam sẽ thực hiện từ năm 2024.
Ông Mukesh Pilania - Giám đốc cao cấp ngân hàng số bán lẻ Techcombank, cho biết Việt Nam là một trong những thị trường có tính cạnh tranh hàng đầu về công nghệ và tài chính ở châu Á. Nhu cầu ngày càng tăng dẫn đến sự gia tăng về số lượng các công ty Fintech cũng như số lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng. Sự xuất hiện và tăng trưởng của các công ty công nghệ tài chính đem lại tác động tích cực cũng như những thách thức đối với các ngân hàng thương mại.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết Fintech cần hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các sáng tạo tài chính trên nền tảng công nghệ bao trùm toàn bộ lĩnh vực dịch vụ tài chính và có sự tham gia của các tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và mô hình mới khác.
Theo TS. Cấn Văn Lực, lợi ích và rủi ro song hành với nhau, tuy nhiên tính tổng thể thì lợi ích nhiều hơn rủi ro. Những lợi ích của Fintech là cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng sự hiệu quả của hệ thống tài chính, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy hiện đại hóa, đổi mới sáng tạo lĩnh vực tài chính, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh lợi ích còn có những rủi ro về kỹ thuật, an toàn bảo mật thông tin, lừa đảo trực tuyến dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng khó được đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội và thách thức đối với cơ quan quản lý.
Nhằm hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam, TS. Phạm Xuân Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam kiến nghị cần phải tiếp cận Fintech bằng cách làm mới, chấp nhận rủi ro và thất thoát, cần có các quỹ đầu tư bảo hiểm để có thể hỗ trợ cho các Fintech khởi nghiệp và sáng tạo.
Theo TS. Phạm Xuân Hòe, cần có khung pháp lý cho ngân hàng số - ngân hàng kết hợp với Fintech, nghị định khung Sanbox cho cả 3 lĩnh vực Fintech là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Đặc biệt, cần có chính sách bảo vệ người dùng dịch vụ tài chính, xử lý khiếu nại nhanh và hiệu quả.
TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành là nên chuyển đổi cách tiếp cận Fintech chủ động hơn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy Việt Nam có thể dùng cách tiếp cận thử nghiệm và học hỏi để quản lý Fintech.
“Theo quan điểm của tôi, cân bằng vô cùng quan trọng, cân bằng cởi mở để thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng vẫn kiểm soát rủi ro, tức là kiến tạo phát triển nhưng vẫn phải soát được rủi ro”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, do nhiều công ty Fintech cho rằng đầu tư vào hoạt động kinh doanh nhưng không biết mình sẽ đi tới đâu.
“Bất cập hiện nay là ai biết việc nhà ấy, hệ thống ngân hàng đang có Fintech nhưng chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng, thế còn Fintech trong bảo hiểm, chứng khoán ai làm?”, TS. Cấn Văn Lực băn khoăn.
Ông Lực cho rằng cần có một cơ quan chủ trì đầu mối quản lý Fintech để đơn giản hóa thủ tục, xây dựng quy định một cách đồng bộ, nhất quán.
Bên cạnh đó, rủi ro hệ thống tài chính, bao gồm cả Fintech, sẽ do cơ quan nào quản lý, điều tiết? Do đó, cần có một khung pháp lý chung để điều tiết toàn bộ hệ thống tài chính của Việt Nam.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo Fintech tại Việt Nam theo mô hình doanh nghiệp kết hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân. Đồng thời, cần quan tâm phát triển hạ tầng số, quản lý an ninh mạng, an toàn dữ liệu...