Ngân hàng “bắt tay” Fintech: Gia tăng lợi ích cho khách hàng
Fintech: "Trợ thủ" đắc lực cho ngân hàng chuyển đổi số Fintech thâm nhập lĩnh vực chứng khoán Tài trợ cho startup công nghệ sụt giảm |
Fintech vừa là thách thức, vừa là cơ hội của ngân hàng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, cho biết công nghệ tài chính (Fintech) đã và đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một xu thế tất yếu, nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư. Sự xuất hiện của Fintech đã làm thay đổi cục diện của ngành công nghiệp dịch vụ tài chính. Những lợi thế về tốc độ, đơn giản, hiệu quả, tôn trọng quyền riêng tư và tiềm năng đã cho phép các Fintech chia sẻ với khách hàng nhiều hơn, trao cho họ quyền kiểm soát và quyết định.
TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, phát biểu khai mạc Hội thảo |
Bà Hiền cho biết trong hoạt động ngân hàng, Fintech thâm nhập vào nhiều lĩnh vực, từ hoạt động cho vay, dịch vụ ngân hàng, quản trị rủi ro, đến các giao dịch tần suất cao, dữ liệu lớn. Phần lớn các khoản đầu tư này tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa vào nhỏ với hai lĩnh vực nổi bật là thanh toán và cho vay, những lĩnh vực vốn là thế mạnh của ngân hàng.
“Không thể phủ nhận rằng Fintech đã và đang dần tạo ra những tác động rất lớn tới thị trường ngân hàng và xu hướng phát triển ngành tài chính - ngân hàng trong tương lai”, bà Hiền chia sẻ.
NGND.PGS.TS. Kiều Hữu Thiện - Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank phát biểu tại Hội thảo |
Theo đó, sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech trong thời gian qua có thể mang lại những lợi ích và rủi ro, thách thức đối với hệ thống ngân hàng. Fintech hiện đang có ảnh hưởng tới phần lớn các dịch vụ truyền thống mang tính cốt lõi của ngân hàng như huy động vốn, cho vay và thanh toán với hàng loạt công nghệ mang tính đột phá, hiện đại. Chính vì vậy, Fintech cũng chính là những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của ngân hàng, ảnh hưởng tới thị phần khách hàng của hệ thống ngân hàng.
Trình bày kết quả nghiên cứu, ThS. Vương Minh Giang, Trưởng phòng Mô hình và công cụ quản trị rủi ro, Vietcombank, nói: Bản chất và phạm vi của hoạt động và rủi ro ngân hàng theo cách hiểu truyền thống có thể thay đổi đáng kể theo thời gian với sự ứng dụng Fintech ngày càng sâu rộng. Công nghệ mới đang ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của ngân hàng. Các tác động tích cực của sự tương tác với Fintech đối với hệ thống ngân hàng được thể hiện rõ trên ba khía cạnh đó là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới và hợp tác cùng phát triển.
ThS. Vương Minh Giang, Trưởng phòng Mô hình và công cụ quản trị rủi ro, Vietcombank, trình bày kết quả nghiên cứu |
Bên cạnh đó, những rủi ro chính liên quan đến sự xuất hiện của Fintech bao gồm: rủi ro chiến lược, rủi ro hoạt động, rủi ro an ninh mạng và rủi ro tuân thủ. Những rủi ro này là không thể tránh khỏi đối với cả các ngân hàng và các công ty Fintech tham gia vào ngành tài chính.
Bắt tay cùng phát triển
Theo nhóm nghiên cứu, tại Việt Nam, từ việc cung ứng dịch vụ của Fintech, khách hàng không nhất thiết đến và sử dụng trực tiếp các dịch vụ của ngân hàng, mà khách hàng có thể vay, chi trả các dịch vụ thông qua các ứng dụng của công ty công nghệ tài chính. Mặc dù Fintech đem lại sự cạnh tranh trực tiếp nhưng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, Fintech đã tạo ra bước đột phá sáng tạo, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng một cách thuận tiện nhất với chi phí thấp nhất.
Bên cạnh nền tảng Mobile Banking, các sản phẩm, nền tảng, công nghệ do Fintech phát triển đã được các ngân hàng sử dụng thông qua mô hình hợp tác Fintech - ngân hàng, bao gồm: Các giải pháp phân tích dữ liệu lớn cho ngân hàng; ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C; công nghệ nhận diện sinh trắc học eKYC; nền tảng tiếp cận gần khách hàng hơn, nâng cao trải nghiệp khách hàng; trí tuệ nhân tạo AI.
Trong đó, thanh toán là lĩnh vực phát triển mạnh nhất của Fintech trong hợp tác với ngân hàng. Với 43 trung gian thanh toán được NHNN cấp phép, thị trường thanh toán của Việt Nam đã phát triển sôi động với sự ra đời nhiều mô hình thanh toán mới trong quan hệ hợp tác với ngân hàng, bao gồm: Ví điện tử, trung gian hỗ trợ thu hộ/chi hộ.
Toàn cảnh Hội thảo |
Một điều không thể phủ nhận là sự phát triển của Fintech cũng như ứng dụng các giải pháp và cách tiếp cận Fintech hiện đang là xu thế dẫn dắt ngành dịch vụ tài chính toàn cầu, gồm ngân hàng bán lẻ, cho vay và đầu tư, thanh toán và chuyển tiền, quản lý tài sản, bảo hiểm và giao dịch chuỗi khối blockchain. Sự phát triển của ngành Fintech ở Việt Nam cũng phản ánh những xu hướng toàn cầu này, góp phần định hình thị trường tài chính số ở Việt Nam.
Theo đó, dưới áp lực cạnh tranh của Fintech và sự dẫn dắt của Fintech trong một số lĩnh vực thanh toán, các ngân hàng buộc phải thực hiện các chuyển đổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, nhiều ngân hàng đã thể hiện sự chuyển đổi bắt đầu từ việc xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng số, một số ngân hàng đã đưa ra thị trường những sản phẩm công nghệ số và lựa chọn các giải pháp Core banking mới nhằm hỗ trợ tốt cho định hướng phát triển ngân hàng số…
Không thể phủ nhận, Fintech có những tác động tích cực đến ngành dịch vụ tài chính theo nhiều cách, từ việc nâng cao trải nghiệm khách hàng khách hàng tốt, tăng khả năng tiếp cận hệ thống tài chính, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí cho các bên tham gia thị trường và công chúng. Tuy nhiên, Fintech cũng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị chính sách, trong đó bao gồm các khuyến nghị đối với cơ quan quản lý về hoàn thiện thể chế quản lý, khuôn khổ pháp lý về đối hoạt động Fintech, cơ sở hạ tầng dữ liệu dùng chung và mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, đề tài đã đề xuất những khuyến nghị giải pháp đối với các ngân hàng thương mại và các công ty Fintech, như: tăng cường hợp tác để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp; phát triển cơ sở hạ tầng số; nâng cao chất lượng và quản trị nguồn lực; đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, an ninh mạng... để hướng tới sự hợp tác toàn diện và lâu dài của cả hai bên.