Cần giải pháp đột phá phát triển điện khí, điện gió
Tìm giải pháp để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và Hydrogen Việt Nam sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh |
Tính đến tháng 6/2024, chúng ta đã đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW); đang xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, công suất 1.624 MW, tiến độ đạt 85%; 18 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng, trong đó có 9 dự án sử dụng khí khai thác trong nước với tổng công suất dự kiến 7.240 MW và 9 dự án sử dụng LNG có tổng công suất là 16.400 MW; 3 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư, tổng công suất 4.500 MW.
Với điện gió ngoài khơi, theo Quy hoạch điện VIII, công suất đến năm 2030 đạt 6000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 - 91.000 MW. Tuy nhiên, đến nay mới có 1 dự án điện gió ngoài khơi giữa Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và đối tác Singapore nhận được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ để khảo sát và nghiên cứu tiền khả thi.
Nguyên nhân của sự chậm trễ này là thiếu hành lang pháp lý cũng như các cơ chế khuyến khích đầu tư. Như thị trường tiêu thụ điện khí LNG thiếu khung pháp lý để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các thỏa thuận về Pháp lý - Kinh tế - Thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhập khẩu LNG hiện tại còn thiếu. (Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG; cơ chế bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí); thiếu quy định bên mua điện thực hiện bao tiêu sản lượng điện đối với điện khí và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện khí sử dụng LNG.
Luật Giá hiện hành cũng chưa quy định cước phí nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa LNG thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nên cước phí này sẽ được các bên liên quan đàm phán và thống nhất, dẫn đến gặp khó khăn trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán khí LNG và điện tương ứng.
Với điện gió ngoài khơi, việc chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư còn có nhiều vướng mắc và chưa thống nhất, rõ ràng giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (tại các Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư, Luật Đất đai…). Trong đó, Luật Đầu tư năm 2020 chưa quy định rõ và cụ thể về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các cấp đối với các dự án điện gió ngoài khơi. Điều kiện đầu tư dự án điện gió đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa rõ ràng.
Công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi chưa được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tại các văn bản quy phạm pháp luật. Thiếu các quy chuẩn/tiêu chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến công tác đầu tư xây dựng cho lĩnh vực đầu tư điện gió ngoài khơi; khung chính sách giá, cơ chế giá cho điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, là những vướng mắc chung về cơ chế chính sách trong phát triển các dự án điện, như chưa có hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định, trình phê duyệt, phê duyệt bổ sung đối với các dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch; chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển các dự án điện, dự án sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo Luật Điện lực chậm được ban hành; tiến độ dự án đấu nối và truyền tải điện chậm, gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc ra quyết định và tối ưu hiệu quả đầu tư...
Bởi vậy, để có thể triển khai quy hoạch điện khí, điện gió ngoài khơi, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách; có giải pháp thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư; có quy định về điều kiện thu xếp vốn đối với các dự án không được cấp bảo lãnh Chính phủ; được thế chấp tài sản với các chủ thể trong hợp đồng mua bán LNG và mua bán điện… Đồng thời, cần nâng cấp nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước (như PVN, EVN, TKV) tương đương với bộ luật do Quốc hội ban hành nhằm bảo đảm đủ hành lang pháp lý.