Cần kiểm soát chặt việc buôn bán động vật hoang dã
Diễn biến phức tạp
Thời gian qua, cơ quan chức năng các địa phương khu vực Tây Nguyên liên tục phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển, mua bán động vật hoang dã. Trước diễn biến phức tạp này, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật như Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Công an tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm…
Cần mạnh tay với hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã |
Tuy nhiên, nhiều vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã vẫn liên tục bị các cơ quan chức năng Gia Lai phát hiện trong thời gian gần đây. Mới đây, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại phường Thắng Lợi, TP. Pleiku (Gia Lai), Đội Cảnh sát trật tự thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai phát hiện xe khách BKS 81B-002.73 có dấu hiệu nghi vấn nên yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra hành chính.
Tại hiện trường, tài xế không xuất trình giấy tờ, chống trả quyết liệt, sau đó để lại phương tiện bỏ chạy. Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện trên xe có nhiều thùng giấy dán băng keo. Trong đó, có khoảng 27kg rắn và 9kg rùa. Đội Cảnh sát trật tự phối hợp với Công an phường Thắng Lợi lập biên bản tạm giữ phương tiện, tang vật đồng thời tiếp tục làm rõ vụ việc.
Trước đó, cũng tại TP. Pleiku, Đội Quản lý thị trường số 12, thuộc Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với lực lượng cảnh sát phát hiện Nguyễn Văn Thức (TP. Pleiku) vận chuyển trái phép 3 bao tải động vật hoang dã bằng xe mô tô. Qua kiểm tra, các bao tải chứa 4 cá thể tê tê, 5 cá thể rùa và 25kg rắn… Các loại động vật trên đều thuộc nhóm động vật hoang dã quý hiếm bị cấm mua bán, vận chuyển trái phép. Thức khai báo đang vận chuyển số động vật hoang dã trên để giao cho bạn hàng.
Không những thế, thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai còn phát hiện và xử phạt một số cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép; tịch thu tang vật để thiêu hủy và thả về rừng hàng trăm cá thể động vật hoang dã các loại.
Đơn cử, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Gia Lai vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai) kiểm tra, xử phạt một cơ sở kinh doanh, nuôi nhốt động vật hoãng dã trái phép do bà Lê Thị Hạnh, xã Chư Rcăm làm chủ. Tại đây, ngành chức năng lập biên bản, tạm giữ tang vật gồm 1 tủ đông lạnh chứa 40kg thịt heo rừng, 1 cá thể nhím, 1 cá thể chồn hương, 12 cá thể rùa. Bà Hạnh đã bị xử phạt 15 triệu đồng về hành vi kinh doanh, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, cơ quan chức năng giao về cho Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa tiến hành tiêu hủy 40kg thịt heo rừng và thả các cá thể động vật hoang dã là tang vật của vụ việc về tự nhiên.
Nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm
Theo cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, hoạt động săn bắt, buôn bán, vật chuyển động vật hoang dã đang diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai vừa có văn bản về tiếp tục tăng cường việc quản lý nuôi, kinh doanh động vật hoang dã trên địa bàn.
Theo đó, Hạt Kiểm lâm các địa phương xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra các cơ sở, trại nuôi động vật hoang dã và các hoạt động săn, bẫy thú, mua bán, tàng trữ, kinh doanh trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Thống kê hiện trạng các cơ sở gây nuôi, lập danh sách và địa chỉ, số lượng loài có nguồn gốc động vật hoang dã.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi biến động các cá thể loài, xác nhận nguồn gốc nhập, xuất theo đúng quy định, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức nuôi sinh trưởng, sinh sản hợp thức hóa động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân gây nuôi động vật hoang dã đăng ký cấp giấy chứng nhận trại nuôi. Các nhà hàng, quán ăn và cửa hàng lưu niệm ký cam kết không sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã.
Liên quan đến lĩnh vực này, Chính phủ cũng đã xây dựng và ban hành Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp thay thế Nghị định số 157/2013/NĐ-CP và Điều 3 Nghị định số 41/2017/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 10/6/2019.
Theo đó, nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Nghị định cũng nêu, những hành vi thường thấy gây nguy hiểm cho rừng và con người như: đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh... có thể bị phạt từ 1,5 - 3 triệu đồng. Hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định bị phạt tiền từ 5 - 400 triệu đồng; ngoài ra còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung.
Đặc biệt, phạt tiền từ 360 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có tang vật là động vật rừng thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng 2 cá thể lớp thú hoặc từ 5 đến 6 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 6 đến 9 cá thể động vật lớp khác…