Cận tết, cẩn trọng với ‘bẫy’ du lịch giá rẻ
Theo đại diện Công an TP. Đà Nẵng, thời điểm cận Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần đã nổi lên tình trạng lừa đảo bán ‘Combo du lịch giá rẻ’. Theo đó, lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch… vào dịp Tết sắp tới, các đối tượng sử dụng thủ đoạn bán ‘Combo du lịch giá rẻ’ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là chiêu trò cũ nhưng nhiều người vẫn bị lừa, mất số tiền từ vài triệu đồng cho đến cả trăm triệu đồng bởi thủ đoạn của bọn lừa đảo ngày càng tinh vi.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng Công an TP. Đà Nẵng thấy xuất hiện một số hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả mạo các công ty lữ hành, du lịch, phòng vé máy bay để bán các tour, vé máy bay, book phòng khách sạn…
Trên thực tế, những quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn, giá siêu rẻ trên mạng và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo ‘thả mồi’ không phải chiêu trò mới của bọn lừa đảo, song vẫn có nhiều người mắc bẫy ở nhiều tỉnh, thành trong đó có TP. Đà Nẵng. Nạn nhân thường sập bẫy khi được đề nghị đặt cọc từ 30-50% giá trị để đặt phòng, đặt tour rồi chiếm đoạt.
Cận tết, cẩn trọng với ‘bẫy’ combo du lịch giá rẻ |
Câu chuyện ‘sập bẫy’ khi đặt tour du lịch giá rẻ trên mạng như trường hợp của chủ nhân trang Facebook Thanh Tran là một ví dụ. Theo đó, khoảng tháng 12/2023, Facebook Thanh Tran cho hay, anh đã gửi 35,5 triệu đồng để đặt tour du lịch Pù Luông, Thanh Hóa cho một số zalo tên Thảo Dương. Thế nhưng, sau khi chuyển tiền đến một tài khoản tên Nguyễn Thanh Tuấn tại Techcombank, anh mới phát hiện mình bị lừa nên đã tố giác đến cơ quan công an.
Đây không phải là hình thức lừa đảo mới, tuy nhiên với những thủ đoạn ngày càng tinh vi như lập các trang mạng xã hội ảo, tài khoản ảo, giả làm đại lý hoặc thậm chí còn lập các website có tên miền giống với các trang web chính thức để đăng tải bài viết quảng cáo. Khi có nạn nhân liên hệ, các đối tượng sẽ làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và yêu cầu nạn nhân đặt cọc trước hóa đơn để chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Phòng An ninh mạng Công an TP. Đà Nẵng cũng đã làm rõ đối tượng N.T.T.Trang, trú huyện Lộc Ninh, (Bình Phước) - một trong số các đối tượng sử dụng chiêu thức như trên. Cụ thể, Trang sử dụng nhiều sim rác, facebook ảo (như JP Dương, Phòng vé Bình…), zalo ảo (như Hữu An, Khánh An, Bình Hoàng Nữ...) để tham gia vào các hội nhóm du lịch, bán vé máy bay, book phòng khách sạn trên không gian mạng. Mục đích của Trang khi lên các hội nhóm này là tìm kiếm khách hàng có nhu cầu, sau đó nhắn tin tiếp cận ‘con mồi’. Khi đã nắm được sơ bộ nhu cầu của khách, Trang sẽ giả là công ty du lịch, phòng vé máy bay… rồi đưa thông tin giả mạo, tài khoản giả để du khách chuyển tiền vé hoặc tiền cọc tour du lịch, sau khi nhận được tiền, Trang cắt liên lạc.
Đối tượng lừa đảo thường chào bán các tour kết hợp với giá rẻ để dụ nạn nhân |
Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là thời điểm tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch… của người dân để chiếm đoạt tài sản. Dù đây không phải một chiêu trò mới, nhưng thủ đoạn thao túng tâm lý của các đối tượng ngày một tinh vi khiến nhiều nạn nhân vẫn bị sập bẫy. Chị Thanh T. (trú tại TP. Đà Nẵng) nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này cho biết, chị có đặt mua vé máy bay qua một Fanpage Facebook có tên ‘Sunny Travel - Vé máy bay giá rẻ’, nhưng đã bị chặn liên hệ ngay sau khi chuyển tiền thành công. Đồng thời, toàn bộ tin nhắn giao dịch giữa cả hai cũng đã bị đối tượng lừa đảo thu hồi.
Thông thường, để tạo lòng tin, các đối tượng lừa đảo còn lập các trang Fanpage giả mạo những thương hiệu nổi tiếng trên mạng xã hội để đăng bài quảng cáo, thu hút sự chú ý của người dùng bằng những hình ảnh và ưu đãi hấp dẫn. Trước việc bị giả mạo ảnh hưởng đến uy tín, nhiều công ty du lịch như: Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, Công ty cổ phần Công nghệ du lịch BestPrice, Công ty Du lịch TST Tourist,... đã phải lên tiếng về việc bị đối tượng xấu giả mạo tên thương hiệu, lừa đảo người khác gây thiệt hại đến khách hàng và uy tín của doanh nghiệp…
Dấu hiệu nhận biết các thủ đoạn lừa đảo liên quan đến du lịch giá rẻ |
Để tránh bị ‘sập bẫy’ lừa, người dân nên cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ, chỉ nên lựa chọn dịch vụ của những công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch. Đồng thời, tỉnh táo trước yêu cầu cọc giữ chỗ và website giả mạo, chỉ nên tin tưởng những trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán…
Cụ thể, theo đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Đà Nẵng, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các app du lịch (ứng dụng du lịch). Người dân cũng cần cảnh giác trước quảng cáo bán gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt cảnh giác khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ. Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch. Và khi phát hiện lừa đảo, người dẫn hãy nhanh chóng trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết.