Cắt giảm nhân sự - bài toán nan giải của doanh nghiệp
Dẫn đầu là dệt may, da giày
Dù dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát tốt, nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục trong trạng thái “bình thường mới”, thế nhưng một số bộ phận doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực dệt may, da giày đang chứng kiến làn sóng cắt giảm nhân sự lớn khi đơn hàng chưa quay trở lại.
Theo báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 77 nghìn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn các chế độ cho người lao động theo quy định, đã có trên 61 nghìn người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, có đến 66,8% số doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 đã phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động. Trong đó, một số ngành công nghiệp đang phải đối mặt với việc cắt giảm lao động là ngành da giày giảm rất sâu ở mức 61,92%, ngành dệt may giảm 42,6%, ngành dịch vụ lưu trú giảm 37,25%, ngành dịch vụ ăn uống giảm 38,23% và ngành trang phục giảm 22,63.
“Khát” đơn hàng, nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải cắt giảm hàng nghìn lao động |
Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, một doanh nghiệp có quy mô rất lớn với hơn 60 nghìn lao động, đóng trên địa bàn quận Bình Tân TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ cắt giảm khoảng 6.000 lao động. Giải thích nguyên do, đại diện công ty cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, từ tháng 3 đến nay, doanh nghiệp luôn bị giảm đơn hàng. Đặc biệt, trong tháng 6, lượng đơn hàng giảm đến 50% và tỷ lệ này tăng dần lên trong tháng 7, 8, 9. Riêng quý IV, công ty vẫn chưa có đơn đặt hàng nào từ đối tác.
Bên cạnh việc cắt giảm, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cho lao động nghỉ việc không lương, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.
Tổng công ty May 10 cũng không tránh khỏi nguy cơ phải cắt giảm nhân sự. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 chia sẻ, có thể nói, trong 74 năm công ty phát triển, 30 năm May 10 bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu đi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, đại dịch Covid-19 là một trong những biến cố lớn nhất. Vào tháng 1 - 2/2020 khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, chúng tôi chỉ lo bị đứt nguồn cung nguyên vật liệu, nhưng đến đầu tháng 3, nguồn cung bắt đầu ổn định trở lại, thì từ cuối tháng 3 liên tục nhận được thông tin từ các nhà nhập khẩu trên toàn cầu yêu cầu dừng sản xuất, những đơn hàng sản xuất xong rồi thì dừng hoặc hoãn giao hàng. Những điều khoản thanh toán trước kia đều lùi tiến độ thanh toán, dẫn đến cú sốc về thanh toán.
Với việc dừng sản xuất đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm của 12 nghìn cán bộ nhân viên. Dự báo doanh thu quý II sẽ sụt giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019, việc làm cho người lao động giảm 25% - 30% trong tháng 4, tháng 5 là 50%, tháng 6 dự kiến giảm 40% việc làm so với tổng năng lực sản xuất của May 10, ông Việt cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, đại diện Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp - Cục công nghiệp (Bộ Công thương) đánh giá, thị trường xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Trong đó, da giày và dệt may là những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất do đây là hai ngành xuất khẩu nhiều nhất sang các thị trường châu Âu, Mỹ. Ít nhất giảm 70% do bị trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, dừng tạm thời. Gần như 100% doanh nghiệp dệt may, da giày gửi báo cáo là chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động. Gần 3 triệu - 4 triệu lao động đang hoạt động trong các ngành này.
Cần có các giải pháp linh hoạt
Theo kết quả của một cuộc khảo sát về tình hình doanh nghiệp sau dịch, chi phí chi trả cho người lao động, chi phí mặt bằng, trả tiền lãi cho ngân hàng… được các doanh nghiệp đánh giá là những “gánh nặng” lớn nhất trong giai đoạn hiện tại. Theo các chuyên gia, trong giai đoạn khó khăn, việc tối ưu mọi chi phí là điều mà doanh nghiệp cần làm, đồng thời qua đó tái cấu trúc lại doanh nghiệp, định vị lại sản phẩm để có thể vượt qua khó khăn, tạo một bước tiến mới tích cực trong tương lai.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, cắt giảm nhân sự là điều cần tính đến nhưng doanh nghiệp phải tính toán một cách thật hợp lý, có kế hoạch cắt giảm rõ ràng và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Không thể vì khó khăn mà cắt giảm ồ ạt, tuy giải quyết được gánh nặng trước mắt nhưng khi tình hình sản xuất trở lại bình thường, việc tuyển dụng, đào tạo lại gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là đối với lĩnh vực dệt may, da giày, người lao động có tay nghề lâu năm, tay nghề giỏi rất khó tìm.
Vì vậy, tùy tình hình cụ thể của doanh nghiệp, có thể thương lượng với người lao động để cho tạm dừng làm việc, hoặc cắt giảm giờ làm, luân phiên làm. Đồng thời có những cam kết để giữ chân người lao động trở lại khi tình hình sản xuất bình thường.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy cho rằng, các doanh nghiệp phải linh hoạt để tìm mọi cách vượt qua khó khăn. Hiện có nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Thị trường tiêu thụ nội địa với gần 100 triệu dân, dân số trẻ cũng là một cơ hội, lợi thế lớn của các doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp Việt nên tận dụng tốt những cơ hội này để cơ cấu lại nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm. Cùng với đó, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp - Cục Công nghiệp đang tăng cường những giải pháp hỗ trợ qua việc tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và tìm kiếm đầu ra mới cho sản phẩm.
Ông Thân Đức Việt chia sẻ, ngay từ trong dịch, May 10 đã thích ứng nhanh bằng cách chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế, qua đó, cơ bản vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập tốt cho người lao động. Đặc biệt, có đối tác đã ký hợp đồng ngắn hạn 2 năm đối với sản phẩm này.
Cũng với cơ hội này, trong dài hạn, May 10 quyết định sẽ “lấn sân” sang lĩnh vực trang thiết bị y tế như khẩu trang, bộ đồ phòng chống dịch, đồng phục bệnh viện, ông Việt cho biết thêm.