Chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2/9: Văn Cao và bài ca của dân tộc
Nhạc sĩ Văn Cao |
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng. Ông thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, từng tham gia nhóm Đồng Vọng, sáng tác các ca khúc trữ tình lãng mạn, đáng chú ý nhất là “Bến xuân”, “Suối mơ”, “Thiên thai” và “Trương Chi”. Với tài năng của mình, Văn Cao nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt tiên phong, nổi bật nhất của trào lưu lãng mạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là để lại những dấu ấn mang tính khai phá của ông trong tân nhạc Việt. Sau khi gia nhập Việt Minh, Văn Cao chủ yếu viết về nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng như “Tiến quân ca”, “Trường ca Sông Lô”, “Tiến về Hà Nội”... vì vậy ông đã trở thành một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc kháng chiến.
Văn Cao là một tài hoa thiên bẩm, nhạc sĩ của nhiều nhạc phẩm rung động lòng người, những ca khúc trở thành một phần trong tài sản tinh thần của biết bao thế hệ người Việt. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, những tác phẩm của Văn Cao được quảng đại quần chúng ưa thích, bất kể nó là tình khúc hay ca khúc.
Với “Tiến quân ca”, Văn Cao đã thực sự bộc lộ rõ tài năng của mình. Theo PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, trong “Tiến quân ca” tinh thần dân tộc được kết tinh qua giai điệu, lời ca. Âm nhạc ấy, được bao thế hệ người dân Việt Nam hát vang đầy tự hào, đặc biệt là chiến sĩ đồng bào đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng hát, từng nâng niu trân trọng như một vật báu của dân tộc.
Khi sáng tác ca khúc này vào tháng 10/1944 Văn Cao mới bước vào tuổi 21. Đó là phút giây lóe sáng, thể hiện tài năng đích thực của Văn Cao, nhất là trong bối cảnh đất nước hồi ấy còn vô vàn khó khăn.
Bây giờ, khi “Tiến quân ca” đã 79 tuổi và đã 28 năm nhạc sĩ Văn Cao trút hơi thở cuối cùng (10/7/1995), thì những ký ức về Văn Cao cùng bản hùng ca bất tử này vẫn còn tươi nguyên trong trí nhớ của những người thân.
Nhà thơ Nghiêm Bằng - con trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ: Lúc sinh thời, mỗi khi bài “Tiến quân ca” vang lên, Văn Cao thường nghĩ đến người bạn, người anh và cũng là người lãnh đạo đầu tiên, trực tiếp giác ngộ ông vào Việt Minh hồi năm 1944 tại Hà Nội. Người đó là Vũ Quý - một huấn luyện viên bơi lội, bấy giờ là lãnh đạo trong Ban cán sự TP. Hà Nội. Khi đó Văn Cao vừa từ Hải Phòng lên, chưa có việc làm. Sau khi hỏi thăm, Vũ Quý đã nhận Văn Cao vào tổ chức Việt Minh, và giao nhiệm vụ cho Văn Cao sáng tác ngay một bài hát để hát trong ngày ra đời sắp tới của một đội quân vũ trang khóa quân chính kháng Nhật trên chiến khu Trần Hưng Đạo…
Mấy ngày sau, gặp lại Vũ Quý, Văn Cao lấy cây đàn ghi ta vừa đệm vừa hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, ông đề nghị Văn Cao chép lại cho ông một số bản để chuyển lên chiến khu. Sau đó, Văn Cao được Vũ Quý giao nhiệm vụ cùng với Nguyễn Đình Thi sang hoạt động bên Đảng Dân chủ. Văn Cao chịu trách nhiệm phụ trách nhà in bí mật Phan Chu Trinh, trình bày báo Độc Lập và in tài liệu cho mặt trận Việt Minh. Vì người thợ nhà in không viết được nốt nhạc, tháng 11/1944 Văn Cao phải trực tiếp xuống cơ sở in bí mật tại làng Bát Tràng, tự tay viết bài “Tiến quân ca” lên đá, in trên trang văn nghệ của tờ báo Độc Lập số đầu tiên. Bài “Tiến quân ca” ra đời, và đã được phát hành rộng rãi.
Cuộc đời Văn Cao nếu viết hồi ký cũng sẽ có rất nhiều chuyện mà thế hệ sau muốn biết. Nhưng sinh thời Văn Cao không xuất bản cuốn hồi ký nào. Ông chỉ viết nhạc, làm thơ, vẽ tranh và phần nhiều là ngồi lặng im, như bất động, trong căn phòng khách thiếu ánh sáng ở 108 Yết Kiêu (Hà Nội).
Nhưng có những câu chuyện cần thiết, ông cũng đã viết ra, rất rõ ràng. Như đoạn hồi ký ông viết ngày 7/7/1976 để trả lời câu hỏi, tại sao viết “Tiến quân ca”? Chỉ qua dăm trang giấy thôi, nhưng Văn Cao đã kể tường tận nhiều chi tiết, kể rõ bối cảnh sáng tác và những nét nhạc đầu tiên, cho người ta thấy rõ chỗ ông ngồi viết đó là “bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, mấy làn cây và một khoảng trời xám” ở số 45 Nguyễn Thượng Hiền vào tháng 10/1944. “Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen, tôi cố tìm một cái gì đó để nói. Tìm một âm thanh đầu tiên. Những phố quen thuộc ấy thường không vang một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hàng ngày. Hôm nay phố đông người hơn và lòng tôi thấy vui hơn. Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị làm bài hát. Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới khi đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ, những bộ xương khô đét loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một ống sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái, nó khoảng lên ba, tôi ngờ như đã gặp cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ lạc, cũng không phải cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định, Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về căn gác, tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”…”, Văn Cao viết.
“Tiến quân ca” ra mắt lần đầu tại quảng trường Nhà hát lớn trong cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của nhân dân Hà Nội ủng hộ mặt trận Việt Minh ngày 19/8/1945.
Ngày 2/9/1945, Văn Cao cũng vô cùng xúc động khi tại quảng trường Ba Đình, hàng triệu quần chúng nhân dân đã hát vang bài “Tiến quân ca” trong lễ chào cờ tại buổi Lễ tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đến tháng 3/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 1, “Tiến quân ca” chính thức được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và được ghi vào Hiến pháp năm 1946.
Ngày 15/7/2016, ca khúc “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam, trở thành tài sản chung của dân tộc.