“Chìa khóa” giúp đổi mới sáng tạo thành công
Phát triển đội ngũ cố vấn từ địa phương
Chia sẻ tại Diễn đàn “Tư duy mới và kết nối cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, nằm trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp quốc gia năm 2020, ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (VSMA) cho rằng: Cố vấn khởi nghiệp là một trong những cấu phần không thể tách rời của hệ sinh thái khởi nghiệp. Nó sẽ đóng vai trò là “bà đỡ” cho các DN khởi nghiệp.
Bên cạnh những cố vấn có rất nhiều kinh nghiệm như doanh nhân đã thành công, các nhà chuyên môn có kinh nghiệm về công nghệ kỹ thuật sẽ tìm ra những giải pháp về mô hình kinh doanh, kỹ thuật, công nghệ. Đó là những nguồn lực rất lớn để thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST thành công.
Toàn cảnh diễn đàn |
Đặc biệt, theo ông Thắng, trong một phạm vi nào đó, các nhà cố vấn cũng có thể trở thành các nhà đầu tư “thiên thần”. Họ có nguồn lực rất lớn, là vốn mồi để DN khởi nghiệp tiếp cận hoặc làm ra những sản phẩm thử nghiệm để đánh giá thị trường.
Dưới góc độ của địa phương, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Quảng Nam hiện đang có rất nhiều lợi thế cả về tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng giao thông, địa danh du lịch nổi tiếng… để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, Quảng Nam đang rất cần đổi mới sáng tạo và một trong những thành tố quan trọng đó là một đội ngũ cố vấn để ĐMST có thể đi đúng hướng, vào những ngành mũi nhọn, trọng tâm, trọng điểm.
Nhìn nhận thực trạng về đội ngũ cố vấn ĐMST ở các địa phương, ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết: Đội ngũ tư vấn hiện không có nhiều và không có sẵn. Ở địa phương, có những người thành công nhưng không muốn quay trở lại làm, có những người muốn chia sẻ kinh nghiệm nhưng không tìm được người tư vấn, nhu cầu giữa hai đối tượng này vô cùng phong phú.
Ông Nguyễn Hữu Đoan - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương nhận định: Đội ngũ cố vấn hiện nay rất phong phú và hiệu quả. Đơn cử như ở Hải Dương, hiện nay đang có 16.000 DN, trong đó có 4.000 giám đốc phát triển rất mạnh, đội ngũ này luôn tâm huyết và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ những người mới khởi nghiệp ở địa phương.
Bên cạnh đó, Hải Dương cũng tích cực mở các lớp bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên, rà soát, lấy ý kiến thăm dò của các DN có điều kiện, khả năng sẵn sàng tham gia cố vấn địa phương. Đồng thời, bên cạnh đội ngũ tư vấn địa phương, theo ông Đoan, cần nhờ đến cố vấn khởi nghiệp quốc gia ở các địa phương khác nhằm có những điều kiện tốt nhất hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ở địa phương.
“Thời gian qua, chúng tôi đi sâu vào việc hỗ trợ đào tạo về quản trị DN, đó là yếu tố đầu tiên nếu như muốn hướng tới ĐMST. Vì vậy, chúng tôi rất coi trọng đội ngũ tư vấn trong việc hỗ trợ các DN, sinh viên trên địa bàn tỉnh về vấn đề này”, ông Đoan chia sẻ thêm.
Kết nối nguồn lực để thành công
Theo ông Đàm Quang Thắng, chính sách về khởi nghiệp ĐMST hiện nay ở Việt Nam đã có rất nhiều sự hỗ trợ cho cộng đồng DN. Đặc biệt là việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực các huấn luyện viên, xây dựng hệ thống các nhà đầu tư “thiên thần”, xây dựng cộng đồng cố vấn.
Hệ sinh thái của Việt Nam mặc dù còn non trẻ nhưng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, được thế giới công nhận và được thể hiện trong xếp hạng bảng chỉ số ĐMST.
“Quan trọng nhất bây giờ phải kết nối được nguồn lực của các bộ, ngành để tập trung hỗ trợ đúng đối tượng, từ đó phát huy được thế mạnh của từng DN. Thông qua đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ có được nhiều giá trị hơn khi chúng ta khai thác được các nguồn lực của các bên liên quan”, ông Thắng nhận định.
Trước yêu cầu cấp thiết về ĐMST, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã thông qua nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, hỗ trợ tiền để người dân ĐMST và khởi nghiệp.
“Tỉnh sẵn sàng có nguồn lực, tuy không nhiều nhưng rất muốn thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp trong nhân dân. Tuy nhiên, muốn thành công thì cần một lộ trình cụ thể và một đội ngũ cố vấn về vấn đề này”, ông Bửu nhấn mạnh.
Tại Hải Phòng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết đã tích cực xây dựng đội ngũ tư vấn từ địa phương, liên kết với cộng đồng DN, thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức DN, tìm những DN sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng tham gia. Đồng thời tăng cường tập huấn cho đội ngũ tư vấn này bằng cách mời các chuyên gia từ các tổ chức nước ngoài.
Ông Tuấn cũng cho biết tương lai hướng tới sẽ thành lập một cộng đồng đội ngũ tư vấn về khởi nghiệp ĐMST, phát triển rộng rãi trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia 2020, CLB Đầu tư Khởi nghiệp Công nghiệp số Việt Nam (VDI) đã chính thức được ra mắt. Trong kế hoạch của CLB, ngoài các hoạt động tư vấn và đầu tư cho các startup, VDI mong muốn sẽ tập trung vào 2 hoạt động là kết nối và chia sẻ giữa các nhà đầu tư, các startup, các quỹ đầu tư, các chuyên gia công nghệ, chuyên gia tài chính, chuyên gia quản trị, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… Bên cạnh đó, VDI sẽ chú trọng đến việc bảo vệ bản quyền về trí tuệ, về các ý tưởng cho các startup, đảm bảo các startup khi đến với VDI thì các ý tưởng về sản phẩm, giải pháp… đều được bảo vệ. Ngay trong giai đoạn trước mắt, các thành viên câu lạc bộ cam kết đầu tư với mức ban đầu trên 6 triệu USD. Điểm khác biệt của VDI so với các câu lạc bộ đầu tư khác đó là VDI định hướng đầu tư và tư vấn chuyên biệt cho các startup công nghệ và startup chưa ứng dụng công nghệ để Việt Nam phát triển lực lượng DN số ngày càng lớn mạnh, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là CLB đầu tiên chuyên về đầu tư khởi nghiệp công nghệ số tại Việt Nam, quy tụ các nhà đầu tư, các doanh nhân và tập đoàn lớn cùng các quỹ đầu tư công nghệ. |