Chiến lược mới của các quỹ đầu tư: Sàng lọc startup tốt để rót vốn
Chiến lược từ quỹ đầu tư mạo hiểm để các startup lớn mạnh |
“Bùng nổ” quỹ đầu tư mạo hiểm mới
Mới đây, Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners (Touchstone) đã chốt được hơn một nửa trong quy mô 50.000.000 USD, các lĩnh vực được Touchstone chú ý đầu tư hiện tại bao gồm fintech, bất động sản, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục và những sáng kiến công nghệ giúp nâng cao hiệu quả các chuỗi giá trị của các ngành quan trọng như sản xuất và nông nghiệp.
Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc điều hành Touchstone cho biết, quỹ muốn đẩy mạnh sự phát triển tích cực của xã hội và thiết lập những tiêu chuẩn cao cho đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, tạo cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup) bằng việc ưu tiên sự hợp tác lâu dài, công bằng, minh bạch.
Cùng lúc này, quỹ đầu tư mạo hiểm mới có tên Ascend Vietnam Ventures (AVV) được ra mắt. Đại diện quỹ này cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã phát triển và họ cần thay đổi chiến lược của mình để bắt kịp xu thế mới. Trong 3 năm tới, quỹ này dự kiến đầu tư từ 500.000 USD – 2.000.000 USD vào 25 startup công nghệ tại Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực gồm tài chính, giáo dục, y tế, năng suất lao động…
Bên cạnh các quỹ đầu tự mạo hiểm mới thành lập, theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 180 quỹ đầu tư, một số quỹ đầu tư mạo hiểm có tên tuổi lớn đang hỗ trợ tích cực cho cộng đồng startup tại Việt Nam như Dragon Capital, Mekong capital, IDG Ventures VietNam, CyberAgent Ventures (CAV), DFJ VinaCapital , Kusto Việt Nam, IDG Venture, ESP Capital, FPT Venture, Golden Gate Venture, Vina Capital Venture…
Để tạo điều kiện cho các quỹ hoạt động hiệu quả, trong thời gian qua, Chính phủ luôn nỗ lực nhằm kiến tạo một môi trường thuận lợi nhất, nơi các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và nhà đầu tư có thể hợp lực tạo nên những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang bước vào thập kỷ mới với nhiều kỳ vọng phát triển. Hiện, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020 do Startup Blink-Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Tất cả những nhân tố này là cơ sở quan trọng để các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm mới hình thành và đi vào vận hành cùng hỗ trợ các nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup). Đây cũng là cơ hội mà mọi startup đều mong muốn có được khi bắt đầu với một dự án startup.
Chiến lược tăng sức cho startup
Theo báo cáo quý I/2021 mới được Nextrans - Quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc công bố, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021 ghi nhận có 16 thương vụ đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các startup Việt Nam với tổng giá trị các khoản đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD. Nhìn theo tiến trình phát triển thì trong những năm tiếp theo, giá trị các thương vụ đầu tư sẽ còn tiếp tục cao hơn nữa theo hướng đi lên.
Nhiều chuyên gia thừa nhận, các quỹ đầu tư đều đang dồi dào nguồn lực, không khó để tìm kiếm các startup tại Việt Nam nhưng tìm được startup đủ tốt để đầu tư thì không dễ. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, việc tìm kiếm đối tượng để đầu tư càng trở nên khó khăn hơn, vì số lượng startup không còn nhiều như trước, lĩnh vực hoạt động của startup cũng bị thu hẹp. Startup nào chống chọi được với dịch bệnh để tồn tại sẽ là ứng viên tiềm năng, xứng đáng để đầu tư.
Để giúp các startup có đủ vốn theo nhu cầu và đúng thời điểm, nhiều quỹ đầu tư đã thay đổi xu hướng tiếp cận. Trong khi tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, thay vì phương thức tiếp cận truyền thống, các quỹ đã ưu tiên startup trực tiếp nộp hồ sơ về website chính thức của quỹ hoặc thông qua mối quan hệ cộng đồng startup. Thông qua hình thức này, các quỹ sẽ tối ưu hóa thời gian và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Việc không giới hạn ngành hay lĩnh vực đầu tư được coi là chiến lược của các quỹ đầu tư mạo hiểm để vừa hỗ trợ đa dạng các startup vừa phân tán rủi ro trên thị trường. Đơn cử như Nextrans (Hàn Quốc) tập trung tìm kiếm các startup có yếu tố công nghệ với tốc độ tăng trưởng cao, thể hiện qua danh mục đầu tư khá đa dạng, gồm edtech (công nghệ giáo dục), proptech (công nghệ bất động sản), medtech (công nghệ y tế), SaaS (phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm), OTA (đại lý du lịch trực tuyến), logistics...
Bên cạnh đó, thay vì đối đầu, các quỹ đầu tư mạo hiểm lựa chọn hợp tác để cùng giúp đỡ startup. Theo đại diện Nextrans lý giải, mỗi quỹ đầu tư thường tập trung vào một giai đoạn phát triển của startup. Các quỹ cũng có thể cùng đầu tư trong một vòng để giảm rủi ro.
Với nhiều giải pháp và chiến lược được các quỹ đầu tư mạo hiểm đưa ra, giới chuyên gia kỳ vọng, số lượng thương vụ và giá trị đầu tư vào các startup Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.