Chuẩn bị hành trang lên cao tốc EVFTA
Xuất khẩu sang EU nhờ EVFTA: Cơ hội lớn nhưng khởi đầu sẽ chật vật | |
Thay đổi để thích ứng với EVFTA | |
EVFTA tác động thế nào đối với ngành dệt may |
Cơ hội lớn nhưng không dành cho tất cả
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, trước đây hội nhập thương mại quốc tế thường dựa trên những quy tắc đa phương. Nhưng trong giai đoạn gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước đã thay đổi cơ bản. Ngoài việc áp dụng quy tắc đa phương còn có hợp tác giữa khu vực với khu vực, hoặc giữa một nước với một khu vực, hoặc một nước với một nước, tức là có những quan hệ chặt chẽ hơn ở góc độ song phương. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính là kết nối trực tiếp giữa hai nền kinh tế EU và Việt Nam. Vì vậy FTA này được ví với hình tượng đường cao tốc, thể hiện đây là sự hợp tác ở cấp độ cao hơn rất nhiều so với kết nối thông thường, với những tiêu chuẩn rất cao.
Trên thực tế, thị trường EU là một trong những thị trường quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm khoảng 18-19% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tuy nhiên, trong năm vừa qua khi thương mại thế giới có nhiều biến động khó lường, tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã không giữ được tốc độ như kỳ vọng, tỷ trọng hàng hoá sang thị trường này cũng giảm nhẹ. Điều đó cho thấy các ưu đãi và chính sách hiện tại vẫn chưa được sử dụng tốt để mở rộng thị trường EU một cách bền vững. Theo ông Thái, một trong những ưu đãi để chúng ta tận dụng đưa hàng hóa vào EU chính là ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tới đây, việc thực thi EVFTA sẽ giúp cho DN chuyển đổi từ ưu đãi ngắn hạn sang ưu đãi dài hạn hơn.
EVFTA có hiệu lực sẽ có nhiều cam kết làm thay đổi quy định pháp luật liên quan đến các vấn đề như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... |
“Hiện nay, dịch Covid-19 đang hoành hành nên nhu cầu thị trường bị giảm sút. Tuy nhiên, sau khi dịch đi qua thì nhu cầu còn lớn hơn nữa. EVFTA có hiệu lực vào thời điểm đó thì sẽ là một cú hích rất tốt”, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích.
Ví như đường cao tốc song bà Trang chỉ ra không phải loại xe nào cũng đi được trên con đường này. Hay nói cách khác không phải DN nào cũng có thể tận dụng được cơ hội từ EVFTA mà phải có sự chuẩn bị để đáp ứng những điều kiện nhất định. Đa phần DN sẽ mất chi phí nào đó cho việc điều chỉnh sản xuất của mình, cũng như thay đổi để đáp ứng với điều kiện nhất định. Đó là chưa kể, đối với một đường cao tốc thì phải có chi phí vận hành, ngoại trừ những trường hợp ưu tiên.
Hơn thế là những cơ chế chính sách từ phía cơ quan quản lý nhà nước để vận hành, bảo dưỡng và duy trì đường cao tốc. “Hiệp định mới là đường cao tốc mới, chúng ta cần điều chỉnh cách làm để phù hợp với hạ tầng mới, thì mới tận dụng được tốt hơn những cơ hội và nền kinh tế của chúng ta phát triển dài hạn”, ông Thái khẳng định.
Sớm chuẩn bị để không lỡ thời cơ
Chia sẻ góc nhìn của cộng đồng DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang kỳ vọng cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hỗ trợ 3 vấn đề. Thứ nhất, việc ban hành các văn bản quy tắc xuất xứ. Thời gian qua công tác này đã được xúc tiến từ rất sớm, các cơ quan Nhà nước đang cố gắngđể thông tư có hiệu lực đồng thời với Hiệp định.
Ở chiều ngược lại, bà Trang cho rằng cũng cần quan tâm tới quy định xuất xứ đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam. Thông thường chúng ta ít quan tâm chiều này nhưng đối với nhiều DN, đây là phần lợi ích cực kỳ lớn. Đặc biệt đối với những DN nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ từ EU để làm đầu vào cho sản xuất ở Việt Nam. Những quy định pháp luật từ phía Việt Nam phải làm sao để tiếp nhận hàng hóa có xuất xứ của EU được nhanh chóng, hưởng thuế ưu đãi thuận lợi, sẽ hỗ trợ rất lớn cho các DN sản xuất.
Vấn đề thứ hai cần quan tâm là làm thế nào để DN hiểu được quy tắc xuất xứ với nội dung rất khó và nhiều chi tiết. Với CPTPP, Bộ Công thương đã tổ chức rất nhiều hội thảo, khóa đào tạo để hướng dẫn về các vấn đề của CPTPP, trong đó có vấn đề về quy tắc xuất xứ, song theo bà Trang là vẫn chưa đủ, do thời gian của các khóa đào tạo rất ngắn. Thêm vào đó, cần có những bản hướng dẫn cụ thể bằng văn bản, giống như những quyển sách cẩm nang để các DN có thể tra cứu. Nếu có vướng mắc cụ thể thì hỏi các cơ quan, như vậy sẽ tốt hơn.
Thứ ba, trong các vấn đề về quy tắc xuất xứ, văn bản bao giờ cũng đi sau thực tế. Do đó, chắc chắn sẽ xảy ra các vấn đề mà văn bản chưa lường trước được. Bà Trang kiến nghị các cơ quan quản lý có bộ phận trực phản ứng nhanh, nếu DN có phản ánh gì thì ngay lập tức chúng ta có thể tháo gỡ trong từng trường hợp cụ thể.
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho cộng đồng DN, để tận dụng được những ưu đãi của EVFTA, cần chấp nhận mất chi phí ban đầu. Hiện nay có những DN đang làm được và họ sẽ tiếp tục được hưởng lợi mà không mất thêm chi phí đầu tư, song đó là nhờ họ đã đầu tư từ trước để thay đổi. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, sẽ có nhiều cam kết làm thay đổi thể chế, tiêu chuẩn, quy định pháp luật liên quan đến các vấn đề như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… Tất cả những vấn đề đó sẽ làm cho chi phí của DN tăng lên.
Từ phía các DN châu Âu, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã nêu lo ngại rằng quá trình thực thi CPTPP đã có chậm trễ do Việt Nam phải mất khoảng 10 tháng để hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hoá, về các hướng dẫn rõ ràng yêu cầu tài liệu đối với hàng hoá trung chuyển qua một quốc gia thành viên khác trong CPTPP.
Vì vậy, để kịp thời tận dụng ngay các lợi ích mà EVFTA mang lại, Eurocham khuyến nghị các cơ quan quản lý của Việt Nam cần sớm hoàn thiện văn bản pháp lý, trong đó tập trung vào ban hành Biểu thuế ưu đãi đặc biệt để giảm thuế theo lịch trình đã cam kết; hướng dẫn cụ thể về tài liệu và hồ sơ để DN có thể hoàn thành thủ tục thông qua và giảm thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực; hướng dẫn thực hiện quy định và hướng dẫn về quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá được vận chuyển qua các cảng trung gian ở quốc gia thứ 3 của thoả thuận EVFTA...