Chung cư mini: Bất cập từ quản lý, thực thi pháp luật
Tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng chung cư mini vẫn được chọn lựa Thị trường thuê mua nhà chung cư mini có chuyển dịch sau vụ cháy? TP.HCM tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy chung cư mini |
Văn bản “nóng” này được gửi đi khẩn cấp sau khi vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra ở chung cư mini cao 9 tầng tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội xảy ra đêm 12/9 vừa qua, khiến 56 người tử vong, hàng chục người khác bị thương và hủy hoại nhiều tài sản, vật dụng có giá trị.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật về nhà ở đã có quy định rất cụ thể, rõ ràng đối với nhà ở riêng lẻ được thiết kế, xây dựng có từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có diện tích sàn mỗi căn hộ từ tối thiểu 30m2 trở lên và việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở này phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng. Cụ thể, Luật Xây dựng 2014 đã quy định công trình xây dựng, trong đó có nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị, phải được các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở trung ương, địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ…
Chung cư mini là loại hình nhà ở tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mà người sử dụng không khó nhận ra |
Trước đó, hàng loạt các quy định có liên quan đến an toàn xây dựng, phòng cháy chữa cháy, cũng như hình thức xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực này cũng đã được Chính phủ đưa ra như Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, Nghị định số 121/NĐ-CP, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 và Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022… Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua ở một số địa phương tại khu vực đô thị hoặc các khu dân cư gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế... xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở hoặc xây dựng nhà ngăn phòng cho thuê để ở không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, phòng cháy chữa cháy như xây dựng không theo quy hoạch, xây dựng không phép, sai phép, xây dựng nhà ở không đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, tự ý thiết kế nâng tầng bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ nhằm mục đích cho thuê, mua bán, chuyển nhượng...
Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy như gia tăng mật độ dân số, gây quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông, không bảo đảm vệ sinh môi trường làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, phá vỡ quy hoạch, xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán do không cấp được Giấy chứng nhận quyền sở hữu... Đặc biệt là vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư mà nhiều vụ cháy khu nhà trọ cho thuê, chung cư mini liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức nào về số lượng các chung cư mini cho thuê, do các căn hộ này ban đầu xin cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ, nhưng sau đó chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, ngăn chia thành các phòng khép kín cho thuê hoặc bán nên rất khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng. Công an TP. Hồ Chí Minh thông tin, trên địa bàn hiện có khoảng 42.200 nhà trọ cho thuê kiểu "chung cư mini", đa số có trang bị hệ thống chữa cháy nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ cháy nổ, do sử dụng nhiều thiết bị điện không đúng cách. Căn hộ không được trang bị hệ thống chữa cháy hoặc có nhưng chưa kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ.
Theo một số chuyên gia, các quy định hiện hành chưa có khái niệm chung cư mini. Loại hình này tương đồng mô hình nhà trọ xây từ hai tầng trở lên, có nhiều căn hộ, lối đi, cầu thang chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng cho các hộ gia đình. Đa số nhà trọ như trên được lắp hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, tiềm ẩn nguy hiểm nhất là các nhà cho thuê cao tầng có hầm giữ xe và không được thiết kế lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy và giải pháp an toàn.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, tình trạng phát triển tự phát “nở rộ” chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát có nguyên nhân chính bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân, dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép, sai phép các chung cư mini, cùng sự yếu kém trong công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở.
Thực tế hiện nay, tại các khu vực đô thị của một số địa phương đã xuất hiện tình trạng một số hộ gia đình, cá nhân lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã tự ý xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ, mà không tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cũng đã có cán bộ chính quyền cấp cơ sở thoái hóa biến chất, tiếp tay, bao che cho các công trình chung cư mini trái phép. Ngoài ra, các đầu nậu và một số doanh nghiệp móc nối với hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các công trình trái phép, bất chấp quy định pháp luật về xây dựng và an toàn, phòng cháy chữa cháy.