Chứng khoán tuần qua: Lần đầu tiên kể từ 2009, VN-Index giảm điểm sau 2 tháng đầu năm
Chứng khoán chiều 28/2: Bộ đôi cổ phiếu SHB và SHS dẫn dắt thị trường | |
Chứng khoán đi về đâu trước đại dịch Covid-19 |
Diễn biến VN-Index tuần qua (24- 28/02) |
Kết thúc tuần cuối cùng của tháng 2, VN-Index giảm 50,90 điểm (tương đương 5,45%) với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng điểm, đóng cửa ở mức 882,19 điểm.
Như vậy, với việc sụt giảm quá mức như trên, lần đầu tiên kể từ năm 2009, VN-Index đã ghi nhận đà sụt liên giảm liên tiếp trong 2 tháng đầu năm.
Về mặt xu hướng, trái ngược với nhận định của nhiều công ty chứng khoán, VN-Index đã xuyên thủng một cách dễ dàng và dứt khoát vùng giá 925-930 điểm, vốn được duy trì trong suốt 2 tuần vừa qua trước những biến động tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới và hoạt động đẩy mạnh bán ròng của khối ngoại.
Đặc biệt, việc thị trường giảm điểm sâu cũng đã khiến các chỉ số định giá VN-Index giảm về vùng thấp nhất trong 4 năm qua. Rủi ro từ dịch bệnh Covid-19 có thể đem lại đã khiến khuyến nghị mua vào của các quỹ không ngăn được đà bán ra của khối ngoại. Tâm lý thị trường đã dần chuyển sang trạng thái tiêu cực tương tự như sau kỳ nghỉ Lễ và cần thông tin hỗ trợ đủ mạnh để có thể đảo chiều.
Khác với diễn biến tuần trước khi một số cổ phiếu trụ trong VN30 vẫn giữ được sắc xanh trong tuần thì tuần qua, hầu hết tất cả các mã cổ phiếu trong VN30 đều giảm giá mạnh.
Điểm khác biệt lớn nhất của đà sụt giảm trong tuần vừa qua so với 2 phiên giảm điểm mạnh đầu năm là thị trường đã không còn bất kể một lực đỡ hay nhóm cổ phiếu nào đủ mạnh để hãm đà rơi của thị trường.
Trong 2 phiên lao dốc đầu năm của thị trường, nhóm cổ phiếu Vincom và một vài cổ phiếu trụ khác đã không sụt giảm mạnh theo thị trường mà vẫn giữ được sắc xanh, níu giữ tâm lý lạc quan cho thị trường.
Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, hầu hết tất cả các mã, ngành nghề trong rổ VN30 đều đã giảm giá theo đà sụt giảm chung của thị trường.
Đáng chú ý là cổ phiếu nhóm ngân hàng đã không còn là điểm tựa tâm lý cho thị trường khi các mã cổ phiếu trụ như VCB, BID, TCB và VPB đều giảm mạnh, tác động trực tiếp đến điểm số thị trường.
Đây được coi là rủi ro lớn nhất cho toàn thị trường ở thời điểm hiện tại.
Một diễn biến kém khả quan trên thị thị trường tuần qua là hoạt động giao dịch của khối ngoại khi khối này tiếp tục có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp. Kết thúc tuần, khối này bán ròng gần 340 tỷ đồng.
Như vậy, với việc mua ròng trong tháng 1 hơn 1.946 tỷ đồng nhưng bán ròng mạnh trong tháng 2 với giá trị hơn 2.813 tỷ đồng, khối ngoại đã rút ròng tổng cộng gần 879 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm. Hoạt động rút ròng trong những tháng đầu năm đã đi ngược với xu hướng của khối này trong nhiều năm qua.
Dự báo về thị trường trong tuần tới, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại và nguy cơ lan rộng và kéo dài của đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
“VN-Index dự báo sẽ tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ mạnh 865-880 điểm trong tuần tới”, theo BVSC.
Về chiến lược đầu tư, BVSC cho biết nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu.
“Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng”, BVSC nhấn mạnh khi cho rằng thị trường vẫn tiếp diễn đà giảm trong tuần tới.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng nhận định, diễn biến tuần qua của thị trường đang củng cố xu hướng giảm điểm. VN-Index đang trong quá trình dò đáy ngắn hạn.
“Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự của VN-Index lần lượt 873 và 925 điểm”, BSC dự báo.