Chuỗi cung ứng tìm cách lấp “lỗ hổng”
Theo nhận định của một số công ty nghiên cứu thị trường, hiện nay, tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, khối lượng hàng hóa tiêu thụ được của các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đang ở mức quá thấp nên rất khó để chi trả các khoản chi phí. Các công ty phụ thuộc xuất khẩu lo lắng bởi các đơn đặt hàng bị hủy mỗi ngày, đặc biệt là các đơn hàng từ Châu Âu và Hoa Kỳ. Hậu quả là ngành vận tải toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề và các công ty giao nhận vận tải, hàng hóa tại Việt Nam cũng không nằm ngoài kịch bản này khi chứng kiến khối lượng giảm từ 25% đến 70%. Nói chung vào thời điểm này, các DN đều đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Một khảo sát mới đây của Công ty CEL đã thấy rằng, các DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối và dịch vụ hậu cần (không bao gồm thương mại điện tử và giao hàng chặng cuối) báo cáo doanh thu sụt giảm so với mục tiêu 25% trong quý 1 năm 2020 và dự kiến sẽ không phục hồi khoản lỗ này trong năm nay.
Những xu hướng tiêu dùng phù hợp hơn và sự phổ biến của các kênh thương mại điện tử trong thời gian dài sẽ được khẳng định |
Khi cách ly xã hội trở thành một thực tế cấp bách hơn, người tiêu dùng thành thị tìm kiếm các lựa chọn mua sắm thuận tiện và an toàn cho nhu cầu hàng ngày, và thương mại điện tử-dịch vụ giao hàng tận nhà đã trở thành trung tâm của sự lựa chọn này. Mọi người có được những gì cần thiết, các doanh nghiệp và nhà hàng nhỏ duy trì hoạt động ở mức nhất định khi cửa hàng phải đóng cửa, không phục vụ tại chỗ, mà chỉ cho phép hình thức “mang đi, mua về, giao tận nơi”. Theo một khảo sát của Lazada, thì số lượng đơn đặt hàng, giá trị dịch vụ giao hàng của Grab đã tăng lên đáng kể tại một số nước Đông Nam Á và điều này cũng đang diễn ra tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Khi mọi người bắt đầu quen với việc giao hàng tận nơi và giao hàng trực tuyến trở nên có hệ thống hơn, có khả năng điều này sẽ trở thành một hành vi tiêu dùng được ưa chuộng và điều này sẽ có lợi cho lĩnh vực thương mại điện tử và giao hàng, trong khi lĩnh vực bán lẻ ngoại tuyến sẽ dần hồi phục. Đây chắc chắn là một xu hướng mới cơ bản trong ngành hàng tiêu dùng. Cuộc khủng hoảng cũng sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa các sáng kiến của Chính phủ điện tử cho phép người dân thực hiện các nghĩa vụ hành chính trực tuyến và do đó tránh được hàng dài chờ đợi. Sau khi cuộc khủng hoảng do Covid-19 kết thúc, nhiều khả năng việc triển khai các giải pháp kỹ thuật số cho người tiêu dùng và người dân sẽ phát triển mạnh mẽ.
Và để tồn tại với những nhu cầu rất hạn chế, các DN đã bắt đầu hợp lý hóa danh mục sản phẩm, phát triển các dịch vụ hoàn chỉnh mới cho các khách hàng, thực hiện các chiến dịch quảng bá lớn và cắt giảm chi phí tối đa. Khảo sát của CEL cuối tháng 3/2020 cho thấy, 80% DN đã hoặc đang xem xét triển khai các chương trình khuyến mãi đặc biệt để đảm bảo doanh số tối thiểu và 60% trong số đó đã thực hiện những thay đổi đáng kể trong dòng sản phẩm của mình. Một vấn đề quan trọng được đặt ra là nếu không nhanh chóng thích ứng, DN sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.
Ông Julien Brun, Managing Partner, chuyên gia của CEL nhận định, ngay cả lúc này, khi còn sớm cho việc dự đoán thế giới sẽ thế nào sau đại dịch Covid-19, thì đã có thể nói nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn sẽ có sự chuyển biến đáng kể. Những xu hướng tiêu dùng phù hợp hơn và sự phổ biến của các kênh thương mại điện tử trong thời gian dài sẽ được khẳng định. Các thị trường sẽ phát triển tính tự chủ với các chuỗi cung ứng được địa phương hóa và tái thiết lập, từ đó làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Người tiêu dùng sẽ ưu tiên cao hơn cho các sản phẩm địa phương thay vì hàng nhập khẩu... Các DNNVV trong chuỗi cung ứng sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tồn tại hoặc phải “biến mất”, để lại “lỗ hổng” trong chuỗi và buộc các công ty phải tìm những đối tác khác hiệu quả hơn. Sự triển khai nhanh chóng các giải pháp kỹ thuật số cho phép DN có tầm nhìn tốt hơn về hiệu suất kinh doanh và các đối tác trong chuỗi giá trị được kết nối với nhau khăng khít hơn.