Chuyển đổi số thúc đẩy tính bền vững ngành nông nghiệp
Ngày 9/11, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) tổ chức diễn đàn “Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Con đường để tiến về phía trước của Việt Nam”, nhằm tìm giải pháp phát huy tiềm năng to lớn của số hóa cho nông nghiệp Việt Nam.
Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp
|
Toàn cảnh diễn đãn |
Công nghệ số bảo vệ các nhà sản xuất lương thực
Theo các chuyên gia, ở một quốc gia mà nông nghiệp vẫn là một trụ cột chiến lược của nền kinh tế như Việt Nam, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số mang đến cơ hội hiếm có giúp tăng năng suất, nâng cao tính bền vững và đa dạng hóa sinh kế cho nông dân sản xuất nhỏ.
Việc sử dụng các công cụ và công nghệ kỹ thuật số hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng truy suất nguồn gốc và tính bền vững của các loại cây trồng chủ lực của Việt Nam như gạo, hạt tiêu, cà phê. Những tiến bộ này rất quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ cơ hội cho các nhà sản xuất lương thực trong nước.
Những giải pháp này bao gồm số hóa chuỗi cung ứng để nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện cho việc cấp chứng nhận và nâng cao tính hấp dẫn của các mặt hàng nông sản đối với các nhà sản xuất lương thực, thực phẩm đa quốc gia và thị trường nước ngoài.
Bà Carrie Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) là một cơ hội quý giá và hiếm có để giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát huy hết tiềm năng và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế lâu dài của đất nước.
Việt Nam mới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp và Chính phủ đã bắt đầu sử dụng dữ liệu và ứng dụng kỹ thuật số để đưa ra các quyết định quan trọng về chính sách và đầu tư.
“Công nghệ nông nghiệp chính xác tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, giúp người nông dân có thể đưa ra các quyết định dựa trên các dữ liệu để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực; hệ thống truy suất nguồn gốc được số hóa phục vụ cho an toàn thực phẩm, giúp đảm bảo tính minh bạch tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, tạo cơ hội tiếp cận rộng rãi với các thị trường quốc tế”, bà Carrie Turk dẫn chứng.
Bên cạnh đó, nền tảng kỹ thuật số và trang web thương mại điện tử giúp kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng, cho phép nông dân bán sản phẩm trực tuyến mà không cần qua trung gian; góp phần làm giảm chi phí giao dịch, giúp nông dân thu được lợi nhuận cao hơn; đồng thời giảm sự phụ thuộc vào giao dịch tiền mặt và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn.
Đặc biệt, AI có thể được tận dụng để cung cấp kiến thức nông nghiệp và hỗ trợ cho nông dân. Khi nông dân đặt câu hỏi, hệ thống Al có thể đưa ra phản hồi kịp thời, phù hợp và chính xác.
Thứ trưởng Bộ NNPTNN Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định chuyển đổi số là rất quan trọng với ngành nông nghiệp, với hơn 10 triệu hộ nông dân và hơn 30 triệu lao động đang trực tiếp sản xuất trong ngành này tại Việt Nam.
Trong ngành nông nghiệp, chuyển đổi số không chỉ giúp cho nông dân tiếp cận thị trường nhanh chóng mà còn giúp cho họ tiếp cận với phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường năng lực quản lý và giám sát của các quy trình sản xuất. Hơn nữa, chuyển đổi số còn tạo ra sự minh bạch trong từng khâu sản xuất, từ gieo trồng tới thu hoạch và phân phối.
“Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố dài hạn tất yếu. Và nông nghiệp không thể đứng ngoài cuộc”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.
Công nghệ số có thể cách mạng hóa ngành nông nghiệp. |
Để nông dân không yếu thế trong chuyển đổi số
Dù công nghệ số có tiềm năng to lớn giúp thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên Giám đốc WB tại Việt Nam cũng thừa nhận rằng hiện vẫn còn nhiều thách thức.
Đơn cử như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng công nghệ kỹ thuật số còn hạn chế khi chưa đến 8% hợp tác xã đang ứng dụng các công nghệ số một phần; kỹ năng nhận thức và sử dụng thiết bị thông minh của nông dân vẫn còn ở mức thấp; các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp chưa đầu tư đáng kể cho vấn đề chuyển đổi số; khả năng tiếp cận tài chính của nông dân còn hạn chế.
Theo bà Carrie, thách thức đặt ra đối với chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở khu vực nông thôn chưa phát triển. Quy mô ứng dụng công nghệ số còn nhỏ (chưa đến 8% các hợp tác xã ứng dụng công nghệ số đến một mức độ nào đó);
Đồng thời, nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn thấp. Doanh nghiệp nông nghiệp chưa đầu tư nhiều vào chuyển đổi số; và khả năng tiếp cận tài chính của nông dân vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu.
Nói về những khó khăn khi chuyển đổi số trong nông nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ ra, chuyển đổi số ở Việt Nam rất khó, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp lại càng khó hơn vì liên quan trực tiếp đến người nông dân. Mà nông dân là những người yếu thế hơn trong chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số ở Việt Nam là rất khó và trong ngành nông nghiệp còn khó hơn nhiều vì đối tượng tác động và liên quan trực tiếp là nông dân. Nông dân là đối tượng yếu thế trong chuyển đổi số. Nhưng chúng tôi xác định rằng, sự yếu thế này có thể là lợi thế của ngành nông nghiệp nếu biết cách làm và đầu tư từ đầu một cách bài bản, chính xác thì chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ thành công”, ông Hiệp nhận định.
Đánh giá thêm về những khó khăn mà nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải, ông Thomas Jacobs – Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào cho biết, do các hộ nông dân quy mô nhỏ chiếm đa số ở Việt Nam, thách thức trong việc triển khai các công nghệ và phương pháp sản xuất mới, giải quyết các tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị, rất phức tạp.
“Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ, nông dân, các công ty kinh doanh nông nghiệp và các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp cần chung tay hành động. Công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp sẽ là giải pháp căn bản, đi kèm với những giải pháp đổi mới sáng tạo và nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân”, ông Thomas Jacobs nhấn mạnh và cho biết IFC đã và đang hợp tác với các doanh nghiệp ở Việt Nam để giúp nông dân sản xuất các loại lương thực thiết yếu như gạo và các mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng như cà phê, hạt tiêu, áp dụng các công cụ kỹ thuật số và phương pháp canh tác thông minh để tăng sản lượng và giảm chi phí.
Theo đó, IFC đang đầu tư vào các công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị nông nghiệp, chẳng hạn như công nghệ bảo quản giúp kéo dài thời gian sử dụng của nông sản, các công nghệ thông minh điện tử hướng dẫn nông dân tối ưu hóa việc cho cá ăn, nền tảng kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng thông qua bán lẻ trực tuyến.